Thách thức giảm nghèo ở miền núi

Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ 14/11/2018 02:33

Năm 2018, Quảng Nam thay đổi cách thực hiện công cuộc giảm nghèo, theo hướng phải gắn với hộ nghèo cụ thể, giao chỉ tiêu theo số hộ chứ không theo tỷ lệ. Cách làm mới này đã tác động tích cực, nhưng vẫn còn đó những thách thức cho công cuộc giảm nghèo bền vững, nhất là vùng miền núi. Nếu không đồng bộ vào cuộc, tìm hiểu “chân tướng” nguyên nhân để tháo gỡ, công tác giảm nghèo ở miền núi sẽ còn lắm nhọc nhằn.

BÓC TÁCH NGUYÊN NHÂN

Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có 794 hộ nghèo mới phát sinh, trong đó các huyện miền núi có đến 640 hộ.

Nghèo do... tách hộ

Nếu ở khu vực đồng bằng, con số 154 hộ nghèo mới phát sinh chủ yếu do đau ốm, bệnh tật, già yếu, thì ở miền núi nguyên nhân nghèo nghe chừng vô lý nhưng đó là thực trạng chung hiện nay: Nghèo do tách hộ ra ở riêng. Trong số 794 hộ nghèo phát sinh của tỉnh từ đầu năm đến nay, khu vực miền núi có đến 640 hộ (gồm 123 hộ tái nghèo và 517 hộ nghèo mới). Nhóm huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Phước Sơn đều có số hộ nghèo mới phát sinh vì nguyên nhân tách hộ. Tại xã Trà Kót (huyện Bắc Trà My), năm này có 10 hộ nghèo mới phát sinh đều rơi vào trường hợp tách hộ làm nhà riêng. Như trường hợp vợ chồng anh Đỗ Văn Chanh (SN 1992) và chị Hồ Thị Mai (SN 1990) mới làm nhà tách ra ở riêng bên cạnh nhà của cha mẹ. Lúc còn ở chung nhà, cha mẹ họ không phải hộ nghèo. Nhưng khi họ tách hộ ra ở riêng lại rơi vào diện nghèo bởi thiếu các vật dụng trong nhà theo tiêu chí tiếp cận đa chiều nên không đủ điểm.

Công cuộc giảm nghèo được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Ảnh: D.L
Công cuộc giảm nghèo được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Ảnh: D.L

Theo như phân tích của ông Trần Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót, các trường hợp tách hộ mới đều là thanh niên, tuy có sức lao động nhưng không ổn định việc làm, chỉ biết đi làm thuê ngày được ngày mất. Khi đến nhà họ chấm điểm, điều tra viên chấm theo tiêu chí đa chiều, họ không đủ điểm nên thuộc diện hộ nghèo. “Với miền núi, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa biết cách làm ăn, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Hộ là thanh niên mới ra ở riêng, xã biết rằng đưa vào danh sách hộ nghèo là khó chấp nhận vì họ có sức lao động. Nhưng chấm theo tiêu chí đa chiều, đến nhà họ không có vật dụng gì chấm cho đủ điểm thì phải chấp nhận xếp họ diện hộ nghèo. Nhà họ mới dựng bằng gỗ tạp, tạm bợ, có sức lao động nhưng trình độ không có, không có việc làm ổn định, động viên họ đi học nghề để đi làm ở công ty thì họ không chịu đi vì mắc vợ con” - ông Trung nói.

Dễ bị tác động!

Nam Giang là huyện có số hộ nghèo mới phát sinh cao nhất trong toàn tỉnh tính đến thời điểm này. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, hộ nghèo phát sinh từ đầu năm đến nay của huyện là 198 hộ, trong đó tái nghèo 66 hộ. Như vậy toàn huyện hiện còn 3.069 hộ nghèo, đây là năm mà Nam Giang có tỷ lệ hộ nghèo giảm thấp nhất, so với năm 2017 chỉ giảm 2,62%, trong khi những năm trước tỷ lệ giảm đến 4 - 5%. Cụ thể hơn, năm 2018 huyện chỉ giảm được 110 hộ nghèo trong số 453 hộ phải thoát theo chỉ tiêu tỉnh giao từ đầu năm. Ông Alăng Mai phân tích: “Có trường hợp đã hết nghèo nhưng không đăng ký theo Nghị quyết 13, cắt hết chính sách thì lại tái nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo phát sinh do thời tiết bất lợi, thất thu vụ lúa, rồi giá cả hàng nông lâm sản giảm mạnh. Chẳng hạn trước đây 1ha keo tại rẫy bán được 40 - 50 triệu đồng, nay chỉ còn 20 - 25 triệu đồng, chưa kể nơi điều kiện đi lại khó khăn thương lái không tới mua hoặc mua với giá rẻ mạt. Hay như gần đây giá cao su thấp xuống nhiều, khiến gần 1.200 hộ dân của huyện cũng bị thất thu; tại một số xã xảy ra dịch bệnh trong chăn nuôi; người dân thiếu đất sản xuất; lao động thiếu việc làm...”. Còn ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đến nay con số thoát nghèo của huyện là 478 hộ, nhưng cũng đã phát sinh 92 hộ nghèo, trong đó có 12 trường hợp tái nghèo và 80 hộ phát sinh mới. Ngoài nguyên nhân tách hộ ra ở riêng chiếm đến 61 trường hợp, số khác diện gia đình có người ốm đau nặng, hộ đơn thân mất việc làm, hỏa hoạn, thiên tai làm thiệt hại tài sản gia đình, thất thu mùa vụ.

Tại cuộc làm việc với các huyện miền núi về công tác giảm nghèo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, các huyện khi nắm danh sách hộ nghèo cũng tính đến việc phúc tra, để xem dưới địa phương có “phán bừa” không. Địa phương cũng cần tìm hiểu xem những hộ tái nghèo có phải bị tác động do thấy hàng xóm thoát nghèo có đăng ký theo Nghị quyết 13 nên được hưởng cơ chế, nay quay lại nghèo để thoát nghèo có đăng ký nhằm hưởng chính sách hay không? Quan điểm là chỉ chấp nhận hộ cận nghèo nhưng do khó khăn quá, ốm đau, già yếu mới rơi lại vào nghèo; không chấp nhận một hộ không nghèo lại rơi vô hộ nghèo trong khi có sức khỏe, trong độ tuổi lao động.

CHÍNH SÁCH NHIỀU, HIỆU QUẢ THẤP

Chính sách đầu tư giảm nghèo cho miền núi hiện nay rất nhiều, vậy nhưng hiệu quả đem lại không cao, nguyên nhân từ đâu?

Nghèo do tách hộ ra riêng đang là thực trạng chung ở các huyện miền núi. Ảnh: D.L
Nghèo do tách hộ ra riêng đang là thực trạng chung ở các huyện miền núi. Ảnh: D.L

Đầu tư chưa đúng trọng tâm

Trong tổng số 38.112 hộ nghèo của toàn tỉnh (kết quả năm 2017), khu vực miền núi đã chiếm đến 24.405 hộ nghèo, tỷ lệ nghèo bình quân của các huyện miền núi hơn 30%. Theo ông Trần Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, phần lớn người dân miền núi không biết cách làm ăn, chủ yếu đi làm thuê cho các chủ rừng keo hoặc cao su nên khi giá cả xuống thì họ thất thu, không biết làm gì khác để tạo thu nhập. “Theo tôi, việc mất lợi thế về điều kiện tự nhiên chính là nguyên nhân chính khiến miền núi cứ loay hoay trong việc giảm nghèo rồi tái nghèo. Cứ nói tập trung giảm nghèo cho miền núi, nguồn lực đổ vào không ít nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cứ cao hơn rất nhiều so với bình quân. Tỉnh phải có cơ chế làm sao để doanh nghiệp lên đến miền núi để đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ mới mong giải được bài toán giảm nghèo. Như huyện Hiệp Đức hiện nay thậm chí có thôn còn đến 90% số hộ thuộc diện nghèo” - ông Thọ nói.

Tại huyện Đông Giang, đến thời điểm này còn hơn 2.080 hộ nghèo, chiếm hơn 29%, với đà này, mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020 còn 20% của huyện khó thực hiện đạt. Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang nói, chính sách đầu tư vào khu vực miền núi quả thực rất lớn nhưng chưa hiệu quả còn bởi đầu tư dàn trải, chưa có sự tập trung, chưa đúng mục tiêu. Mà khi đầu tư không đúng thì dù có đổ bao nhiêu tiền vào cũng không thể tác động mạnh đến hộ nghèo được. Ông Đỗ Tài kiến nghị nên quan tâm đến giải quyết vấn đề giao thông trong các khu sản xuất, bởi không có đường thì không bán được keo, nếu muốn bán được phải chấp nhận hạ giá xuống thấp nhiều lần so với giá thị trường. Bởi theo ông Tài phân tích, một héc ta keo mất 5 năm chăm sóc nhưng vì giao thông không thuận lợi mà chỉ bán được 10 triệu đồng, có nơi xa quá bán không được. Nếu giải quyết được vấn đề giao thông, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế dựa vào trồng keo nguyên liệu, mà còn có thể mở hướng phát triển được rừng gỗ lớn.

Chồng chéo chính sách

Hiện nay, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo của tỉnh đều tập trung cho khu vực miền núi, nhưng hiệu quả lại không lớn như ở đồng bằng. Giai đoạn 2016 - 2018, trong số các nguồn lực đang đầu tư giảm nghèo tại miền núi, Chương trình 30a đầu tư 77 công trình cơ sở hạ tầng ở 6 huyện với tổng trị giá hơn 327 tỷ đồng. Hay Chương trình 135 cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 253 tỷ đồng, trong đó có các xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hơn 65,8 tỷ đồng đến hơn 25 nghìn lượt hộ dân; triển khai nâng cao năng lực cộng đồng với kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng. Ngay các xã ngoài Chương trình 30a và 135 cũng được phân bổ hơn 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sinh kế, mô hình giảm nghèo... Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo của trung ương và tỉnh dành cho miền núi hơn 839,8 tỷ đồng. Các chương trình trên được thực hiện bởi nhiều sở, ngành, và căn cứ thực hiện các dự án thuộc các chương trình được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau từ trung ương cho đến địa phương.

Chính sách đầu tư nhiều là vậy, nhưng tỷ lệ hộ nghèo giảm chưa tỷ lệ thuận với số tiền đầu tư vào miền núi. Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: “Nghe đầu tư giảm nghèo miền núi nhiều tiền vậy nhưng chủ yếu là vào cơ sở hạ tầng, mà cơ sở hạ tầng toàn dân cùng hưởng chứ không riêng chi hộ nghèo. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho người nghèo về sinh kế, mô hình giảm nghèo lại quá thấp, chưa tác động mạnh đến hộ nghèo. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn trùng lặp trên cùng địa bàn giữa Chương trình 30a và 135; trong khi văn bản chỉ đạo quá nhiều cho cùng một dự án hay tiểu dự án trong chương trình”. Ông Hòa cho biết, trước thực trạng đó, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị cấp trung ương nên tích hợp các chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất; tích hợp các thông tư, vản bản hướng dẫn có sự chồng chéo, trùng lắp để công tác giảm nghèo ở miền núi thực sự đem lại hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang: Hãy đặt quyết tâm chính trị vào công cuộc giảm nghèo

Các chỉ tiêu của tỉnh năm này đều đạt, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cứ cao hơn bình quân cả nước thì không chấp nhận được. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy giảm nghèo bằng cả quyết tâm, thì huyện cũng phải đặt quyết tâm chính trị vào công cuộc giảm nghèo. Đời sống người dân còn nghèo, còn khổ thì tự thân mỗi lãnh đạo địa phương phải ray rứt.

Cần xem lại trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch mỗi huyện, có làm quyết liệt không hay khoán trắng cho ngành lao động, rồi cuối năm chỉ nghe báo cáo. Có ai đã từng kêu ông bí thư, chủ tịch xã nào lên kiểm điểm vì chuyện giảm nghèo thiếu hiệu quả không?

Cần tham vấn cộng đồng để biết thực trạng của hộ nghèo đó thế nào, không thể có chuyện giấu tài sản để hưởng chính sách hộ nghèo. Về xử lý vấn đề tách hộ, cần làm rõ hội đủ điều kiện nào mới được tách, đảm bảo truyền thống văn hóa nhưng hài hòa vấn đề pháp lý. Tách hộ phải đảm bảo vấn đề việc làm, thu nhập, nuôi sống được gia đình. Hộ có lao động mà thiếu vốn, thiếu kỹ thuật thì huyện, xã giúp. Lười lao động thì nghiêm khắc cho ra khỏi diện hộ nghèo. Hộ nghèo diện bảo trợ, đau ốm, già yếu sẽ có đề án riêng dành cho nhóm đối tượng này.

Tôi yêu cầu phân tích nguyên nhân của hộ nghèo phát sinh mới, hộ tái nghèo ở miền núi là gì, làm ngay bảng kê cụ thể để báo cáo cho rõ.

Thời gian tới, các ngành phải rà soát lại việc thực hiện các chính sách giảm nghèo của trung ương và địa phương, cái nào được, cái nào chưa được, tổng hợp lại toàn bộ để tỉnh tính chính sách giảm nghèo bền vững hiệu quả hơn.

TÍNH KẾ DÀI LÂU

Tỉnh ủy, UBND tỉnh vừa có cuộc họp với người đứng đầu các địa phương miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, hộ nghèo phát sinh nhiều để bàn tính giải pháp căn cơ cho công cuộc giảm nghèo về lâu dài.

Nhiều hộ thanh niên ở miền núi có sức lao động, nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: D.L
Nhiều hộ thanh niên ở miền núi có sức lao động, nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: D.L

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh: Phải đồng hành với người dân

Qua thực tế đi kiểm tra, các huyện đồng bằng giảm nghèo tương đối tốt, nhưng huyện miền núi lại không đạt được chỉ tiêu, có huyện nhắc nhở nhiều nhưng tỷ lệ giảm vẫn chậm. Miền núi có nhiều bất lợi hơn so với đồng bằng nên mới có những Nghị quyết 02, 05, 12, 13 của HĐND tỉnh dành cho người nghèo khu vực này. Trung ương, tỉnh tập trung công cuộc giảm nghèo cho miền núi, nhưng lãnh đạo một số huyện hầu như chỉ để ngành lao động, xã, thôn lo chứ chưa vào cuộc. Câu chuyện nghèo do tách hộ quá vô lý. Bố mẹ phải nhắm khi đủ điều kiện mới cho con làm nhà ra ở riêng, mà đây là hộ trẻ nên vợ chồng đều có sức lao động. Thế nên các huyện phải phúc tra lại con số hộ nghèo ở diện này.

Với trường hợp tái nghèo, nói do không đăng ký thoát nghèo theo Nghị quyết 13, không được hưởng chính sách nên tái nghèo là không đúng. Vì hộ thoát nghèo nghĩa là đã tự vươn lên đủ điều kiện mới thoát nghèo được, nay tái nghèo vì thiên tai, bệnh tật còn chấp nhận, chứ chỉ vì không có chính sách hỗ trợ là không hợp lý. Lãnh đạo, cán bộ các huyện miền núi phải nhìn vào thực tế của hộ nghèo, phải đồng hành với người dân, đi kèm với người dân để chỉ cho họ cách làm ăn, chứ làm theo phong trào rồi để đó họ tự bơi là không được.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: Rà soát gắn với cộng đồng dân cư

Đến thời điểm này của năm 2018 Nam Trà My tuy phát sinh 40 trường hợp nghèo mới (9 hộ tái nghèo) nhưng có đến 601 hộ thoát được nghèo, trong khi tỉnh giao chỉ tiêu giảm 500 hộ. Ở Nam Trà My, hộ nào nghèo hay không là do cộng đồng dân cư chấm điểm. Bởi họ ở nhà trong thôn, nhưng tài sản ở rẫy, chỉ cộng đồng dân cư biết nên chấm điểm mới chính xác. Đối với hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, từ các nguồn lực địa phương, huyện hỗ trợ 14 triệu đồng, cộng với tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng và các nguồn khác để họ phát triển kinh tế, trồng cây dược liệu, chăn nuôi. Cứ 3 tháng huyện họp định kỳ, chỉ đạo từng xã trong việc giảm nghèo, ai làm không tốt bị kiểm điểm, nhắc nhở ngay. Để hạn chế việc chồng chéo chính sách gây lãng phí, địa phương rà soát chính sách của tỉnh, trung ương rồi lồng ghép thực hiện phù hợp. Theo tôi, các huyện miền núi đầu tư dược liệu sẽ hiệu quả, cần có chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lên miền núi trồng dược liệu. Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My không chỉ có bán sâm Ngọc Linh mà còn bán những loại dược liệu khác. Các địa phương miền núi có thể tham gia phiên chợ này để giới thiệu sản phẩm dược liệu quý của huyện mình, tạo thêm cầu nối đưa sản phẩm tiêu thụ ra bên ngoài, tạo sinh kế dài lâu cho người dân.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Hướng đến quản lý cụ thể từng hộ

Từ năm này sẽ đặt ra luôn mục tiêu giảm nghèo năm 2019. Mục tiêu phải đo đếm được cụ thể, tính được giải pháp giảm nghèo, cách thực hiện giải pháp đó trực tiếp đến hộ nghèo. Đối với số hộ nghèo thống kê sơ bộ đến thời điểm này, các huyện phải phúc tra kỹ, đặc biệt đối với số hộ nghèo phát sinh mới, hộ tái nghèo. Tỉnh cũng sẽ có các đoàn phúc tra kết quả của các xã, huyện. Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông xây dựng phần mềm theo dõi, quản lý hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chính sách người có công và hộ đăng ký thoát nghèo bền vững; nâng cấp phần mềm quản lý hộ nghèo trực tuyến để cập nhật và phân tích thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương. Khi phần mềm hoàn chỉnh và đưa vào vận hành, từng hộ nghèo được quản lý theo tháng, quý, năm; từng biến động của hộ nghèo sẽ được cán bộ giảm nghèo ở cơ sở cập nhật, theo dõi cụ thể.

Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thách thức giảm nghèo ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO