Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng phải sẵn sàng ứng phó với nhiều khó khăn, nỗ lực hết mình mới có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế 9% cho năm 2023.
Vượt kế hoạch năm 2022
Theo Tổng cục thống kê, GRDP năm 2022 ước tăng 11,2% so với năm 2021. Khu vực nông - lâm - thủy sản ước tính tăng 2,6%; khu vực công nghiệp xây dựng vẫn là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng khi tăng 16,5%; khu vực dịch vụ tăng 7%. Lượng khách nội địa đến vượt chỉ tiêu nhưng vẫn vắng khách quốc tế; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 13,6%.
Với mức tăng trưởng 11,2%, Quảng Nam xếp vị thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, xếp thứ 2 sau Đà Nẵng trong 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô GRDP xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 5 khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, xếp thứ 3/5 tỉnh, thành khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).
Công nghiệp và xây dựng tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi tăng 17%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,5%. Con số này nhờ giảm thuế trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, xuất khẩu ổn định đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành may mặc, da giày...
Thu ngân sách đã đạt đến con số 32.144 tỷ đồng, vượt xa dự toán thu ngân sách nhà nước được HĐND tỉnh ấn định (dự toán 23.700 tỷ đồng), tăng 35,6% dự toán và tăng 40,1% so năm 2021.
Không đạt kế hoạch tăng trưởng (chỉ 98%), nhưng ngành ngân hàng cũng đã đưa 93.546 tỷ đồng vào nền kinh tế (tăng 12,2% so với cuối năm 2021). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 36.034 tỷ đồng, tăng 19,1%.
Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường gia tăng 11% so cùng kỳ, kế cả vốn đăng ký đạt 9.998 tỷ đồng, tăng 13,5%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới 8,7 tỷ đồng. Doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 20,8% (552 doanh nghiệp).
Suy giảm nhiều nhất là giải ngân không thể đạt đến mức tối đa như dự định mà chỉ đạt 67,3% so kế hoạch vốn từ đầu năm, đạt 51,5% so kế hoạch vốn bổ sung và đạt 54% kế hoạch vốn đã phân bổ.
Những thống kê kể trên cho thấy, dường như nền kinh tế địa phương chưa hề trải qua một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch giã.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì làn sóng tăng trưởng cao. Thương mại, du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh, vượt thoát khó khăn thời COVID-19. Có đôi chút khó khăn từ thời tiết, giá vật liệu, nhiên liệu tăng nhưng xây dựng, nông nghiệp vẫn duy trì độ bình ổn của tăng trưởng. Thu ngân sách tăng nhưng bất ổn số thuế thu từ sử dụng đất.
Dự báo trung hạn sẽ khó đảm bảo dự toán đề ra. Giải ngân chậm, tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa như mong đợi. Tuy nhiên, con số tăng trưởng tốt trên tất cả lĩnh vực cho thấy nền kinh tế đã hồi phục nhanh, dần ổn định là nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương.
Sẵn sàng đối mặt khó khăn, thách thức
Tăng trưởng mạnh, thu ngân sách đã gia nhập câu lạc bộ 30.000 tỷ đồng, đứng trong số ít địa phương đóng góp về ngân sách trung ương (18%) là thành công của Quảng Nam. Song, theo nhiều nhận định, nền kinh tế địa phương vẫn chưa thể tìm được điểm cân bằng, đôi khi còn phụ thuộc vào độ tăng trưởng của một vài doanh nghiệp, nên chưa bền vững.
Chính quyền Quảng Nam thức nhận một trong những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan công quyền, địa phương chưa theo kịp yêu cầu đòi hỏi của thực tế. Không ít tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến việc tháo gỡ các điểm nghẽn về đầu tư, sản xuất gặp khó. Nhiều dự án đầu tư buộc phải hoãn, giãn, điều chỉnh kéo dài.
Thống kê khác cho thấy, bên cạnh tín hiệu khả quan từ số doanh nghiệp gia nhập thị trường thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trên bờ vực phá sản. Nhiều dự án khách sạn dở dang, không thể hoàn thiện vì thiếu vốn. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu không sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp “khai tử”, rời bỏ thị trường.
Có thể thấy, nền kinh tế Quảng Nam đã “lội qua” khó khăn, bước vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định và ngày càng được định hình một cách rõ nét hơn. Bức tranh kinh tế Quảng Nam đã xuất hiệu nhiều điểm sáng, báo hiệu một cuộc mở đường có lợi cho năm 2023.
Tuy nhiên, không ít cơ quan quản lý khuyến cáo rất cần những sự thay đổi, tìm ra giải pháp thích hợp mới có thể duy trì những thành quả đạt được. Thị trường thế giới được dự báo vẫn bất ổn khi chiến sự Ucraina - Nga vẫn chưa kết thúc. Giá dầu biến động, tỷ suất hối đoái nhảy múa, xuất khẩu gặp khó, bất động sản vẫn đóng băng và ngân hàng siết chặt, Trung Quốc vẫn áp đặt zero COVID-19.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, bức tranh kinh tế 2022 sáng lạn. Nhưng năm 2023 doanh nghiệp sẽ khó khăn khi ngân hàng siết chặt chi tiêu, hạn chế cho vay, doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn, cần tìm giải pháp hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp thì mới có thể duy trì đà tăng trưởng.
Tập trung quy hoạch, đầu tư có chiều sâu
Những dự báo bất ổn trên, không khó để nhìn đến việc Quảng Nam chỉ “dè dặt” đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng trên 9%, thu ngân sách chỉ 26.680 tỷ đồng (20.880 tỷ đồng thu nội địa) vào năm 2023, không bằng mức tăng trưởng và số thu ngân sách năm 2022.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn tiềm ẩn, chưa thể đoán trước được. Tất cả phải sẵn sàng ứng phó với thách thức, khó khăn, phải nỗ lực hết mình thì mới có thể đạt được mức tăng trưởng 9% (tốc độ tăng trưởng bình quân của Quảng Nam từ năm 2017 đến nay khoảng 9,2%). Đó là cột mốc lớn mà địa phương phải tìm mọi cách để đạt được và vượt qua.
Không kể đến sẽ còn nhiều khó khăn của sản xuất, kinh doanh chưa bộc lộ hết trong năm 2022 sẽ xuất hiện ở năm 2023 khi độ trễ của các cơ chế, chủ trương, chính sách, các luật ban hành năm 2023 sẽ tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp nên phải dự lường để điều hành nền kinh tế địa phương một cách tốt nhất.
Sẽ tập trung quy hoạch, không đầu tư dàn trải, thu hút đầu tư trọng điểm, chấn chỉnh, gỡ rối giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.