Việc kiểm soát chất lượng rượu nấu thủ công trên địa bàn tỉnh vẫn là bài toán khó, trong khi các cơ quan quản lý cấp huyện, xã còn buông lỏng quản lý.
Ngành chức năng lấy mẫu rượu để kiểm tra tại cơ sở nấu rượu của gia đình bà Phạm Thị Mười, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn. Ảnh: Q.VIỆT |
Không đảm bảo
Cùng với đoàn công tác tỉnh kiểm tra cơ sở nấu rượu của gia đình bà Phạm Thị Mười (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) nằm sát ngay chuồng heo, bằng mắt thường chúng tôi dễ dàng nhận thấy cơ sở nấu rượu này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khu vực nấu rượu có diện tích chừng 30m2 không hề có thiết bị phòng chống động vật, côn trùng gây hại. Bà Mười cho biết, đã nấu rượu trong không gian như vậy từ 20 năm nay. Ông Doãn Lê Trung Khánh, cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Quế Sơn nhận định rằng: “Trên địa bàn có rất nhiều cơ sở nấu rượu, đến thống kê về số lượng chúng tôi còn gặp khó nữa là đánh giá chất lượng. Chưa có mẫu rượu nào được lấy để xét nghiệm về các thành phần của rượu. Các cơ sở nấu rượu ở đây không hề được cấp phép sản xuất”.
Vào giữa tháng 3.2018, tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang) xảy ra ngộ độc rượu kiến cho 4 người chết, 1 người bị di chứng mù mắt, hơn 10 người phải nhập viện điều trị dài ngày. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nhất trên địa bàn Quảng Nam trong nhiều năm qua. |
Tương tự, cơ sở nấu rượu của gia đình bà Phan Thị Lộc (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) được bố trí trong phạm vi diện tích chừng 30m2, ruồi nhặng bám đầy. Khi được hỏi về các giấy tờ liên quan đến cơ sở nấu rượu, bà Lộc bảo không có giấy tờ nào cả. Gia đình này đã tự chế tạo nhiều dụng cụ, thiết bị phục vụ trộn men, ủ rượu rất sơ sài, không đảm bảo vệ sinh. Bà Lộc cho biết chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống, bí quyết gia truyền. Về nguyên liệu nấu rượu, bà Lộc bảo gạo được mua ở bất cứ chỗ nào, miễn rẻ là được; còn men nấu rượu bằng rất nhiều loại khác nhau, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo ngành chức năng, chọn men là khâu rất quan trọng trong nấu rượu. Men nấu rượu chuẩn được sản xuất kỳ công từ gạo tẻ, đảm bảo chất lượng nhưng lại mất nhiều thời gian để tán nhỏ khi ủ cơm. Nhiều cơ sở sản xuất men nấu rượu đã tung ra thị trường nhiều loại men với tên gọi, giá cả, cách trộn khác nhau; đáng lo ngại là men có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cần kiểm soát
Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho rằng, uống rượu thủ công không rõ nguồn gốc không chỉ có thể bị ngộ độc ngay mà còn tác động xấu đến sức khỏe sau này do các độc tố tích lũy. Do vậy, việc kiểm soát sản xuất rượu thủ công là vấn đề cấp bách, cần làm ngay và làm thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Rượu thủ công chủ yếu được nấu từ nguyên liệu gạo. Ngoài etanol là thành phần chính, rượu thủ công vẫn còn chứa chất methanol (cồn công nghiệp) và aldehyde (chất độc, gây sốc rượu) và các độc tố khác khó đào thải, sẽ tích lũy dần trong cơ thể người. “Nếu lạm dụng rượu sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Người dùng có thể bị suy yếu thần kinh, thậm chí bị loạn thần kinh, rối loạn chức năng về gan, thận, mắt, đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Hệ lụy kéo theo là làm mất ổn định an ninh trật tự, tạo gánh nặng cho xã hội” - ông Cam nói. Theo ông Cam, việc cần kíp là đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lương tâm, đạo đức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rượu; tuyên truyền người tiêu dùng không lạm dụng rượu, tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 16/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó có rượu thủ công tự nấu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để được cấp phép sản xuất rượu, các hộ dân phải lần lượt thực hiện nhiều thủ tục hành chính là mang mẫu rượu đi kiểm nghiệm chất lượng; đăng ký tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để có được bản công bố hợp quy sản phẩm; đăng ký cấp giấy phép sản xuất rượu tại Sở Công Thương (nếu quy mô lớn, vừa) hoặc Phòng Kinh tế - hạ tầng cấp huyện nếu quy mô nhỏ; đăng ký thuế để được dán tem, áp thuế. Theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, muốn bảo đảm đúng tiêu chuẩn, rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc và cần chừng 20 ngày để khử các độc tố có hại. Muốn đầu tư được hệ thống này, chủ cơ sở sản xuất rượu phải bỏ ra chi phí không dưới trăm triệu đồng, nhưng do các cơ sở chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ nên... bỏ ngỏ. Trong khi đó, ngành chức năng cấp huyện, xã đã thả nổi việc quản lý rượu tự nấu. Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế nói, thời gian tới, phòng y tế các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành công thương, phát huy tốt vai trò của cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rượu, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất rượu thủ công.
VIỆT NGUYỄN