Trong quá trình phát triển, đô thị nào cũng đi lên từ làng hay các thị tứ, thị trấn buôn bán vốn trước đó cũng là làng, làng nghề, phường thợ… Sau 18 năm Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới (1999 - 2017), vấn đề đô thị phát triển hài hòa trong không gian truyền thống vẫn được đặt ra không những với chính quyền và người dân Hội An mà có lẽ còn là vấn đề chung của các đô thị.
Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh - Hội An). Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc từng nói đến đặc trưng “làng - phố” của Hội An rằng: “Ở Hội An, làng không chỉ để lại dấu vết trong phố, mà Hội An cho đến nay vẫn là “làng - phố”… Ở đây làng không phá vỡ văn hóa phố, không làm quê mùa, chi phối tiêu cực phong cách quản lý hiện đại cần có của thành phố, mà trái lại tạo nên một trong những nét đặc trưng và đặc sắc nhất của văn hóa Phố Hội: người phố thật thà, chất phác và tình nghĩa như người làng, từ xưa và đến tận bây giờ” (Một số vấn đề về văn hóa Hội An). Hội An trong những năm qua đã kiên định mục tiêu bảo tồn cảnh quan đô thị và làng xã truyền thống - nghĩa là vẫn giữ được cơ bản không gian văn hóa giữa phần phố và vùng nông thôn phụ cận. Không gian các làng nghề như làng nông - ngư Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế (Cẩm Hà), làng chài Phước Hải (Cửa Đại), làng gốm Nam Diêu (Thanh Hà), làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), làng nghề hến (Cẩm Nam), làng nông nghiệp An Mỹ (Cẩm Châu) đã được bảo lưu ở mức độ khá…
Thách thức đô thị hóa làm biến đổi cảnh quan nông thôn truyền thống theo hướng tiêu cực đang từng giờ, từng ngày gây áp lực cho công tác bảo tồn, nhất là không gian cảnh quan nông thôn luôn gắn với các kiến trúc như nhà ở, nhà thờ tộc, đình chùa, miếu mạo… Và, cùng với các kiến trúc, các không gian công cộng ấy là những di sản văn hóa tinh thần như tập tục thực hành văn hóa tín ngưỡng, lễ tục, lễ hội, các thú tiêu khiển, sinh hoạt tang ma, cưới hỏi, các thú ẩm thực… của người dân. Bên cạnh những thành công trong việc bảo tồn cảnh quan truyền thống, Hội An cũng đã “vơi cạn” đi nhiều “nếp nhà, nếp đất” nhất là cảnh quan các làng chài dọc biển An Bàng - Cửa Đại. Suốt một tuyến biển là chen chúc các kiến trúc hiện đại của các khách sạn, nhà hàng, resort, homestay với nhà ở, nhà thờ, lăng, miếu, chợ quê… Và việc bức bối nhất là cảnh quan của nhiều kiến trúc cổ bị xâm hại bởi những kiến trúc mới, hiện đại, như tình trạng đình Thanh Hà (Thanh Hà), các ngôi mộ cổ (Tân An), miếu Thần Nông, cảnh quan tự nhiên hồ Rau Muống (Cẩm Phô)…
Vài năm trước đây, chính quyền và giới kiến trúc có đề xuất với cộng đồng người dân ở xã Cẩm Thanh những mẫu nhà ở vừa thích ứng với thời tiết, thổ nhưỡng vừa thân thiện với môi trường trên cơ sở kế thừa những kiến trúc nhà ở tại địa phương như nhà mái lá dừa ba hay năm gian hai chái, phên vách đất hay phên đan thân dừa nước, nhà lá mái miền Trung (Lao Ré, Lao Chàm, Cẩm Thanh…). Xu hướng khai thác yếu tố văn hóa bản địa này là quá hữu lý nhưng không khả thi - vì theo người dân là không thực tế - trong quan niệm bền lâu của con người hiện đại khi mà đời sống kinh tế dần khá lên. Công trình “Nhà cộng đồng Cẩm Thanh” của Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 có thể nói là một điểm sáng vì đã “nghiên cứu không gian, chắt lọc các chi tiết đặc trưng của nhà truyền thống phố cổ Hội An… trong một công trình công cộng… Khách sẽ thích thú khi trực tiếp quan sát, cảm nhận sự tinh tế của kiến trúc bản địa khi ghé thăm công trình - một điểm dừng chân trên các tuyến du lịch” (KTS. Hoàng Thúc Hào - kientrucvietnam). Cẩm Thanh đang hướng đến xây dựng làng du lịch sinh thái - văn hóa với làng nghề Vạn Lăng, Võng Nhi…, rừng dừa Bảy Mẫu, các di tích văn hóa lịch sử… thì việc quy hoạch không gian cảnh quan cần tính đến các kiến trúc nhà ở, homestay, khu du lịch sinh thái, khu làng nghề dừa nước, nghề chài… về quy mô kiến trúc, kiểu thức kiến trúc, thiết kế kiến trúc, các không gian xanh, không gian mặt nước… sao cho hài hòa với cảnh quan di tích, cảnh quan môi trường sinh thái đặc thù.
Cần có những quy hoạch cụ thể cho những vùng không gian cụ thể trên cơ sở những kinh nghiệm, các cách tiếp cận đúng của các nước. Thiết kế các công trình mới trong không gian lịch sử cần thỏa mãn các tiêu chí về việc: phản ánh tốt những yếu tố địa lý và lịch sử của khu vực; có vị trí hài hòa với các hình thái kiến trúc và cảnh quan xung quanh; tôn trọng quy mô của các công trình lân cận, sử dụng vật liệu và phương pháp xây dựng có chất lượng tốt bằng hoặc hơn những công trình hiện hữu; tạo ra những hướng nhìn, những bố cục sắp xếp mới để bổ sung vào sự đa dạng và kết cấu của không gian chung.
Làm thế nào để phát triển đô thị hài hòa với không gian văn hóa lịch sử, một đô thị hiện đại giàu bản sắc văn hóa địa phương đang là vấn đề “nóng” của các đô thị, nhất là những đô thị di sản.
NAM DIÊU