Quy định dán tem cho rượu (bắt đầu từ ngày 1.3.2014 theo thông tư của Bộ Tài chính) được xem là biện pháp “cứng rắn” nhằm hạn chế tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường. Quy định này có lẽ được nhiều cá nhân, đơn vị ủng hộ, tăng cường triển khai thực hiện sau vụ ngộ độc rượu làm chết nhiều người xảy ra tại Hà Nội vừa qua. Tuy nhiên, thực tế “khí thế” thực hiện quy định này có vẻ không được sôi nổi cho lắm.
Hiện trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh mặt hàng rượu chưa được áp dụng quy định dán tem rượu, nhiều người chưa nắm bắt thông tin về quy định này, trong khi đó ngành chức năng vẫn cứ rề rà thống kê các cơ sở sản xuất, hàng tồn kho, kiểm tra kiểm soát tổ chức thực hiện. Lâu nay biện pháp kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo cách đến hẹn lại lên, tập trung vào các thời điểm “nhạy cảm” như lễ tết nên có lẽ mở một “chiến dịch” triển khai các khâu để áp dụng quy định, kiểm tra hoặc tuyên truyền rộng rãi đối với mặt hàng rượu để tạo “khí thế” vẫn chưa được ưu tiên? Hiện các cơ quan liên quan như quản lý thị trường, thuế… chỉ mới triển khai văn bản để thực hiện quy định dán tem rượu. Để triển khai quy định này, không ít cơ quan liên quan “than thở” quy định chồng chéo, “thực tế không phải vậy”, khó khả thi…
Rượu được xem là mặt hàng dễ gây nguy hại cho sức khỏe con người nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Thế nhưng, công tác quản lý chất lượng mặt hàng này lâu nay dường như thả nổi. Hiện trên địa bàn tỉnh có không ít cơ sở sản xuất rượu “nấu tự do”, còn ở nhiều vùng quê, lò rượu mọc lên ngày càng nhiều bởi đây là nghề dễ làm, dễ có đầu ra bởi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao. Người tiêu dùng luôn thấp thỏm khi sử dụng mặt hàng rượu bởi nhiều lý do, trong đó lo sợ người sản xuất sử dụng nguyên liệu quá tùy tiện, còn cơ quan chức năng thì chưa kiểm soát được. Thậm chí, nhiều người phát hiện cơ sở sản xuất rượu gạo thủ công sử dụng men độc hại, không rõ nguồn gốc để ủ rượu trực tiếp chứ không qua nấu nhưng cũng đành cho qua bởi biết “có nói thì cũng không có ai xử lý”. Trong kế hoạch của ngành quản lý thị trường tỉnh, năm nay sẽ tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, biện pháp mới là sẽ công khai các cơ sở vi phạm, tuy nhiên với mặt hàng rượu, có thể biện pháp này sẽ… bất thành bởi có quá nhiều cơ sở chưa thể “thích nghi” với quy định của Nhà nước về kiểm soát chất lượng sản phẩm!
M.ĐỨC