Cam kết các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh là lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam để phát triển bền vững. Song việc tìm kiếm nguồn lực để hiện thực hóa các dự án đầu tư này vẫn là chuyện không hề dễ dàng.
Đầu tư phát triển thủ công mỹ nghệ là một trong những xu hướng của tăng trưởng xanh.Ảnh: T.DŨNG |
Gian nan tìm vốn
Chiến lược phát triển Quảng Nam dựa trên kế hoạch phát triển đa ngành và các nguyên tắc tăng trưởng xanh để hình thành các chương trình và dự án trọng điểm đã được nhìn nhận là một sáng kiến lớn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, chiến lược phát triển chính của Quảng Nam là phát triển cụm ngành và cụm đô thị động lực, phát triển du lịch bền vững, quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, liên kết đô thị nông thôn và hợp tác cấp vùng. “Kế hoạch cho tương lai Quảng Nam đang được đặt ra theo một lộ trình nghiêm ngặt là hình thành các cơ hội đầu tư cụ thể và huy động nguồn lực hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sống người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và các định chế tài chính, 16 dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh được Quảng Nam đưa ra tại diễn đàn vừa tổ chức ở Hội An và 6 biên bản ghi nhớ thư quan tâm đầu tư của các tổ chức quốc tế… sẽ là động lực quan trọng đối với các cơ hội phát triển cho Quảng Nam. Tuy nhiên, chính quyền Quảng Nam và các nhà đầu tư vẫn phải thừa nhận việc cam kết đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh là lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam để tiến đến phát triển bền vững, nhưng để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư này vẫn là chuyện đầy khó khăn khi các nguồn lực đầu tư đều khan hiếm.
Theo điều tra của Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN – Habitat), trong vòng 12 năm qua, tỷ lệ huy động vốn xã hội trong GDP toàn Quảng Nam đã tăng từ 20,42%/năm 1997 lên gần 47%/năm. Tốc độ thu hút FDI thuộc nhóm khá miền Trung và đầu tư nội địa chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Điều này cho thấy vai trò của nguồn vốn nội địa, nhất là vốn từ khu vực tư nhân. Nhưng Quảng Nam vẫn đang đứng trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các tỉnh trong vùng, ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu cùng năng lực thể chế yếu kém là nguy cơ lâu dài với sự phát triển toàn diện của tỉnh. Trên bình diện khác, số lượng doanh nghiệp lớn, nhưng chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vưc có hàm lượng công nghệ thấp, thiếu gắn kết với đầu tư bên ngoài. Nhu cầu cấp bách về đa dạng hóa và mở rộng các ngành trọng điểm của Quảng Nam theo hướng bền vững quá trình cải cách hành chính và thực hiện chính sách vẫn chậm do các cơ quan, ban ngành phối hợp chưa hiệu quả. Vì vậy, Quảng Nam rất cần sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng để có thể thúc đẩy phát triển.
Hiến kế tìm nguồn vốn đầu tư tăng trưởng xanh Mối lo ngại về việc thiếu vốn để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư đã được nhiều nhà hoạch định kinh tế “hiến kế”. TS.Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT) cho rằng chuyển sang kinh tế xanh là quá trình cam go dài lâu nhưng sẽ hứa hẹn nhiều lợi ích to lớn và có nhiều lựa chọn cơ hội cho quá trình này khi Quảng Nam đang phát triển du lịch sinh thái, quản lý bền vững, giảm phát thải từ nông nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, sạch và công nghệ thông tin trong các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Mai, sự cam kết và tính chủ động cao của lãnh đạo tỉnh trong kế hoạch phát triển bền vững sẽ là cơ hội để Quảng Nam tiếp cận vốn đầu tư từ sự chuyển hướng của các nhà tài trợ ODA khi tăng gấp đôi cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Sự đa dạng của các nguồn tài chính khí hậu, tăng trưởng xanh thể hiện rõ nhất với quy mô trên 60 quỹ, 20 cơ chế tài chính, doanh nghiệp FDI đang theo đuổi tăng trưởng xanh để nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách hỗ trợ phát triển khu vực miền Trung ngày càng gia tăng… sẽ giúp Quảng Nam quyết đinh sự thành công của kế hoạch “đầy tham vọng” này. |
Trên thực tế, sự thiếu hụt nguồn vốn khi nguồn vốn nhà nước chỉ chiếm có 25%, khiến nhiều dự định phát triển của Quảng Nam bị “buộc” phải thu hẹp. Ông Đỗ Xuân Diện - Phó ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai nói sở dĩ Chu Lai chỉ thành công trong vai trò một khu công nghiệp bậc cao hơn là một khu kinh tế mở vì thiếu vốn. “Mỗi năm chỉ còn được phân bổ vài chục tỷ đồng đầu tư thay vì 400 - 500 tỷ đồng như trước đã khiến Chu Lai không đủ nguồn để bố trí cho các công trình thi công dở dang. Từ năm 2006 đến nay, nhiều công trình buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Kết quả thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI vào Khu Kinh tế mở Chu Lai đạt tỷ lệ thấp như hiện nay là điều không tránh khỏi và đã được nhận thấy trước” - ông Diện nói. Theo tính toán của UBND tỉnh, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng bình quân mỗi năm phải hơn 2.500 tỷ đồng cho riêng Khu Kinh tế mở Chu Lai và hàng ngàn tỷ đồng cho việc hỗ trợ ban đầu để triển khai các dự án khác… nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Trong khi đó, ưu tiên đặt ra trong kế hoạch ngắn hay dài hạn vẫn là thu hút có chọn lựa nhà đầu tư công nghệ cao, có tiềm năng phát triển để bảo đảm môi trường.
Cơ hội tiếp cận vốn
Theo nhận định của các cơ quan quản lý Quảng Nam, trong số các dự án được xem là động lực thì một số đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Số còn lại (nhiều nhất tại Chu Lai) dù đã xác định được việc tìm nguồn thì Quảng Nam cũng không định đoạt được chuyện tiền nong. Ông Phạm Ân, Chánh Văn phòng Ban quản lý KKTM Chu Lai nói dự án “Đô thị Việt – Hàn” đã xin Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng dự án, bảo đảm khởi công xây dựng giai đoạn 1 (200ha). Quảng Nam cũng đã đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) xem xét áp dụng mức lãi suất vay đối với dự án là 6%/năm để bảo đảm tính khả thi của dự án ô tô Trường Hải hay việc cấp vốn để đầu tư nâng cấp, tăng chuyến, tuyến, bổ sung quy hoạch và xúc tiến tìm nguồn ODA đầu tư sân bay Chu Lai vay vốn thực hiện dự án… cũng chỉ nằm ở giai đoạn khởi đầu, chưa biết có hiện thực hóa được hay không?
Các nhà hoạch định kinh tế thừa nhận ngoài lý do chính chủ yếu liên quan đến việc bảo đảm an ninh tài nguyên thiên nhiên thông qua việc giảm nhẹ áp lực của sử dụng tài nguyên khan hiếm (nguồn nước, nguyên liệu, nhiên liệu…) thì công nghiệp xanh rõ ràng là cứu cánh để có thể làm giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu, bảo tồn môi trường bền vững thông qua giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, chuyện tìm ra cơ chế tài chính xanh để phát triển bền vững công nghiệp xanh vừa là thách thức lẫn cơ hội cho Quảng Nam. Theo PGS – TS. Thái Thanh Hà (Học viện Hành chính quốc gia, khu vực miền Trung), hầu hết hoạt động công nghiệp xanh đều tốn kém và đại đa số các mô hình kinh doanh thuộc công nghiệp xanh thường chưa được thử nghiệm hoặc thông dụng. Một cơ chế tài chính truyền thống sẽ tỏ ra khó khăn trong việc cung cấp nguồn tài chính hoặc tài trợ cho các hoạt động của công nghiệp xanh. Vì vậy, cần có sự can thiệp của các cơ quan công quyền để cơ chế tài chính xanh đạt được tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường. “Các nguồn vốn công nội địa cần được ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa để thực hiện chiến lược công nghiệp xanh. Còn giai đoạn đầu của khu vực tư nhân thì cần phải có chương trình vay vốn để đáp ứng nhu cầu khu vực này khi các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu tăng trưởng. Vì vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về các dự án nghiên cứu phát triển cũng như vay tín dụng có bảo lãnh của chính quyền” - ông Hà nói.
Cơ hội hiện thực hóa tìm vốn đầu tư dự án tăng trưởng xanh đã được tìm thấy. Tuy nhiên, sự thành công của chiến lược này một lần nữa buộc chính quyền phải lựa chọn. Theo PGS-TS. Thái Thanh Hà, Quảng Nam cần lựa chọn công nghệ đầu tư tại các khu công nghiệp trong các chương trình mời gọi đầu tư nước ngoài. Cần đặt rõ vấn đề và hỏi thẳng các nhà đầu tư về chứng chỉ công nghệ xanh mà họ dự định triển khai dự án tại địa phương, tránh mắc phải bẫy rác thải công nghệ. Ngoài ra cần ràng buộc việc cấp giấy phép đầu tư cùng với việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực xanh. Quan trọng hơn hết là nâng cao nhận thức cộng đồng, hình thành nên một thế hệ người tiêu dùng có nguồn gốc tài chính “xanh”.
TRỊNH DŨNG