Thả nổi hoạt động khai khoáng

TRẦN HỮU 14/01/2016 08:44

Nhiều doanh nghiệp khai khoáng đang hoạt động trên địa bàn huyện Phước Sơn vô tư xả chất thải chưa qua xử lý, trong khi tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra phức tạp tiếp tục gây thất thoát tài nguyên và để lại hệ lụy xấu về môi trường và xã hội.

Bể chứa nước thải đầu tư quá sơ sài tại một số nhà máy vàng ở huyện Phước Sơn.Ảnh: TR.HỮU
Bể chứa nước thải đầu tư quá sơ sài tại một số nhà máy vàng ở huyện Phước Sơn.Ảnh: TR.HỮU

Nước thải chảy thẳng ra suối

Năm 2014, Sở Tài nguyên - môi trường phát đi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết gia hạn giấy phép sản xuất phải dừng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến vàng tại khu vực đã được cấp phép. Thế nhưng, do sự buông lỏng quản lý của ngành chức năng và chính quyền huyện Phước Sơn nên các công ty lén lút khai thác khoáng sản và hủy diệt bao cánh rừng, dòng sông, con suối. Từ năm 2011 trở về trước, thẩm quyền cấp phép khai thác vàng thuộc UBND tỉnh, nhưng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành thì phân cấp về Trung ương, trừ khoáng sản nằm trong quy hoạch phân tán nhỏ lẻ. Trong khi chờ gia hạn giấy phép kéo dài nhiều năm nay, một số đơn vị hoạt động trái phép để bù chi phí đầu tư. Có mặt tại “đất vàng” Phước Hiệp (Phước Sơn) vào những ngày đầu tháng 1, chúng tôi chứng kiến thực trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi vàng đến mức nghiêm trọng. Hàng loạt bể lắng xử lý chất thải độc hại đã xuống cấp, hư hỏng nên nước thải đã đẩy hết ra sông, suối gần đó. Bao bì, rác thải sản xuất, sinh hoạt, xái quặng sau khi đã lấy vàng vứt bừa bãi ra môi trường. Hầu hết nhà máy, lán trại khai thác vàng tại Phước Hiệp đều đặt trên ngọn đồi cao, gần với con suối chảy qua để dễ dàng trong quy trình tuyển quặng vàng, cũng như lợi dụng xả chất thải trực tiếp ra ngoài.

Tiếp cận các nhà máy khai thác vàng của Công ty TNHH Ngọc Lĩnh, Công ty TNHH Nam Mai hiện có hơn 150 lao động làm việc tại các hầm lò ở xã Phước Hiệp, nhưng khâu đảm bảo an toàn lao động và đầu tư hệ thống xử lý nước thải bị xem nhẹ. Hàng nghìn mét đường ống dây móc nối chằng chịt từ các hệ thống bãi lắng dẫn chảy ra khe suối; cá biệt Công ty TNHH Ngọc Lĩnh tận dụng nhà máy nằm trên quả núi cao đưa chất thải xuống các suối mà không cần thông qua dây chuyền xử lý. Tại huyện Phước Sơn, các đơn vị được cấp phép khai thác vàng tập trung ở các xã Phước Hiệp, Phước Đức, Phước Hòa, Phước Thành, Phước Kim và Phước Lộc. Phần lớn đều sử dụng nguồn nước từ sông suối cho quy trình khai thác vàng, sau đó xả trực tiếp ra sông suối. Từ trước đến nay, hành vi sai phạm phổ biến mà các doanh nghiệp khai khoáng bị xử phạt hành chính nằm ở lỗi xả thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, chưa có giải pháp bảo vệ môi trường triệt để. Theo Phòng Cảnh sát về phòng chống tội phạm môi trường (Công an tỉnh), rất hiếm có đơn vị nào thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, cũng như đánh giá tác động môi trường. Các doanh nghiệp hết phép hoạt động đang chờ gia hạn lén lút khai thác trái phép cũng gây ra nguồn xả thải tương đối lớn.

Sạt lở núi đồi

Mỗi năm chính quyền huyện Phước Sơn và ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều đợt truy quét “vàng tặc” nhưng tình trạng bạt núi san đồi để tận thu khoáng sản trái phép vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vào bãi vàng Mồ Côi – xã Phước Hiệp, chúng tôi chứng kiến vô số những hầm lò đánh nham nhở, từng khúc gỗ nằm lăn lóc trên các lối đi. Trong khi đó, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp dù nhận lệnh đóng mỏ vẫn vơ vét tài nguyên, tranh thủ mở rộng tọa độ khai thác nằm ngoài phạm vi ranh giới cho phép trước đây.

Các đường ống dẫn nước thải chưa qua xử lý an toàn xả trực tiếp ra sông suối tại “đất vàng” Phước Hiệp.
Các đường ống dẫn nước thải chưa qua xử lý an toàn xả trực tiếp ra sông suối tại “đất vàng” Phước Hiệp.

Vị trí khai thác của Công ty TNHH Ngọc Lĩnh nằm chênh vênh trên sườn núi. Thời gian gần đây, đơn vị này tùy tiện mở đường trái phép. Hậu quả là không ít vạt rừng đã bị cạo trọc, gỗ cưa thành khúc nằm lăn lóc. Chính tình trạng lén lút mở rộng diện tích khai thác, tận thu vàng theo kiểu chụp giựt đã làm biến dạng địa hình tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Và thực tế hiện tượng sạt lở núi đồi do tác động của con người đã gây thiệt mạng cho phu vàng. Cụ thể như cách đây hơn một năm, tại một ngọn núi khai thác vàng trái phép thuộc khu vực bãi Cao (thôn 8, xã Phước Hiệp), 3 phu vàng (gồm Bùi Văn Hưng (SN 1985), Bùi Văn Thảo (SN 1989) và Hà Anh Tấn (SN 1994), cùng trú thôn Suối Con, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) sau khi hết ca làm việc đã ra ngoài miệng hầm nghỉ ngơi, bất ngờ núi sạt lở đổ xuống hàng nghìn mét khối đất, đá vùi lấp 3 nạn nhân trên. Theo Công an tỉnh, tính riêng từ tháng 4.2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ sập hầm vàng làm ít nhất 12 người chết. Ngoài những vụ được cơ quan chức năng phát hiện, còn lại các vụ tai nạn chết người xảy ra được chủ bãi tự thương lượng với gia đình nạn nhân.

Những năm gần đây, Phước Hiệp nổi lên như “điểm nóng” khai thác vàng trái phép. Trong lòng núi, các hầm mở dọc ngang như địa đạo. Hết khai thác ở thung lũng, giới thổ phỉ di chuyển lên các quả đồi cao thăm dò. Một số doanh nghiệp dù giấy phép đã hết hiệu lực, nhưng không ngần ngại thu hút “vàng tặc” vào hoạt động, rồi chia phần lợi nhuận. Theo UBND tỉnh, đến nay có 7 giấy phép khai thác vàng gốc đã hoặc sắp hết hạn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 8 điểm vàng gốc phân bố ở các huyện Đông Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh do người dân tự tìm kiếm, phát hiện. Những nơi này tái diễn dai dẳng nạn khai thác trái phép. Tuy nhiên, UBND tỉnh hiện nay chưa thể cấp phép để quản lý hiệu quả vì Bộ Tài nguyên - môi trường chưa khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền cấp phép, gia hạn của tỉnh. Văn bản kiến nghị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký gửi Bộ Tài nguyên - môi trường về công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đến nay vẫn chưa được phản hồi.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thả nổi hoạt động khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO