Thách thức bảo tồn phố cổ

ĐỖ HUẤN 29/05/2013 07:49

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới luôn là vấn đề thời sự mang tính sống còn với chính quyền và nhân dân Hội An. Nhưng bảo tồn và phát huy một di sản “sống”, đang từng ngày phát triển theo xu thế mới là thách thức không nhỏ.

Hội An, nhìn về hướng cửa sông và biển.  Ảnh: Minh Hải
Hội An, nhìn về hướng cửa sông và biển. Ảnh: Minh Hải

Thành tựu

Giáo sư Oscar Salemink, đến từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch), trong bài phát biểu tại hội nghị Việt Nam học lần thứ 4 tổ chức ở Hà Nội đã cho rằng, Hội An mang lại kết quả tốt về quản lý và chia sẻ lợi ích di sản. Tuy nhiên, ông tỏ ra lo lắng về con đường bảo tồn di sản. Từ khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (tháng 12.1999), gần 15 năm qua, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư, thành phố đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy di sản. Từ năm 1999 đến 2012, trên địa bàn có 180 di tích sở hữu nhà nước được tu bổ, với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Từ các nguồn khác nhau, chính quyền cũng đã hỗ trợ tu bổ hơn 150 di tích sở hữu tư nhân và tập thể với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng.

Mới đây, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tham mưu UBND thành phố xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn xã Cẩm Thanh” với tổng kinh phí 162 tỷ đồng. Đặc biệt, “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An gắn với phát triển TP.Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025” đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt với tổng kinh phí 1.468 tỷ đồng. Các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phát huy di tích được chú trọng thường xuyên, góp phần nâng cao đáng kể thương hiệu du lịch văn hóa Hội An.

và thách thức

Không phủ nhận những kết quả đạt được đáng phấn khởi trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích, di sản Hội An trong gần 15 năm qua. Trong khoảng thời gian này, Hội An có thêm với 7 di tích được xếp hạng quốc gia, 41 di tích xếp hạng cấp tỉnh và nhiều di tích được bổ sung vào danh mục di tích cấp thành phố. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng không khỏi âu lo trước thực trạng xuống cấp và biến dạng di tích đang diễn ra hiện nay. Giai đoạn 1998 - 2011, có 445 di tích ở khu vực 1 khu phố cổ được tu bổ toàn bộ, trong đó có 137 di tích do Nhà nước quản lý, 308 di tích do tư nhân quản lý. Nhưng qua khảo sát ngẫu nhiên 45 di tích về tình trạng sử dụng sau tu bổ, chỉ có 21 di tích đạt yêu cầu về sử dụng. Tuy số lượng di tích được tu bổ, sửa chữa liên tục tăng qua các năm nhưng số trường hợp thực hiện sai nguyên tắc, sai giấy phép vẫn còn xảy ra không ít. Ngoài lũ lụt, mối mọt, hỏa hoạn là những tác động cảnh báo thường trực đối với sự tồn vong của di tích, thách thức chính trong công tác bảo tồn di sản vẫn là yếu tố chủ quan. Việc chậm trễ đầu tư tu bổ của các chủ di tích gây đe dọa sự mất đi của một số di tích. Sự biến đổi không gian bên trong di tích do quá trình sử dụng “chạy” theo lợi nhuận kinh doanh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nguyên gốc của di tích. Theo GS. Oscar (trường Đại học Copenhagen), trong một số trường hợp, sự đầu tư hoặc cải tiến mâu thuẫn với bảo tồn di sản.

Làm thế nào để bảo tồn và phát huy tích cực những giá trị văn hóa di sản của tiền nhân để lại? Câu trả lời nằm ở “trong tim và trong tay” những chủ nhân di sản. Nhà nước và nhân dân phải tích cực tìm hướng giải quyết, có “tiếng nói chung” để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về nguồn vốn đầu tư, cơ chế quản lý di tích trong khu phố cổ, di tích ở vùng ven thành phố. Theo ông Phan Xuân Nhẫn - một cư dân phố cổ, bảo tồn, trùng tu di tích phải gắn liền với quản lý, sử dụng di tích đó. Di tích chỉ thực sự “sống” và có giá trị khi phát huy được hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Bảo tồn và phát huy di tích ở Hội An cũng cần phải gắn với không gian của đô thị vùng “cửa sông ven biển”, gắn với tổng thể quy hoạch và phát triển Hội An theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa và du lịch. Một du khách đã từng cảm nhận: “Tôi nhiều lần đến với Hội An, nhưng nếu có kỳ nghỉ dài, lại thích về thăm những mảng tường rêu, những vỉa hè đá tảng, hàng cây bên đường Nguyễn Thái Học và bờ sông Hoài êm ả đến nao lòng. Mùa đông ra Cửa Đại ngó biển ngoài kia cuộn sóng. Mùa hè chèo thuyền đi câu trên sông”.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thách thức bảo tồn phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO