Tết về nguồn cội...

THÀNH CÔNG 11/02/2019 04:39

Về quê ăn tết. Màu tết không chỉ có trong những tà áo dài xúng xính, trong sắc nắng vàng ươm của mai cúc đầu ngõ, trong đôi mắt khóe miệng tươi xinh của con trẻ. Tết về trong những gian thờ của đình chùa miếu mạo, trong bước chân người tìm đến sum vầy ở nơi khởi nguồn của tuổi tên mình... Những gian từ đường ở khắp làng quê xứ Quảng, gợi lại những ý niệm thiêng liêng về cội nguồn ngày tết...

NẾP CŨ LÀNG XƯA

Vẹn nguyên mảnh ký ức ấm áp của ngày thơ bên nồi bánh đêm trước giao thừa, là khoảng nhớ rưng rức những thương yêu với gia đình, với quê. Xuân không tàn theo cánh hoa, đâu đó ngay giữa phố xá chật chội hay về với quê nhà nơi góc núi, tết-nguồn-cội vẫn đong đầy…

Phố, gọi tên niềm nhớ

Tết đầu tiên trong căn nhà mới, ở một nơi mới, giữa những chộn rộn của ngày cuối năm, anh Ngô Việt Hùng (khối phố 2, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) vẫn thu xếp để dành một ngày để cùng những người hàng xóm gói một nồi bánh tét, bánh chưng. Ngày cho ký ức, thay những cái tết quê bên người thân, họ hàng mà anh đã trải. Đó cũng là cách để anh dạy cho hai đứa con mình về khái niệm giản đơn nhất, khi chúng đã bắt đầu có những tò mò về ngày tết cổ truyền. Không riêng anh, những người hàng xóm, cũng là những cặp vợ chồng trẻ mới vừa chuyển về định cư đã cùng chia sẻ ý tưởng thú vị ấy. Lặn lội về quê cách vài chục cây số lấy lá chuối, lạt dang, rồi tất bật ngâm nếp, đồ đậu xanh, ướp thịt, mượn một chiếc nồi to, kiếm củi đốt, họ chia nhau mỗi nhà mỗi việc. Ngày cuối năm, tất cả quây quần bên chiếu, tự bày nhau cách gói bánh. Chỉ có một người biết gói bánh, rồi dạy cho những người còn lại, dạy luôn cho lũ trẻ con về ý nghĩa của chiếc bánh chưng, bánh tét ngày xuân… Những chiếc bánh dù có vụng về méo mó, nhưng khoảnh khắc cả xóm quây quần bên nồi bánh bắc trên vỉa hè của một khu dân cư mới, dưới ánh đèn đường ngày cuối năm, đêm giao thừa thiêng liêng theo một cách riêng. Trên mâm quả thờ của căn nhà mới, cái tết đầu tiên, có đòn bánh đầu tiên của những gia đình trẻ.

Gói bánh ngày xuân. Ảnh: THÀNH CÔNG
Gói bánh ngày xuân. Ảnh: THÀNH CÔNG

Phố, phía sau sặc sỡ đèn màu, cờ hoa khắp nẻo đường, trong từng nếp nhà, từng ngõ nhỏ, vẫn có một không gian riêng cho nếp quê từ bao đời, khởi đi từ nồi bánh. Ông Bùi Văn Tư (khối phố Trường Đồng, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ), rời xóm cũ, chuyển lên định cư ở đường Tôn Thất Tùng, nhưng vẫn kỳ công chuẩn bị để đón chờ con cháu về gói bánh. Có một không - gian - tết từ bàn thờ gia tiên, mà bánh chưng, bánh tét là thứ không thể thiếu. Hơn một thói quen, đó còn là nếp nhà, gọi cháu con về sum vầy, vẹn tròn một vòng đạo nghĩa. Tết không ở đâu xa. Tết bắt đầu từ những ngày cuối năm chọn cho được một chậu hoa cúc đẹp, gọi từng đứa con giục về nhà, tỉ mẩn quét tước, dọn dẹp, chuẩn bị từng chút bánh mứt, từng thức thịt rau. Bao người trẻ sẽ trở về sau những bôn ba, dưới mái nhà chung có cha, mẹ, ông bà, cùng chuẩn bị cho mâm cúng giao thừa. Dù đang là cư dân của phố, trong huyết quản họ vẫn chảy tràn dòng máu quê kiểng, để những ngày xuân gói gọn trong hai chữ sum vầy.

Về quê cúng làng

Từ giữa hoang vu có một miền quê xứ mọc lên, gọi tên là Nông trường chè Quyết Thắng nức tiếng một thời. Câu chuyện của lớp người như ba mẹ tôi ở xã Ba, xã Tư (Đông Giang), là năm tháng dài vỡ đất, khai phá từng góc núi, gieo trồng, chăm bón cho hàng triệu gốc chè lớn lên. Từ đất lạ, bao người ngụ cư như thế hệ ba mẹ tôi ngày ấy có một quê hương khác, ngoài mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Quế Sơn, mỗi người mỗi quê, nhưng cùng chung một đoạn đời, một năm tháng, và bây giờ là một quê hương khác. Từ nơi đó, thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên, bay đi muôn phương theo cuộc mưu sinh dài vạn dặm, nhưng mảnh đất ngụ cư ấy vẫn luôn là miền nhớ thôi thúc trong lồng ngực rằng phải trở về. Ngôi làng nhỏ nằm giữa vùng thung lũng phía bên kia núi Chúa, mỗi độ xuân về, lại dậy lên những ký ức thương yêu khi chúng tôi và cả lớp người như ba mẹ gặp nhau trong ngày cúng làng đầu năm. Không có đình, lễ cúng làng diễn ra ở sân khu nhà tập thể cũ của công nhân nông trường chè, mà nay là nhà sinh hoạt văn hóa thôn. Già trẻ, cháu con gặp nhau trong ngày đầu xuân mới, người lớn hàn huyên chuyện cũ, lớp trẻ hỏi han, nhắc nhớ về tuổi thơ lớn lên trên nông trường. Nhiều năm rồi, ngày về làng luôn ấm áp tình quê xứ như thế…

Ông Huỳnh Quý (68 tuổi) đã rời làng tôi từ gần chục năm, về quê nhà ở xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) với cháu con. Nhưng, bao cái tết qua đi, chỉ có một năm duy nhất ông không dự phần vào mâm cúng làng ở quê cũ, vì tang chế. Như một ước hẹn, cứ mỗi tết đầu năm, ông ngược núi, về với làng chủ trì lễ cúng. Tạ ơn một năm trời đất an hòa, nhà nhà bình an, cầu mong năm mới người người mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, ngày cúng làng còn là dịp để ông gặp lại từng khuôn mặt quen, hỏi thăm vài người cũ. Tết này, tôi gặp lại ông. Vẫn là người chủ tế khuôn thước trong từng nghi lễ, nhưng sau lễ cúng, lại giản dị như một ông bác ruột rà. Ai cũng có quê, những người như ông, như ba mẹ tôi, có nhiều hơn một quê hương, mà nơi nào cũng chất chứa nghĩa tình. Không riêng ông, làng tôi, qua mấy chục năm trời, vẫn chờ đón từng đứa con xa trở về tụ họp.

Tết đoàn viên. Đi thật xa, thật lâu, vẫn luôn an bình và ấm áp ngày trở về. Ai đó nói rằng tết dần nhạt, toan lo quá nhiều cho vài ngày xuân ngắn ngủi. Nhưng, thay vì du xuân nơi đất lạ, hãy dành một ngày xuân về với quê, với làng cũ. Để thấy mình được nhỏ bé trong những thương yêu, để sống với nếp quê hiền hòa mà chan chứa, để có một cái tết-nguồn-cội thật đong đầy…

THÀNH CÔNG

GIỌNG QUÊ HƯƠNG

Những ngày tết, càng về sau này, người ta càng thấy hân hoan vì giá trị của tình làng nghĩa xóm, của người đi xa về cứ hỉ hả giọng ở quê mình. Giọng quê hương, xa xôi hơn, cao hơn chút là ý niệm về một gốc gác...

Về quê thăm tết.Ảnh: LÊ QUÂN
Về quê thăm tết.Ảnh: LÊ QUÂN

Nếu dòng tộc là nơi đầu tiên khởi phát nên ý thức về dân tộc, đất nước, thì con ngõ con xóm lại là thứ để người ta nghĩ nhiều hơn về làng về nước. Khi cội nguồn dân tộc như một bức tòa thành bảo chứng về căn tính của một con người thì tính cộng đồng tại con đất đang ở là chỉ dấu để gắn kết người từ muôn xứ về ăn tết đất này. Từ những ngày mùng 5 trở đi đến cuối tháng Giêng, người ở các làng quê lại rục rịch chuẩn bị cho việc cúng xóm làng tại những ngôi miếu thờ Thành hoàng. Nhiều năm trở lại đây, những hoạt động mang tính cộng đồng làng này trỗi dậy mạnh mẽ, như thêm lần nữa khẳng định và nhận dạng về một bản sắc truyền thống của người Việt Nam.

Kỹ sư người Mỹ gốc Việt - người phụ nữ duy nhất được chọn vào Ban lãnh đạo kỹ thuật cho hãng công nghệ toàn cầu Texas Instruments, Lê Duy Loan từng chia sẻ: “Tôi yêu quê hương từ khi mới thành người”. Quê hương của người phụ nữ này, hẳn như bao kiều bào đang xa xứ khác, là bờ tre gốc rạ, là những giá trị truyền thống cốt lõi của người Việt mà hẳn chỉ được định danh bằng chính người Việt. Dẫu ở đâu, tết bước chân về quê mình, nghe giọng nói từ người ở quê hương mình, mới là điều hạnh phúc. ThS. Lê Chí Huy, vừa lấy xong bằng cao học tại Nhật, lần này trở về quê nhà xứ Quảng ăn tết trong niềm hân hoan riêng. Cũng như kỹ sư Lê Duy Loan, Huy nói, dẫu sống ở đâu, trở thành người như thế nào, thì cái cảm giác được thuộc về quê hương, cái hân hoan đi giữa làng mình, sẽ luôn là thứ thôi thúc anh trở về quê nhà. Về ăn Tết Việt, để ngửi cái món bánh thuẫn thơm lừng, để nhìn khói bếp cay xè mắt mẹ giữa chiều 30... Tết là vậy. Một quãng thời gian với quá nhiều cảm xúc, từ vương vấn hoài niệm, hân hoan niềm vui đến bùi ngùi khi phải quày quả trở đi. Đi để trở về. Về lại ra đi...

Trên dòng thời gian của mạng xã hội, những ngày tết ngập tràn hình ảnh của sắc xuân từ muôn ngả. Hình như ai cũng đang cố gắng lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân đời mình, bên gia đình, người thân, bè bạn. Tôi bỗng chợt rưng rưng khi nhìn thấy hình ảnh gia đình bạn mình ở nước ngoài, sắm những bộ áo dài mặc tết, đứng dưới một gốc cây nắng vàng xiên, để chụp một “pô” ảnh lưu niệm mùa Tết Việt. Thì hẳn, ở đâu, vào những ngày này, mang trong mình dòng máu Việt, đều ít nhiều dành cho mình một quãng thời gian để nhung nhớ, hoài niệm và tự mình làm nên tết cho mình. Đã là cội rễ thì dầu ở đâu, mỗi khi nghe tên đất Việt sẽ thấy lòng rung lên. Tôi tin vậy!

Giọng quê hương, xét đến cùng, là bản sắc của quê xứ mình, là tình yêu và những trải nghiệm, mà trong đó, đi qua những ngày tết đậm dấu ấn cổ truyền từ bé dại đến lúc chựng lại làm người lớn là thứ ký ức son sắt khó lòng nhòa phai.

LÊ QUÂN

ĐẦU NĂM HỘI TỤ Ở ĐÌNH LÀNG

Đình làng Thanh Quýt mùng 4 Tết Kỷ Hợi năm nay lại rợp cờ hoa và nhộn nhịp với một đêm diễn tuồng cổ phục vụ bà con, lễ tế đình làng với trích đoạn Phúc Lộc Thọ. Nhưng trước đó vào buổi sáng là lễ vinh danh, trao thưởng cho hơn 70 học sinh, sinh viên xuất sắc của làng hết sức trang trọng.

Không chỉ có các cụ cao niên trong ban tế lễ, lãnh đạo xã Điện Thắng Trung, các thôn và các tộc họ mà còn có nhiều trí thức, doanh nhân của làng làm ăn từ các nơi quay về vì sự nghiệp khuyến học khuyến tài cho các thế hệ con cháu. Đây là một sinh hoạt đầu năm thường xuyên từ 13 năm nay. Những người vì ở xa không về được thì kịp gửi quà khuyến học về như TS.Nguyễn Hữu Hoạt, GS.Lê Tự Hỷ từ Mỹ. Mùng 4 Tết năm nay có sự góp mặt của kiến trúc sư Lê Tự Gia Thạnh, ThS. Nguyễn Văn Đoàn, kỹ sư Trương Công Thạnh, doanh nhân Lê Tự Kiện…

Ngoài 68 tân sinh viên vừa thi đậu vào các trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y Huế, Bách khoa Đà Nẵng, Kinh tế Đà Nẵng, Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh… được khen thưởng từ Quỹ khuyến học của xã, 20 học sinh các cấp là con nhà nghèo và học giỏi còn được gia đình cụ Nguyễn Văn Đường trao 20 suất học bổng, tổng trị giá 20 triệu đồng. ThS. Nguyễn Văn Đoàn thay mặt gia đình cho biết, năm nào cũng vậy, gia đình anh luôn ở bên cạnh các em. Ngoài hỗ trợ riêng cho sinh viên nghèo mỗi năm hàng chục triệu đồng, doanh nhân Lê Tự Kiện năm nay còn góp thêm vào quỹ 5 triệu đồng, kiến trúc sư Gia Thạnh đóng góp 5 triệu đồng, GS-TS. Nguyễn Hữu Hoạt từ Mỹ cũng gửi về 300 USD dành để khen thưởng khuyến học.

Ngôi đình làng Thanh Quýt, một di tích lịch sử, từ xưa vẫn là nơi các thầy giáo làng mở lớp dạy học trò, ngày nay vào những ngày lễ tế, trung thu, ngày tết cổ truyền vẫn là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa.

NGUYỄN SÔNG HÀN

NEO GIỮ LÒNG THÀNH

Có cô em gái cứ quyết ở lại Sài Gòn ăn tết. Rồi đùng một cái, 29 tết lại thấy đùm đề tay xách ở quê. Về, để thắp cho ông bà nén nhang. Về, để ăn tết quê mình...

Thăm bà ngày tết. Ảnh: A LĂNG NGƯỚC
Thăm bà ngày tết. Ảnh: A LĂNG NGƯỚC

AI đi đâu, ở đâu, cũng muốn về. Người ở Sài Gòn, Hà Nội về quê. Người ở Tam Kỳ, Hội An, cũng dặn dò hẹn nhau mùng 3 về Điện Quang (Gò Nổi). Quê đó, đôi khi không hẳn vì nơi mình sinh thành. Gọi là quê, vì ở đó có ngôi từ đường để mình có họ hàng gọi nhau giữa cuộc đời...

Vào chốn của lòng tin

Những tục đẹp ngày xuân đến giờ vẫn còn neo giữ. Có cái phong vị của đêm trừ tịch, có bước chân bằng lòng thành đi tảo mộ sáng mùng 1, có phong bao lì xì người lớn tặng trẻ con... thì mới có tết, mới làm nên tết. Sớm tinh sương rảo bước đến những nơi chốn linh thiêng, lòng thanh sạch nghĩ về những điều tử tế. Bản sắc của tết, không cần phải chờ đến những tục lệ, hội lễ mùa đầu năm. Người ta đi lòng vòng để tìm kiếm hiện đại, văn minh, để trông mình thật hợp thời, thì rốt cuộc những ngày tết cũng chỉ mong mình thanh thản. Tâm mình xáo động giữa bao cuộc mưu sinh, để rồi khi ở giữa những ngày này, lại chỉ mong lòng an yên. Chỉ cần nắng đầu ngày xuyên qua một kẽ lá và soi bóng xuống sân chùa, nhìn thấy và cảm nhận nó, đặt ở đó một cảm xúc cho ngày đầu năm mới, hẳn cũng đã thấy lòng mình tĩnh tại.

Nên người ta đi chùa đầu năm, không chỉ để cầu an, cầu may. Vãn cảnh chùa để nhận diện cảm xúc cho mình, để tự cho phép mình được thong thả và thanh thản. Và để định vị cho mình một lòng tin, rằng dầu thế nào, khi lấy tính thiện để đi giữa cuộc đời, thì đời này sẽ cho lại ta những lòng tử tế. Không dưng, càng cuốn vào thế giới hiện đại, người ta càng nhắc nhiều hơn đến sự tử tế. Ngày đầu năm mới, nhắc với nhau rằng chọn lấy thong dong để đừng buộc mình phải gấp gáp, để đừng đưa mình vào những vòng xoáy không thể kiếm lối ra... Đi chùa đầu năm, cảm thức của chính mình là để tự mình bình an. Nên chốn không gian linh thiêng như chùa chiền, trong buổi đầu mùa mới, đôi hồi, để tự lòng mình lên tiếng với chính mình...

Vãn cảnh chùa giữa nguyên xuân, trong bước chân không vướng víu những toan lo của thường nhật, để nghe ra mùi hương trầm thoảng trong nắng ấm, thấy đọt non tơ đang vươn như nghe ra cả sự sống đang cựa quẫy lách tách...

Văn hóa dòng họ

Hầu như tết năm nào, tộc Nguyễn Phi (Gò Nổi, Điện Phong, Điện Bàn) cũng dành ngày mùng 3 để con cháu về tề tựu. Ông Nguyễn Phi Dư, người trong tộc, chia sẻ, họp mặt đầu năm ở nhà thờ tộc đã là một thông lệ. Con cháu về càng đông nghĩa là tộc họ mình ngày càng sung túc. Mỗi nhà thờ tộc chính là một bằng chứng sống động về bản sắc ngày tết của người Việt. Trên xứ Gò Nổi này, có đến hơn chục nhà thờ của các tộc họ xứ Quảng. Mỗi mùa tết, miền quê này bao giờ cũng đông đúc sum vầy bởi sự trở về của con cháu từ khắp mọi phương. Ông Nguyễn Phi Dư nói, phải làm sao để người lớp sau biết rằng, hành trang của mỗi người khi bước vào đời chính là truyền thống gia đình, dòng họ. Điều này càng trở nên thiêng liêng hơn vào mỗi dịp đầu xuân, thời khắc khởi đầu một đoạn đường mới, người ta biết phía sau con đường sẽ đi này, là cội rễ của tuổi tên mình, là điểm tựa cho mỗi khi muốn quay về...

Trở về quê hương chính là trở về với nguồn cội. “Truyền thống của gia đình và dòng họ là nền tảng tạo nên truyền thống của địa phương, làng xã. Nếu dòng họ mạnh thì làng xã mới mạnh. Tết là cơ hội tốt nhất để chúng ta trở về với tổ tiên, nguồn cội. Năm nào tôi cũng về quê ăn tết và dành thời gian về quê, thắp hương tại nhà thờ của dòng họ vừa để xin lộc tổ tiên vừa để giữ cho mình ý thức về dòng họ gia đình. Muốn biết người khác thế nào, muốn hội nhập cuộc sống, điều trước hết cần biết mình là ai, mình từ đâu đến” - anh Nguyễn Phi Hoàng - người con xa quê của tộc Nguyễn Phi chia sẻ. Ở rất nhiều những ngôi làng lâu đời của xứ Quảng, các sinh hoạt ở nhà thờ tộc vẫn luôn được xem như việc quan trọng nhất. Càng ngày, ý thức về dòng tộc càng trở nên mạnh mẽ trong mỗi người dân Việt. Các nhà thờ tộc bề thế được xây dựng, trang hoàng. Nhiều gia phả dòng họ được sưu tầm, dịch và phổ biến rộng cho các thành viên trong họ, các hoạt động về nghi lễ thờ cúng tổ tiên được thực hiện bài bản theo đúng truyền thống. Và mùa tết, nhiều tộc họ tổ chức tuyên dương các cá nhân xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, cũng như thông qua đây để xây dựng quỹ khuyến học, giúp đỡ các hộ khó khăn trong dòng tộc.

Chính những sinh hoạt dòng họ tại các nhà thờ tộc là sợi dây kết nối bền vững nhất để con người neo giữ bản sắc của chính dân tộc mình. Vì vốn dĩ, dòng tộc là mối ràng rịt đầu tiên để tạo nên văn hóa làng, để khêu gợi tinh thần dân tộc. Trở về quê hương, cũng đồng nghĩa với trở về chính bản ngã của mình, từ ký tự đầu tiên của mỗi tên họ con người...

XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết về nguồn cội...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO