Thách thức

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/12/2013 08:22

Khoảng gần 50 nghìn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là con số cho thấy câu chuyện về tình hình kinh tế của cả nước còn rất nhiều khó khăn. Các nhà quản lý kinh tế sẽ còn phải tiếp tục giật mình khi kiểm đếm từ năm 2010 đến nay, cả nước có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp còn hoạt động thì già nửa báo cáo thua lỗ, phải cắt giảm mạnh công suất sản xuất từ 30% - 50%. Rõ ràng suy thoái kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, vốn là đầu tàu nguồn lực phát triển.

Trong bối cảnh chung của quốc gia, doanh nghiệp hoạt động ở Quảng Nam không là ngoại lệ với những thử thách phải đương đầu. Tuy số doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay tăng hơn 20% so với cũng kỳ năm 2012, với 606 doanh nghiệp, song trong 11 tháng năm 2013, toàn tỉnh có 107 doanh nghiệp phải giải thể, và 103 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Nhận định của UBND tỉnh là số doanh nghiệp phải giải thể vẫn tăng cao so với các năm. Đáng nói hơn chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp,  phần lớn là giảm, ngoại trừ doanh nghiệp ở khu vực FDI.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là hết năm, đón tết, song những dự báo cho bức tranh hoạt động doanh nghiệp cũng chưa có tín hiệu sáng sủa, khi mà TS. Vũ Tiến Lộc, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong hai năm tới doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải đương đầu với tình hình kinh tế khó khăn.

Khảo sát lại các cuộc “giải cứu” doanh nghiệp bằng các chính sách kích cầu tín dụng và tiêu dùng, hay những gói hỗ trợ, thực tế vẫn chưa đạt được sự mong đợi. Thay vì tìm được giải pháp hữu hiệu để thoát khỏi khó khăn thì không ít doanh nghiệp chờ thời, mong đợi năm tới sẽ bớt khó khăn hơn năm này, chờ và mong mãi như vậy.

Việc tái cấu trúc doanh nghiệp đặt ra không phải một lần, và câu chuyện lặp lại những sáo ngữ. Nhưng yêu cầu tái cấu trúc ngành hàng, lựa chọn lĩnh vực đầu tư vẫn còn nguyên giá trị thời sự. GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục – Đào tạo và Tư vấn quốc tế Stellar Management, nêu quan điểm rất đáng chú ý tại một cuộc tọa đàm với chủ đề doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Theo GS. Vinh, khi bị thử thách, điều tốt nhất phải làm là nhìn thẳng vào khó khăn và áp lực để tìm cho doanh nghiệp của mình một lối thoát và giải pháp phù hợp. “Trong khốn khó, chúng ta buộc phải thay đổi và biến chuyển. Và trong nền kinh tế toàn cầu, sẽ không còn đơn thuần là vấn đề của anh hay của tôi nữa mà vấn đề của anh sẽ là của tôi và của chúng ta”- GS. Hà Tôn Vinh nói.

Doanh nghiệp làm ăn được thì Nhà nước mới có nguồn thu, lao động mới có thêm việc làm, nguồn lực đầu tư phát triển xã hội mới dồi dào. Chính vì vậy, với cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng, chuyện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp sẽ còn phải tiếp tục đặt lên bàn nghị sự cho chương trình kế hoạch cải thiện môi trường và xúc tiến đầu tư.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO