Những lần tôi được ra thăm các vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc là những ngày mây nước, đất trời đều chớm vào xuân…
1.Đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) trong tầm mắt nhấp nhô của chúng tôi từ trên mạn tàu HQ 628 là những dốc núi dựng đứng, sóng trắng vây bủa. Cồn Cỏ có thể khác với trí tưởng tượng của nhiều người, không có biển êm cát trắng trải dài dù chỉ cách đất liền khoảng 15 hải lý. Ngày sắp tết, nơi này mây trời, biển khơi lại vần vũ, nhưng dường như màu xanh um của cây lá đã kéo xuân về. Trung úy Nguyễn Cao Cường – Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ đang cùng những chiến sĩ trên đảo san sửa sân bóng chuyền, sắp xếp lại những chậu mai trước thềm trụ sở cơ quan để chuẩn bị đón tết. Anh cho biết, cán bộ chiến sĩ ở lại ăn tết trên đảo được đơn vị quan tâm, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, để cải thiện đời sống, các chiến sĩ đã tổ chức chăn nuôi nhiều gia súc, có thể giết thịt phục vụ trong dịp tết. Đơn vị cũng chuẩn bị tổ chức giao lưu bóng chuyền, cờ tướng, tổ chức tiệc đón giao thừa… cho cán bộ, chiến sĩ giữ đảo.
Cột cờ chủ quyền ở Lý Sơn. |
Năm nào cũng vậy, Cồn Cỏ đón tết sớm bởi thời điểm này quân và dân trên đảo mới có thể sum họp. Cồn Cỏ hiện có hơn 10 hộ dân sinh sống, ngày cận tết, một số hộ phải vào đất liền để vui tết cùng bà con nên phút giao thừa không thể đủ đầy. Trước ngày đưa ông Táo về trời, đã thấy nhiều người dân đến chúc nhau bên ly rượu mừng năm mới; hạt dưa, bánh mứt bày ra, trước nhà những chậu cúc vàng khoe sắc… ấm áp tình xuân. “Quân và dân đã như một đại gia đình, mỗi hộ rời đảo trong những ngày tết là một nỗi lưu luyến. Anh em ở lại làm nhiệm vụ trên đảo trong những ngày tết đều tranh thủ đến nhà dân để chúc mừng năm mới, gửi lời thăm gia đình trong đất liền nên không khí tết trên đảo đến sớm hơn là vậy” – Trung úy Cường tâm sự.
Báo xuân đến với các chiến sĩ Hải quân đảo Cồn Cỏ. |
2.Chúng tôi mang chút ấm áp của không khi tết ở Cồn Cỏ, vượt một đêm dài sóng gió đến với vùng biển đảo Lý Sơn. Khác với Cồn Cỏ, nhìn từ xa đảo Lý Sơn như một bãi đá mọc lên vững chãi từ biển, mờ sương trong hơi nước và bọt sóng. Tàu cập cảng, nhiều tốp cán bộ, chiến sĩ trên đảo ùa ra tay bắt mặt mừng như đón người thân lâu ngày trở về. Nhiều người gặp nhau, ríu rít hỏi quê ở đâu rồi nhận đồng hương để tranh thủ chuyện trò, hỏi han như sợ phút giây sum họp này sẽ tan nhanh theo hải trình sóng gió xa vợi… Chiến sĩ Nguyễn Đắc Giáp (Trạm ra đa 550, Tiểu đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) cho biết, đây là lần thứ 2 anh đón tết ở Lý Sơn. Nơi anh đóng quân là đỉnh núi cao nhất Lý Sơn, đường lên cheo leo, dốc núi thẳng đứng. Xuân ở nơi này thường đến trong cái rét giá của những cơn gió muối từ biển, tết lại vắng thưa người. “Ở đây lương thực thực phẩm thì không thiếu, nhưng vì địa hình và quy định của trạm rất khắt khe nên ba ngày tết anh em phải túc trực, người ngoài cũng khó vào được. Tết năm ngoái, tôi cùng với các đồng đội chuẩn bị ăn tết tại chỗ với đủ hương vị bánh mứt, thịt heo và có cả những cây mai bằng giấy tự làm để có không khí xuân…” – anh Giáp nói.
Trung chuyển quà tết từ tàu Hải quân sang tàu đánh cá, cập đảo Cồn Cỏ.Ảnh: MINH ĐỨC |
Những ngày cận tết, Lý Sơn tấp nập tàu thuyền, những chuyến hàng từ đất liền nối nhau cập cảng. Theo ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), năm nào cũng vậy, thời điểm giáp tết, biển thường động kéo dài nên công tác chuẩn bị tết cho người dân luôn được địa phương thực hiện từ sớm. Người dân cũng chủ động mua sắm hàng hóa để vui tết, đón xuân và dự trữ đề phòng biển động, vì vậy không khí tết trên đảo thường nhộn nhịp sớm hơn so với đất liền. Đời sống người dân đảo Lý Sơn những năm qua đã khấm khá hơn, ngày sắp tết, nhiều người lại tất bật với những kiện hàng hành tỏi, củ kiệu, hải sản khô gửi vào đất liền để bán và làm quà biếu cho người thân. “Tuy là khai thác ở ngư trường khơi nhưng hầu hết ngư dân tranh thủ khai thác chuyến cuối và cập bờ vào những ngày cận tết. Năm nay có điện lưới quốc gia, không khí tết thêm phần tươi vui, ấm áp hơn…” - ông Nguyên nói.
MINH ĐỨC