Tôi mường tượng lại bao cái tết thuở thiếu thời trên quê xứ, bồi hồi một niềm xúc cảm hoài thương. Bao lần tết đến và đi trong nỗi chật vật, nhưng đượm niềm vui và nỗi chờ mong, nhất là với bọn trẻ chúng tôi. Dẫu đời sống còn khốn khó, dẫu thiếu trước hụt sau, nhưng tết quê luôn được chuẩn bị chu đáo, ấm cúng. Dẫu là năm làm ăn khấm khá hay mất mùa thì ngày tết cổ truyền không hề thiếu vật phẩm là mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên cùng bình hoa sắc màu trang nhã được cắm chu đáo, những vàng mã, áo giấy được dâng lên ông bà, tổ tiên. Tết, những hủ dưa kiệu mẹ làm, hủ thịt muối, nồi bánh tét được vớt ra còn nóng hổi thơm mùi nếp mới chiều cuối năm. Tầm 28 - 29 tháng Chạp, ang gạo nếp thơm lừng được mẹ đem ra ngâm, để ráo, những tàu lá chuối sứ lành lặn được lau chùi sạch sẽ để bó nếp, buộc cẩn thận bằng những cọng lạt bằng cật tre chẻ nhỏ. Bánh được sắp vào cái nồi to, đổ nước xâm xấp, rồi bắt lên kiềng ông Táo, chụm suốt 1 ngày 1 đêm liền. Những đòn bánh tét thơm lừng vừa ra lò một ít được dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên, một phần để ăn tết, một phần thường là quà gửi bà con phương xa về ăn tết. Rồi còn đủ thức bánh, nào là bánh thuẩn, hạt sen, bánh khổ khảo, bánh nổ, bánh in, bánh da, bánh tổ... Để có nguyên liệu làm bánh thì mẹ tôi và các thím ở quê đã phải chuẩn bị từ giữa tháng Chạp. Cũng thời gian này, những lò chuyên nhận rang xay các loại đậu, nếp mọc lên dọc các con đường, cảnh nhộn nhịp đêm ngày trong sự háo hức chờ tết.
Gói bánh ngày tết. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Cha mẹ tôi luôn chuẩn bị chu đáo cho tết. Những vạt cải, liếp rau hành, ngò, mồng tơi, cải xanh, xà lách xanh non, những giàn đậu cô ve trĩu trái trước hiên nhà. Có năm gieo sớm, nhiều đám đã lún phún trổ ngồng với sắc vàng rực của hoa cải, trắng li ti của ngò, vàng nhạt của tần ô, tím biêng biếc của bông đậu trên giàn. Rồi những vạt cúc, chậu thược dược, vạn thọ khoe sắc thắm… là sứ giả của mùa xuân nghinh trước hiên nhà. Thời chúng tôi lên năm, lên bảy, không tết nào là thiếu tiếng pháo nổ đì đùng. Cùng với nghi thức cúng giao thừa, loạt âm thanh đì đùng vang lên, bọn chúng tôi chạy đi tìm chỗ nấp, hai tay che tai mà lòng thì rộn ràng, khoái chí. Kiểu gì sau khi tiếng pháo nổ cuối cùng, chúng tôi và đám trẻ xóm giềng cũng lăn lộn trong xác pháo đỏ. Thế là, dù sân nhà ngập xác pháo đỏ vương vãi trên những vạt rau, những chậu hoa kiểng nhưng cha mẹ tôi chẳng quét đi bao giờ mà phải để như vậy qua ít nhất ba ngày tết. Cha tôi bảo, giao thừa là thời khắc thiêng liêng của đất trời nên ông dặn dò kỹ, phải xong mọi việc sớm để kịp tống cựu nghinh tân. Tới tận bây giờ, ông vẫn dặn con cái mình, dẫu cả năm tất tả ngược xuôi đến mấy nhưng hễ đêm giao thừa thì phải gác bỏ hết qua một bên, gác bỏ phiền muộn, bao lo toan cuộc mưu sinh.
Những đứa trẻ nơi miền quê nghèo luôn mơ tết. Tết có quần áo mới, có bánh trái tha hồ ăn, được đi chơi nhiều ngày dài, lại có phong bao lì xì đầu năm... Đã qua rồi những cái tết đám trẻ con trong xóm kéo nhau rồng rắn đi các nhà đầu thôn cuối xóm. Dẫu nghèo, dẫu khó, dẫu trong năm xóm giềng cũng có chuyện này, chuyện kia nhưng ngày tết, ai nấy đều chín bỏ làm mười. Bọn choai choai như chúng tôi đi khắp thôn này thôn nọ, xã này xã nọ chơi tết mà chẳng biết mệt. Chẳng xe xịn, chẳng điện thoại, tình bạn trong trẻo, hồn nhiên.
Rồi, những cái tết quê cũng nhạt dần những nếp cũ theo vết thời gian, nhất là trong thế giới tinh thần của lớp trẻ. Những thức bánh tết không còn là nhu cầu thụ hưởng, thay vào đó là mớ bánh, trái đóng gói, gắn nhãn mác sang trọng được tậu từ các chợ, siêu thị về quê. Không còn ly rượu nồng mời nhau ngày tết cho ấm lòng, mà thay vào đó là các thứ rượu hạng nặng, đắt đỏ, những thùng bia chất cao đãi đằng, mời mọc. Thanh niên làng, nhà xóm giềng cũng không mặn mà đi chúc tết nhau; những lần hội tụ bạn bè đầm ấm bên tách trà, khay mứt hàn huyên tâm sự cũng thưa. Những cuộc nhậu inh ỏi ở các hàng quán với thức ăn thừa bởi chẳng ai buồn đụng đũa, những ly chúc tụng hòa lẫn không gian đinh tai, nhức óc ở các hàng quán karaoke. Thời đại công nghệ số, những lá thư xuân, cánh thiệp đầu xuân trai gái chúc nhau duyên thắm gần như là… viễn tưởng. Chỉ bấm máy với cuộc gọi, SMS chỉ cần enter là có thể phát cả trăm tin đi - đến. Tết nay có thể đủ đầy hơn tết xưa, đã qua rồi cái thời phải chật vật chạy ăn toát mồ hôi, lo đói no, cơm áo ngày tết. Cổng kín, tường cao đã thay thế cho những hàng dâm bụt, vạt chè tàu mà bọn trẻ khi xưa chỉ cần rúc rào qua lại, giận rồi lại thân như chưa hề có cuộc cãi vã...
Sẽ là khập khiễng khi đi so đo hơn - thua và giá trị giữa tết xưa và tết nay, bởi phát triển là quy luật của xã hội. Chỉ là, tự thâm tâm, tôi tiếc. Những làng quê với lũy tre làng, ruộng đồng thẳng cánh cò bay rồi sẽ dần mất đi, thay vào đó, đường bê tông thẳng tắp, nhà nhà tường ngói khang trang, nông thôn trong cuộc đô thị hóa. Và quanh quất đã thấy tết Việt cổ truyền phai nhạt dần trên mỗi làng quê, trong mỗi nhà.
Đứng ở quê nay mà lại nhớ quê xưa, đón tết này lại nhớ tết xưa với khoảng ký ức, tuổi thơ đẹp. Tuổi già, cha mẹ tôi bao năm vẫn miệt mài chuẩn bị tết, lo bàn thờ gia tiên, níu giữ từng khoảnh khắc xuân. Giật mình nhìn lại, dòng đời với bao bận mưu sinh đã cuốn tôi xa rời kỷ niệm. Chợt nhận ra mình nhớ lạ kỳ cái mùi tết, nhớ cái góc sân nhà ngày tết, nơi có đủ sắc hoa xuân mẹ trồng nay đã bị thu hẹp…
HOÀNG LIÊN