Sắp ăn tết dương lịch rồi, những 4 ngày, tự dưng bâng khuâng với chuyện Tây, Ta. Người phương Tây thường ăn tết dương lịch. Còn Việt Nam mình, giờ ăn cả hai tết, quen gọi nôm na là Tết Tây (dương lịch) rồi Tết Ta (tức tết Nguyên đán).
Đã có dạo nhiều người đề xuất bỏ Tết Ta, chỉ ăn Tết Tây cho nó… quốc tế hóa, hội nhập quốc tế luôn thể. Nghe cũng có lý (?!). Đại biểu cho “trường phái” đề nghị bỏ Tết Ta, GS.Võ Tòng Xuân, liệt kê các mặt hại khi ăn Tết Nguyên đán, cho rằng ăn tết theo lịch Tàu làm lãng phí thời giờ tiền bạc, đánh mất thời cơ giao thương, ảnh hưởng nông dân, học sinh vì đang vụ mùa sản xuất, học hành v.v. GS.Võ Tòng Xuân cũng nêu chuyện người Nhật cải cách, canh tân, ăn tết dương lịch nên phát triển theo kịp trào lưu hiện đại, giao thương phù hợp với tập quán người Tây phương nên đất nước giàu có. Tuy nhiên, ý kiến của GS. Xuân vấp phải một sự phản đối rầm rộ của “trường phái” giữ Tết Ta. Nhiều giáo sư khác lên tiếng bác bỏ lập luận của ông và nêu rằng Tết Ta là tết cổ truyền của dân tộc, nếu bỏ thì còn gì? Ai cũng cho việc ăn Tết Tây là dịp đi chơi bời vậy thôi, còn Tết Ta là tâm linh, là biểu trưng đoàn tụ gia đình, tri ân tổ tiên, ông bà, là sợi dây gắn bó với quê hương máu mủ. Tập tục ngàn đời, hội lễ của quốc gia dân tộc đều theo mùa xuân tính theo âm lịch, nếu không còn Tết Ta, sẽ phai mờ bản sắc, cội nguồn.
Mặt trăng, mặt trời vốn đã trái chiều. Lịch âm, lịch dương hẳn phải khác nhau. Chọn ăn tết như thế nào cũng theo chuyện tình lý con người, “cãi” nhau mà làm gì? Người ta cũng thường biết rằng, các nhà kinh tế học đôi khi có biện luận sai vì có nhiều quy luật kinh tế trái ngược với suy luận logic thông thường. Tỉ như trong thời buổi khó khăn, tiết kiệm chi tiêu là suy nghĩ đúng đắn nhưng chỉ đúng với bình diện cá nhân, còn nếu cả xã hội giảm chi tiêu thì khủng hoảng càng trầm trọng, sản xuất cũng bế tắc. Có lẽ vì thế mà trong mấy năm nay, chính phủ vẫn thường tính toán gộp ngày làm bù để công nhân viên chức nghỉ lễ tết dài hơn. Các nhà phân tích cho biết đó là biện pháp để kích cầu thị trường dịch vụ.
Người Tây hay đi chơi vào dịp lễ tết. Vậy nên, nếu họ đến đất mình du lịch nghỉ ngơi, tổ chức hoạt động vui tết dương lịch chào đón du khách thì cũng là… hội nhập, quốc tế hóa đấy thôi. Năm mới, ai về Hội An thì biết ngày Tết Tây vui thế nào. Có năm lễ hội đường phố kéo dài bất tận với dòng người đủ các quốc tịch, hát và khiêu vũ với giai điệu “Happy new year”. Dịp đó, bà con mình được bán lồng đèn, giải khát cà phê, phục vụ khách đi bar qua đêm,… thu khá. Tuy nhiên, đến Tết Ta thì khác, đường phố Hội An lại thoảng hương trầm, tĩnh lặng đến lạ, như một cõi bình yên thẳm sâu hồn quê xứ con người. Người Hội An, người Quảng Nam, hay gọi tết Nguyên đán là tết ông bà, cũng từ ý niệm tâm linh ấy. Tết Tây, để du chơi; rồi Tết Ta, để thanh tẩy những bụi trần thực dụng…
ĐĂNG QUANG