Thà chậm nhưng chắc

THANH HIẾU - HỮU HẢI 03/12/2015 08:30

UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Thường trực HĐND tỉnh lùi thời gian trình HĐND tỉnh đề án cơ chế bảo tồn và phát triển cây dược liệu, giai đoạn 2016 - 2020. Điều này thể hiện tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tiếp thu ý kiến góp ý của các ngành, cơ quan phản biện để có một đề án hoàn thiện, khả thi, mang lại hiệu quả hơn.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật có khả năng làm nguyên liệu dược, đáng kể là ba kích, đảng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam…, phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn. Tuy vậy, tiềm năng kinh tế của các loại dược liệu này chẳng những chưa được phát huy mà còn có nguy cơ tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mục tiêu mà đề án dự định trình trước đó, giai đoạn 2016 - 2020 bảo tồn và phát triển 5 loại dược liệu là đảng sâm, sa nhân, ba kích, giảo cổ lam và đương quy với diện tích khoảng 4.980ha; xây dựng diện tích các khu rừng để bảo tồn giống gốc, nguồn gen và phát triển các loài dược liệu từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm; phát triển sinh kế cho người dân; hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại 4 Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, Đăk Mi, Sông Kôn và Bắc Sông Bung.

Đối tượng được hỗ trợ là các ban quản lý rừng phòng hộ nói trên, các tổ chức kinh tế, hợp tác xã và hộ gia đình có khả năng đầu tư trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển trên đất trống, nương rẫy, vườn. Các đối tượng hỗ trợ được nhận khoán, quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên để quản lý bảo vệ kết hợp bảo tồn và phát triển dược liệu dưới tán rừng và trên đất trống, nương rẫy, vườn. Hỗ trợ đầu tư 4 cơ sở sản xuất giống tại 4 ban quản lý rừng phòng hộ. Các tổ chức kinh tế được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu để mua cây giống với mức 10 triệu đồng/ha dưới tán rừng và 20 triệu đồng/ha đất nương rẫy, đất trống, vườn với diện tích tối thiểu 3ha và tối đa 30ha. Hợp tác xã được hỗ trợ trồng dưới tán rừng 15 triệu đồng/ha và 30 triệu đồng/ha trên đất nương rẫy, đất trống, vườn với diện tích tối thiểu 2ha và tối đa 30ha. Hộ gia đình hỗ trợ tương ứng 20 triệu và 40 triệu đồng/ha với diện tích 0,5 - 3ha. Ngoài ra, các đối tượng tham gia còn được hỗ trợ  lãi suất vay không quá 3,5%/năm và theo từng nhóm đối tượng.

Điều khiến không ít người làm chính sách quan tâm là dự thảo chỉ mới đề cập mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ, chưa đề cập mật độ, chất lượng cây giống, căn cứ vào tính chất, đặc điểm từng khu đất, loại đất… thế nào để hỗ trợ phù hợp. Mặt khác, việc đề xuất cơ chế hỗ trợ chỉ phân theo loại hình, phạm vi, không căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng, phát triển để xác định mức đầu tư cho từng loại dược liệu. Cơ sở đưa ra con số diện tích phát triển liệu đã căn cứ vào nhu cầu nguyên liệu dược cũng như khả năng đảm bảo nguồn cây giống để phát triển trên ngần ấy diện tích hay chưa? Việc sử dụng đồng vốn nhà nước có hiệu quả ra sao khi cơ chế phân bổ, điều tiết lợi nhuận, hiệu quả sau đầu tư chưa được đề cập?

Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền về đầu ra nông sản. Việc thu gom, bảo quản, quảng bá cây dược liệu; cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, bào chế dược liệu; kêu gọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dược thu mua, chế biến, tiêu thụ... thế nào cũng chưa được đề cập. Và như vậy, mục tiêu phát triển sinh kế, giảm nghèo của đề án cũng khó mà đạt được. Do vậy, việc dừng lại để tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung cho ra đời một đề án dài hơi hơn, toàn diện hơn là điều hết sức cần thiết.

 THANH HIẾU - HỮU HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thà chậm nhưng chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO