Tết về trước ngõ

VINH ANH - NGUYỄN DƯƠNG - LÊ QUÂN 03/02/2016 15:21

(QNO) - Sự quan tâm của cộng đồng khiến những người kém may mắn có được một cái tết ấm áp. Nhưng đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp phải ăn tết xa quê, với những lo toan bộn bề…

Tết sẻ chia

Song song với hoạt động kinh doanh, nhiều năm qua, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) luôn đồng hành với xã hội qua nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa. Trong đó, chương trình “Mùa xuân ấm áp” là một ví dụ điển hình. Đây là năm thứ 5, công ty VBL triển khai chương trình này. Tại Quảng Nam năm nay, công ty đã dành tặng 200 suất quà tết (500 nghìn đồng/suất) cho 130 người nghèo tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành) và 70 trường hợp là nạn nhân da cam, trẻ em bất hạnh tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh. Vừa cột túi quà tặng lên chiếc xe đạp, cụ ông Nguyễn Ngọc Thọ (78 tuổi, trú tại thôn Đông Yên, xã Tam Nghĩa), xúc động nói: “Tết sắp đến rồi, nhà có 2 vợ chồng già nên cũng không cần sắp sửa chi nhiều. Hôm nay được nhà từ thiện tặng cho phần quà tết rứa là vợ chồng tui năm nay ăn tết vui và ấm cúng rồi”.

Nhân viên Nhà máy bia Quảng Nam tận tình giúp đỡ người dân nhận quà tết. Ảnh: VINH ANH
Nhân viên Nhà máy bia Quảng Nam tận tình giúp đỡ người dân nhận quà tết. Ảnh: VINH ANH

Nhiều phần quà tết của Sở LĐ-TB&XH cũng đã và đang đến với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Võ Thị Huyền Trinh (8 tuổi, thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, Thăng Bình) ôm phần quà tết trên tay, hớn hở nói: “Nhà con nghèo lắm, mẹ con đang bận đi làm thêm ở Đà Nẵng đến sát tết mới về nên ở nhà chỉ có mấy chị em tụi con. Hôm nay con được nhận quà tết, mai mốt mẹ đi làm về con sẽ đem ra khoe với mẹ cho mẹ vui”. Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, vừa qua đoàn cán bộ, nhân viên thuộc Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em của đơn vị cũng đã triển khai chương trình gặp mặt trao tặng 200 suất quà tết Bính Thân 2016 (300 nghìn đồng/suất) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bình Triều (Thăng Bình) và xã Phước Thành (Phước Sơn). Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng phân bổ đến 7 huyện miền núi khác, mỗi địa phương 30 suất quà để lãnh đạo huyện đi thăm, tặng quà tết cho trẻ em vùng cao.

Các “mẹ” và trẻ em Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam trang trí cành mai đón tết. Ảnh: VINH ANH.
Các “mẹ” và trẻ em Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam trang trí cành mai đón tết. Ảnh: VINH ANH.

Tại Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh), các “mẹ” và trẻ em đang chộn rộn với công tác chuẩn bị đón xuân. Em Hồ Thị Hồng Luyến, học lớp 6, người đồng bào Mnông (Phước Sơn) hớn hở nói: “Tết năm nay con được tặng 3 bộ áo quần mới, còn được các mẹ sắm giày và dép mới nữa. Ở đây con vui lắm vì có nhiều bạn, có các mẹ yêu thương. Tết đến được các cô chú đến thăm, tặng quà và lì xì năm mới”. Bà Võ Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Trung tâm Trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam cho biết, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành và nhiều tổ chức xã hội, Trung tâm đang cố gắng để tiếp tục mang đến một cái tết ấm áp, ý nghĩa cho các em. “Ít có năm nào mà đêm giao thừa tôi ở nhà với chồng con, vì phải cùng với chị em tổ chức đón giao thừa cho các cháu trung tâm. Giao thừa, cán bộ trung tâm và các cháu quây quần với nhau bên nồi bánh chưng và hát hò suốt cả đêm…” - bà Hạnh cho hay.

Tết ở trọ

Đã 3 năm rồi, gia đình anh Lê Tấn Mười phải sống trong khu tập thể được cho thuê lại ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ. “Cứ đến những ngày giáp tết, thấy người ta chộn rộn mua sắm chuẩn bị cho gia đình đón tết là tôi lại thấy chạnh lòng. Nhà trọ chật chội, đến cái bàn tiếp khách cho đàng hoàng cũng chẳng có nói gì đến việc sắm sửa, trang hoàng. Giờ chỉ lo mua cho hai đứa nhỏ bộ quần áo mới, rồi thôi!” - anh Mười thở dài. Cuộc sống xoay vần, hàng ngày anh Mười vẫn cặm cụi đi làm. Vợ anh ở nhà may đồ lặt vặt cho khách kiếm đồng ra đồng vào lo cho gia đình. Tết đã đến trước ngõ, nhưng đối với họ, cái tết thật sự còn ở đâu đó rất xa.

Những bạt quần áo đổ đống là lựa chọn đầu tiên khi sắm đồ tết của những công nhân xa quê. Ảnh: DƯƠNG QUÂN
Những bạt quần áo đổ đống là lựa chọn đầu tiên khi sắm đồ tết của những công nhân xa quê. Ảnh: DƯƠNG QUÂN

Con người chỉ thật sự là chính mình khi được ở trong ngôi nhà của mình. Đó cũng là ước mơ của rất nhiều công nhân đang sống cảnh xa quê. Như lời tâm sự của Nguyễn Văn Tiến, công nhân của một công ty nước ngoài đóng chân trên Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tết là khoảng thời gian khiến con người trở nên yếu đuối nhất. Tết này là năm thứ hai gia đình Tiến không về quê Ninh Bình ăn tết! “Hai vợ chồng với đồng lương công nhân còm cõi chỉ đủ lo cho đứa con đang tuổi uống sữa. Nói không có tiền về quê thì hơi quá, nhưng nếu về mà làm khó gia đình thì cũng khổ. Thôi đành chấp nhận ở lại, rồi tích cóp sang năm về thăm nhà…” - Tiến tâm sự.

Còn như vợ chồng anh Phạm Tiến Bình (công nhân ở Khu công nghiệp Chu Lai, huyện Núi Thành) lại phải chạy đôn chạy đáo lo vé tàu, xe để về quê. “Cái cảnh vợ chồng ở hai quê khổ lắm! Phải sắp xếp cho hợp lý, cân đối được thời gian về tết cả nội lẫn ngoại. Hết lo vé về nội lại chạy ngược chạy xuôi để về ngoại ngoài Quảng Trị. Cứ thế, tết đến là thấy sợ!” - Bình giải bày. Nhưng dù có vất vả cỡ nào, sáng 27 tháng Chạp gia đình anh cũng phải tìm cách về quê, để con cái còn biết ông bà, để ông bà được gặp mặt cháu con. Quà cáp về quê của họ, không phải là những mặt hàng bánh kẹo, áo quần trong các siêu thị mà là những bạt quần áo đổ đống ở lề đường; là những quầy hàng di động len khắp các ngõ ngách. Thì dù sao, đó vẫn là những món quà của người đi xa.

Tết, dù ở quê hay ở trọ, thì vẫn là tết. Những người ở xa biết điều đó rất rõ. Nhưng “về tết, là về ăn mấy bữa cơm mẹ nấu, đông đủ anh em. Làm cả năm chỉ mong điều này…” - như lời những người năm nay phải ăn tết xa nhà.

VINH ANH - NGUYỄN DƯƠNG - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết về trước ngõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO