Thạch rau

TRẦN ĐĂNG 31/01/2021 06:44

Nói đến “Thạch rau” thì ai cũng biết dù ở Đà Lạt có đến hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh rau. Để có cái tên gắn với rau như thế, chàng trai quê Quảng Nam ấy đã phải trải qua nhiều gian khó suốt một thời trai trẻ.

Khách thăm quan nông trại rau của Sunfood Đà Lạt.
Khách thăm quan nông trại rau của Sunfood Đà Lạt.

Tên đầy đủ của anh là Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt. Tôi đã thắc mắc theo kiểu của một người Quảng Nam về tên của Thạch sao lại trùng cả tên lẫn họ và chữ lót của một y sư lừng danh người Nam Bộ là có ý gì? Rồi đến cách đặt tên cho hợp tác xã Sunfood là nghĩa làm sao mà tra tự điển tiếng Anh “mờ mắt” đều nhận câu trả lời là không có nghĩa. Thạch đã giải đáp các thắc mắc ấy của tôi bằng chính công việc của mình ngót 20 năm qua, nhất là khi anh đùm túm vợ con đặt chân lên Đà Lạt cách đây 4 năm.

Kiếm chữ bỏ bụng

Phạm Ngọc Thạch tuổi Kỷ Mùi (1979), sinh đúng thời điểm khó khăn nhất của đất nước. Nhà có 8 miệng ăn nhưng cha mẹ anh không có nghề gì khác ngoài việc cuốc cày. Ở một xã thuộc vùng bán sơn địa như Tiên Lãnh (Tiên Phước) thì có chút ưu thế hơn những nơi khác về khoản… củ mì.

Thời ấy cả nước đói kém chứ chả riêng gia đình nào nhưng bố mẹ Thạch vừa kiếm củ mì bỏ vào bụng đàn con 6 đứa vừa tạo điều kiện để con kiếm cái chữ. “Chả mơ thành bác sĩ như cái ông Phạm Ngọc Thạch lừng danh ấy đâu, cha tôi đặt tên Thạch chỉ để khuyên răn chính đứa con út của ông là hãy cứng cáp và vững chãi như đá núi thôi” - Thạch giải thích về căn nguyên tên mình như vậy.

Học cấp 1 cấp 2 còn loanh quanh trong xã, nhưng khi đã lên cấp 3, bài toán đặt ra ngay cho cha mẹ Thạch: Có nên để con tiếp tục đến trường với khoảng cách 25km từ xã về thị trấn huyện lỵ Tiên Kỳ hay là để nó… bám đít trâu? Và ông đã quyết định “đại tu” chiếc xe đạp để con đến trường cấp ba, với phương án là ở trọ, tuần về một lần. Lần hồi cơm độn sắn khoai, Thạch cũng “bò” xong 3 năm cấp 3 ở cái thị trấn heo hút vùng cao Tiên Phước. Và anh bắt đầu mơ giấc mơ mà cha mẹ anh cũng không dám nghĩ.

Phạm Ngọc Thạch (trái) thuyết trình với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các sản phẩm của Sunfood.Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Phạm Ngọc Thạch (trái) thuyết trình với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các sản phẩm của Sunfood.Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Những giấc mơ bị “đóng váng”

Qua lớp kế toán rồi học tiếp ngành quản trị kinh doanh, CCO trường danh nhân PACE, Thạch “khởi nghiệp” tại Tam Kỳ bằng việc mở đại lý phân phối hàng tiêu dùng, trong đó có nước rửa chén của Vina Gold. “Giờ mà nghe đến từ “gold” là tôi vẫn còn sợ dù tên đó có nghĩa là… vàng. Năm 2002, lúc mới ra trường, chân ướt chân ráo nhập cuộc thị trường, tôi mở một đại lý phân phối nho nhỏ. Thế quái nào mà loại nước… vàng ấy nó đóng váng tất tật vì bán không được do chất lượng kém. Lấy máy tính ra nhân chia một hồi, thua lỗ cả trăm triệu đồng. Vào thời điểm gần 20 năm trước, đây là số tiền “ngoài sức tưởng tượng” của nhiều người. Tôi lặng lẽ… chạy làng. Nói trắng ra là tôi trốn nợ”. Thạch kể lại chuyện thua lỗ của anh bằng một giọng hài hước.

Đúng lúc không biết bám vào chiếc phao cứu sinh nào để có thể cứu con tàu nợ khổng lồ đang đắm ấy thì Thạch đọc được thông tin là Công ty cà phê Mê Trang (trụ sở ở TP.Nha Trang) tuyển người bán hàng. Dĩ nhiên Thạch hiểu, bán hàng ở đây không phải là đứng ở các cửa hàng để bán mà là “chạy việc”, là tìm mối để tiêu thụ sản phẩm. Vốn quen địa bàn từ lúc làm đại lý phân phối trước đó, Thạch gia nhập vào cà phê Mê Trang mà không một chút bỡ ngỡ gì. Suốt 5 năm gắn bó, thậm chí còn được đề bạt làm “sếp” bán hàng cho Mê Trang nhưng món nợ kia vẫn cứ lơ lửng trong đầu chàng trai có nhiều khát vọng này. Và rồi, Thạch quyết định bỏ việc dù mức lương mà Mê Trang trả cho anh không hề nhỏ. Anh tiếp tục… hành phương Nam để tìm cơ hội.

Ăn cơm thì phải có rau

Câu trên không phải để nói cho… thuận lỗ tai mà kỳ thực, thịt thà bây giờ không phải là cái đích của nhiều gia đình người Việt hướng đến. Rau an toàn mới là loại thực phẩm họ cần. Thạch bỏ Mê Trang vào Sài Gòn làm đủ thứ nghề, từ chuyện bỏ mối cà phê đến việc đi tiếp thị bán gạo và cà phê cho công ty Trương Gia - một thương hiệu mạnh về gạo và cà phê tại TP.Hồ Chí Minh. Lương thưởng đều khá nhưng món nợ cũ thì vẫn treo lơ lửng trên đầu dù đã trả được phần lớn số tiền đó. “Làm thuê thì không thể giàu được, dù có thể trả hết nợ cũ. Phải làm “ông chủ” thôi”. Thạch nhủ mình như vậy. Và rồi anh trở thành ông chủ của HTX rau Sunfood ở Đà Lạt sau một thoáng tình cờ chứng kiến những chuyến xe chở rau.

“Có một buổi chiểu sương lạnh như phủ lên nỗi lo toan của tôi khi ngồi uống cà phê gần vựa rau tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và… đếm xe tải chở rau. Chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ đã có 17 xe tải đến đây lấy rau về Sài Gòn. Một ý nghĩ kèm bài toán vụt qua trong đầu tôi: Giá như mình có một chiếc xe tải như thế. Mỗi ký rau chỉ cần lời 1 ngàn đồng, mỗi tháng sẽ kiếm được… 450 triệu. Cũng là một cách đếm cua trong giỏ thôi nhưng tôi bắt đầu mơ…” - Thạch nhớ lại.

Tôi hỏi: “Một chiếc xe tải vào thời điểm 2016 thì có gì khó với rất nhiều người, sao họ không mua vài ba xe để tháng thu về cả tỷ bạc?”. Thạch cười: “Đúng là có nhiều người đủ tiền để mua hàng chục chiếc xe tải nhưng không phải hễ có xe tải chở rau là thu bạc tỷ mỗi tháng mà phải có cách”.

“Đá” kể chuyện làm rau

Thạch hẹn tôi ở ngay nông trại rau của anh ở phường 8, TP.Đà Lạt. Tôi đoán mò rằng, anh chàng này sẽ xuất hiện trước mặt khách bằng bộ dạng của anh… bán rau, nghĩa là lùi xùi một chút, nông dân một chút. Nhưng khi thấy một thanh niên mở cửa xe Mercedes mới cứng, trong bộ comple như đi ăn cưới, khuôn mặt rạng rỡ của một người thành đạt, tôi thật sự… choáng.

Vẫn giọng đặc sệt Quảng Nam, Thạch nói: “Tôi đang xây dở dang một nhà hàng để phục vụ cho du khách đến đây… ăn rau buffet, giá 199 ngàn đồng/suất. Tôi tính rồi, chỉ hai năm sau là lấy lại vốn 10 tỷ đầu tư”. Lại một kiểu đếm cua trong giỏ nhưng lần này thì Thạch nói có cơ sở. Ăn rau sạch với giá 199 ngàn/phần nhưng không chỉ là rau mà có cả nước bằng rau, các loại thức uống cao cấp từ rau.

Vừa nói, Thạch vừa đưa khách đi tham quan nông trại rau của anh. “Tôi chỉ sở hữu một ít diện tích thôi. Mới “start-up” có 4 năm nay lấy đâu ra đất cho nhiều ở cái xứ mà mỗi mét đất là một mét… kim cương này. Đất vùng này là của nông dân, họ tự nguyện vào HTX để làm “thành viên” của tôi. Tôi ứng vốn cho họ, cùng họ thực hiện quy trình trồng rau an toàn, đúng chuẩn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của họ, bất chấp… Covid-19 nó như thế nào!”.

Chị Tuất, một nông dân thành viên khoe với khách: “Tôi có 3.000m2, bỏ thói quen canh tác kiểu cũ, giờ trở thành thành viên của chú Thạch đây là an tâm vì không lặp lại cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” và ngược lại như trước đây. Nếu làm theo đúng hướng dẫn, mỗi sào mang lại 20 triệu/tháng”.

Rút kinh nghiệm từ đại lý phân phối 20 năm trước, Thạch luôn lấy chữ “tín” làm trọng. Chữ “tín” của anh được bảo chứng thông qua hàng loạt cam kết từ các công ty bảo hiểm, từ các trung tâm kiểm định về rau an toàn. Đặc biệt, các nhà doanh nghiệp đến từ Nhật và Hàn Quốc đã xem Thạch như một đối tác tin cậy để họ hợp tác và hình thành những vùng rau chuyên canh cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hàng trăm nông dân ở Đà Lạt và các huyện tại Lâm Đồng, thậm chỉ ở tận tỉnh Long An… làm những vệ tinh cho Sunfood với một niềm tin tưởng tuyệt đối về hiệu quả khi trồng rau với “ông Thạch”.

Len lỏi trong những vườn rau cùng Thạch, tôi như lạc vào mê cung của đủ lại hương thơm từ những vườn rau này. Nhưng tôi biết, từ trong mùi hương dịu ngọt ấy có cả những đắng cay mà Thạch đã trải qua.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thạch rau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO