Tết Trung thu rước đèn đi chơi

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 07/09/2014 07:38

Tết Trung thu rước đèn đi chơi
...
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm…

Trẻ em ngày nay vui rước đèn và vui hát, đại loại như vậy, như vậy… Nhưng chuyện rước đèn của các em ở nơi phố thị, tuy vui mà cũng hơi… chán! Vì hầu hết là đèn làm sẵn, bày bán đầy rẫy ngoài chợ. Tất nhiên, không mất công mà lại có đèn để chơi, nhưng hơi tốn tiền cha mẹ. Vì vậy, trước khi nói cà kê dê ngỗng về cái đèn, có lẽ phải… hoan hô những em nào biết tự làm lấy đèn để chơi tết!?

Còn “ngày xưa”, những lúc rỗi rãi, các lão ông đem đồ lề ra, tỉ mẩn vừa làm vừa kể chuyện cho đám cháu nhỏ xúm xít chung quanh. Đây là dịp “giáo dục” bầy trẻ một cách tự nhiên nhất và hiệu quả nhất. Tỷ như làm đèn hình con lợn, vị lão ông mới “thử tài’ cháu bằng câu đố:

Tam thủ, nhất vĩ
Lục nhĩ, lục nhãn
Tứ túc chỉ thiên, tứ túc chỉ địa.

Tất nhiên là ông sẽ “diễn nôm” câu đố, vì các cháu làm sao đủ… Hán rộng để hiểu câu đố này (tả cảnh hai người khiêng con lợn).

Còn ví như làm đến đèn con gà, những vị lão ông vốn “uyên thâm” lại đưa ra liên tiếp hai câu đố khác nhau:

Hai cột một kèo
Trao hai tấm tranh
Cả làng ở đủ
(tả con gà mẹ)

Hoặc là:

Đầu rồng đuôi phụng cánh tiên
Nửa đêm thức dậy nổi lên la làng
(tả con gà trống)

Khi uốn cong thanh tre, vuốt ngọt cho thành hình tròn ông trăng, thì cụ ông lại ngâm ngợi:

Giữa chừng thì bảo em già
Đằng đầu đằng cuối thì là em non
Đi vòng quanh một tháng tròn
Em đi đi mãi hết non lại già.

Những khi đố mãi mà các cháu vẫn “mít đặc”, ông lão mới nhắn bảo một cách dễ hiểu hơn về một kinh nghiệm thời tiết:

Trăng quầng thì hạn
Trăng tán thì mưa.

Cứ thế, những câu đố, ca dao, tục ngữ như chất ngọt êm dịu dần thấm vào những tâm hồn thơ trẻ. Những hiểu biết về cuộc sống và giới tự nhiên đi vào đầu óc các em qua những hình ảnh thân quen như cái nón, cái cày, cây đèn, cái cuốc, ông bình vôi, cây tre, cây bắp, con cá, con trâu…

Chơi đèn còn có cái lợi là kích thích trí sáng tạo ở trẻ nhỏ, bằng cách tự làm đèn. Chỉ với hai cái lon thiếc, mẩu thép, khúc đèn cầy và que tre, trẻ con có thể tạo ra chiếc “đèn xe” có ánh sáng phát ra nhấp nháy hấp dẫn. Trên đường “xe” chạy, mặt đất gồ ghề trong xóm nhỏ hay đường làng cát mịn biến thành những hành trình đầy bí ẩn trong trí tưởng của các em. Với ít tấm giấy màu và một vài que nan, các em chắp thành hình đèn ngôi sao, đèn bánh ú…

Cuộc sống phát triển, các loại đèn của các em ngày càng “hiện đại” hơn, như các kiểu đèn xe hơi, tàu thủy, tàu bay, robot, siêu nhân… như là hình ảnh của sự thay đổi trong sinh hoạt xã hội. Người ta vẫn thường hay “than thở” về sự tác hại của những món đồ chơi kích thích mầm mống bạo lực trong cái phần xấu vốn tiềm ẩn trong con người nhưng biết làm sao đây, khi bây giờ, đồ chơi theo kiểu ấy của Trung Quốc vẫn lềnh khênh đầy đường đầy chợ!? Trong khi vượt lên trên những biến động và đổi thay, vẫn còn nguyên vẹn ước muốn vĩnh cửu của con người là một đời sống bình yên, no ấm từ sự cần lao của chính bản thân mình.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết Trung thu rước đèn đi chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO