Cùng với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), hệ sinh thái biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An) đang chịu áp lực lớn của sự gia tăng mạnh về dân số, về hoạt động du lịch, thương mại, đánh bắt thủy hải sản… Hoạt động bảo tồn biển Cù Lao Chàm vì thế cũng đối diện với những thách thức không nhỏ.
Mẫu sinh vật biển tại Cù Lao Chàm. Ảnh: H.LIÊN |
Áp lực lên hệ sinh thái
Trước những tác động từ thiên tai, nhân tai, đa dạng sinh học rừng, biển và vùng cửa sông và ven biển Cù Lao Chàm chịu tổn hại nặng nề. Theo Th.S Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu sinh quyển Cù Lao Chàm, hệ sinh thái rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm còn gần 300 loài thực vật ở độ cao dưới 100m; hệ sinh thái, cấu trúc rừng nguyên sinh được bảo vệ tương đối tốt. Tuy nhiên, gần đây, sự can thiệp của con người vào rừng nguyên sinh tương đối lớn. Đó là việc xây dựng các công trình trên đảo, đường dân sinh ngang đảo cắt đứt giữa rừng và biển, cũng là cắt đứt con đường sinh cư của động vật, cụ thể là cua đá. Nếu không có biện pháp giúp cua đá vượt qua các chướng ngại vật đó, chẳng bao lâu loài giáp xác này sẽ bị cạn kiệt. Một số công trình cũng lấy đi nhiều diện tích rừng, phân cắt nhỏ, làm sinh cảnh của động vật rừng trở nên nhỏ bé, trái quy luật tự nhiên. Theo khảo sát của giới khoa học, ngay cả với loài khỉ trên đảo, phạm vi phân bố cũng hẹp dần do nguồn thức ăn bị ảnh hưởng, môi trường sinh cư bị tác động khiến chúng bỏ đi. “Chúng tôi lo ngại bởi sự xuất hiện của đông người làm việc ở những công trình trên rừng nguyên sinh. Họ vốn không được tuyên truyền kỹ về nội quy bảo tồn, không được quản lý kiểm soát chặt. Đây là đối tượng trực tiếp tác động tới môi trường sinh thái. Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã chụp được ảnh một số công nhân dùng thòng lọng bẫy thú, gửi đến ban quản lý Bảo tồn biển TP. Hội An và các cơ quan chức năng nhờ can thiệp” - Th.S Lê Ngọc Thảo nói.
Giới khoa học tỏ ra lo ngại khi vùng sinh quyển Cù Lao Chàm tiếp cận theo chiều ngang, chiều dọc, đỉnh núi, bãi biển đều bị tác động. Chức năng giữ nước của rừng Cù Lao Chàm bị suy giảm, bởi hồ Bãi Bìm từng là hồ chứa nước lớn ở đảo gần đây cũng bị suy kiệt, ảnh hưởng lớn tới nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh và du lịch trên đảo. Hệ thống xử lý rác thải đặt tại cánh rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro bởi bãi xử lý rác với công nghệ đốt lạc hậu theo kiểu tẩm dầu đốt. Trong vòng chục năm qua, giới khoa học cũng nhận thấy đa dạng sinh học biển Cù Lao Chàm bị tác động nặng nề. Sự nóng sốt trong phát triển du lịch Bãi Ông là nguyên nhân khiến thảm cỏ biển ở đây mất đi 20ha. Lũ lụt từ thượng nguồn đổ về, trầm tích từ đất liền… là những tác động làm nên hiện tượng “tẩy trắng san hô” (vi khuẩn cộng sinh trên san hô chết đi, chỉ còn màu trắng). Chưa kể, các rạn san hô ở đảo Cù Lao Chàm còn gánh chịu sức ép lớn từ hoạt động khai thác, đánh bắt và phát triển du lịch.
Cần bảo tồn giá trị
Th.S Lê Ngọc Thảo cho rằng, để duy trì tính bền vững, ổn định đa dạng sinh học ở Cù Lao Chàm, cần có tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý nhà nước, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, lực lượng quân đội và cảnh sát làm nhiệm vụ trên đảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp lẫn người dân. Giải pháp hạn chế lượng du khách ra đảo, tầm 3.000 khách/tháng hiện nay của TP. Hội An chỉ là giải pháp tạm thời, chưa có cơ sở khoa học. “Cần tính toán đến sức tải môi trường, vùng nào được phép phát triển du lịch, vùng nào không. Việc đề xuất giữ nguyên Hòn Dài là khu vực “bất khả xâm phạm”, bảo tồn cua biển là một nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học. Với loài rùa, cần phải tính toán đảm bảo 3 yếu tố quan trọng: phải có bãi biển cho rùa đẻ trứng, không có vật cản, không có ánh sáng, môi trường thông thoáng, không để rùa bị mắc lưới khi muốn quay về đảo. Ba vấn đề này liên quan đến công tác phân vùng, dàn xếp không cho du khách đi về phía bắc, tạo điều kiện cho rùa biển phát triển là cần thiết” - Th.S Thảo nói. Về rạn san hô, Th.S Thảo cũng cho rằng, việc ngăn cản, phân vùng quản lý rạn san hô chỉ phù hợp với giai đoạn đầu, tới nay không còn phù hợp nữa, bởi nó gây khó cho công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ được rạn san hô nhưng không bảo vệ được sinh vật biển. Các nhà khoa học đang tính toán tới phương án quản lý, bảo tồn hiệu quả hơn.
TS. Chu Mạnh Trinh - Phó Trưởng phòng Hợp tác nghiên cứu (Ban quản lý khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho rằng, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm được xem là khu vực chiến lược để Hội An xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng tới phát triển bền vững. Nhưng vùng lõi chịu sự tác động, áp lực lớn bởi lượng du khách gia tăng đột biến, các công trình xây dựng, các loại hình mới (đi bộ dưới biển), các khu vực khác phát triển du lịch nhỏ lẻ, manh mún (như Cẩm Thanh). Sức khỏe của hệ sinh thái phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của nước biển, bị ảnh hưởng bởi phù sa và nước ngọt từ hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, do vậy, phải mở rộng vào phạm vi vùng bờ. Vấn đề cốt lõi phải giải quyết gồm: quy chế quản lý cho toàn lưu vực, kiểm soát khai thác rừng, xả nước hồ chứa, hoạt động nông nghiệp, thủy sản, sự phát triển vùng bờ và hai bên bờ sông… Việc xây dựng quy chế khai thác hợp lý bào ngư, cua đá; quy chế bảo tồn, bảo vệ rùa biển, rạn san hô… là những cách thức giảm áp lực lên sinh vật biển. Việc hỗ trợ người dân địa phương đa dạng các sinh kế thay thế và giảm thiểu khai thác nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, nhưng vẫn đảm bảo đời sống hết sức quan trọng. Cần có nghiên cứu tổng thể, đầy đủ về đa dạng các hệ sinh thái, đa dạng thành phần loài, chất lượng hệ sinh thái ở Cù Lao Chàm để có cách thức ứng phó hợp lý.
HOÀNG LIÊN