Cuối tháng 9 là thời điểm kết thúc nuôi cá trong lồng bè theo lịch mùa vụ, vì sao người dân vẫn tiếp tục thả nuôi và chấp nhận rủi ro trong mùa mưa bão?
“Đánh cược” với thời tiết
Sông Tam Kỳ đoạn chảy qua thôn Tân Phú (xã Tam Phú) có gần chục hộ đầu tư nuôi cá trong lồng bè. Hộ ông Nguyễn Vinh Hiển (tổ 5, thôn Tân Phú) nuôi 4 nghìn con cá chẽm trong 1 bè có 5 lồng cá.
Ông Hiển cho biết, thời điểm thả cá giống là tháng 3, dự kiến sau 7 tháng nuôi sẽ thu hoạch cá chẽm vào cuối tháng 9 nhưng do cá phát triển chậm nên chưa thể thu hoạch. Ông Hiển thừa nhận sẽ rất rủi ro khi kéo dài nuôi cá vào mùa mưa bão nhưng không thể làm gì hơn.
“Tôi đặt mua cá giống ở tỉnh Khánh Hòa. Bên cung cấp có gửi kèm giấy kiểm dịch sạch bệnh nhưng không biết thực sự cá chất lượng đến đâu. Cũng có thể do môi trường nước thay đổi thường xuyên nên cá chậm lớn. Chỉ sợ thời gian tới có bão lũ khó xoay xở cho cá nuôi” - ông Hiển nói.
Do nghề nuôi cá trong lồng bè ở Quảng Nam đến thời điểm này vẫn phát triển tự phát, mạnh ai nấy đầu tư nên chưa đi vào quy củ, nền nếp, “đánh cược” với thời tiết. Có sự chủ quan của nông hộ khi cho rằng, các loại cá nuôi trong lồng bè sức đề kháng tốt, chống chọi được với môi trường nước biến động mùa mưa bão. Một số nông hộ cho rằng chấp nhận may rủi trong nuôi cá trong lồng bè.
Ở sông Tam Kỳ đoạn chảy qua phường An Sơn đang có hàng trăm lồng bè nuôi các loại cá điêu hồng, lăng nha, trê… Các hộ dân cho rằng, nuôi cá trái vụ sẽ thu được giá trị kinh tế lớn vì sản lượng nhiều, bán được giá.
“Khi nước lớn thì kéo lồng bè vào sát bờ chằng cột cẩn thận. Cá lớn khó chết vì sốc môi trường. Nuôi cá đúng vụ do nguồn cung nhiều, bị ép giá, khó lời lắm” - ông Nguyễn Hải - hộ nuôi cá lồng bè lâu năm ở sông Tam Kỳ đoạn qua phường An Sơn nói.
Theo thống kê của ngành thủy sản, Quảng Nam có hơn 1.000 lồng bè nuôi cá ở khắp các lưu vực sông Thu Bồn, Trường Giang, Tam Kỳ. Đến thời điểm này hầu hết nông hộ chưa thu hoạch cá, vẫn để nuôi trái vụ.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, lịch mùa vụ nuôi thủy sản ban hành vào cuối năm 2022 đã nêu rõ là các hộ thả nuôi cá chậm nhất là đầu tháng 3 và thu hoạch trước tháng 10 và trong suốt vụ nuôi cá, có thêm nhiều khuyến cáo mục đích hướng đến là nông hộ nuôi cá thành công, không để cá thất thoát hoặc chết do bão lũ.
Giải pháp nào?
Ông Ngô Lê Hoàng Vũ - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Phú cho biết, ngay từ đầu vụ đã hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng bè với các nông hộ và yêu cầu các hộ nuôi cá ký cam kết thu hoạch trước mùa mưa bão.
“Đâu cũng vào đấy, năm nào cũng thất thoát lượng lớn cá trôi theo dòng nước chảy xiết và chết do phù sa, rác thải dày đặc nhiều ngày. Tôi được nghe cán bộ Phòng Kinh tế Tam Kỳ nói là xong vụ nuôi cá này, sang năm 2024 sẽ cấm nuôi cá trong lồng bè. Nghề này không ổn định kế sinh nhai cho người dân” - ông Vũ nói.
Ông Lê Đình Nho - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, lãnh đạo Tam Kỳ đã thống nhất chấm dứt nuôi cá trong lồng bè sau khi kết thúc vụ nuôi này. Nguyên nhân có nhiều, do nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro; nuôi cá không nằm trong quy hoạch; nuôi cá chặn dòng chảy của nước tác động gây ngập úng, lũ lụt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP.Hội An chưa có quy hoạch nuôi cá trong lồng bè đến thời điểm này. Nhận thấy sông Cổ Cò, nhất là đoạn giáp biển Cửa Đại có các điều kiện tự nhiên thuận lợi nên người dân tự phát đầu tư nuôi cá.
Chính quyền TP.Hội An dù biết tiềm năng nuôi cá trong lồng bè ở khu vực này nhưng không khuyến khích vì ảnh hưởng xấu đến du lịch, lại cản trở giao thông, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào tránh trú bão.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, sẽ rà soát tất cả khu vực sông nước trên địa bàn để có thể xem xét, tham mưu quy hoạch khu vực nuôi cá trong lồng bè, tạo điều kiện cho người dân phát triển sinh kế bền vững trong thời gian đến.
Ở huyện Núi Thành, người dân nuôi cá trong lồng bè tràn lan ở khắp diện tích mặt nước sông, thậm chí vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở xã Tam Quang nuôi cá gây cản trở ra vào của tàu thuyền tránh bão.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, dù diễn ra đã nhiều năm nhưng nuôi cá trong lồng bè vẫn chưa thể chuyên nghiệp, trái với quy định của Luật Thủy sản có hiệu lực từ năm 2019, hộ nuôi không đăng ký với ngành thủy sản. Ngành nông nghiệp giao Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương rà soát lại tổng thể nuôi cá lồng bè để tham mưu UBND tỉnh có quy hoạch cụ thể, đặt nền móng phát triển bền vững.