Thách thức từ nước biển dâng

NAM VIỆT 14/10/2021 17:52

(QNO) - Trước thềm hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc diễn ra tại Scotland, báo cáo khoa học khí hậu của Climate Central cho biết, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng.  

Indonesia xây tường khổng lồ ngăn Jakarta chìm xuống biển. Ảnh: urbanisthanoi
Indonesia xây tường khổng lồ ngăn Jakarta chìm xuống biển. Ảnh: urbanisthanoi

Climate Central cảnh báo, nhiệt độ trái đang tăng, hành tinh đang nóng, gây ra nhiều hạn hán, lũ lụt chết người và băng tan chảy bất thường ở Bắc Cực khiến mực nước biển dâng cao và sẽ kéo dài trong nhiều thấp kỷ nếu thế giới không nhanh chóng hành động.

Trong đó, khoảng 50 thành phố ven biển lớn sẽ cần thực hiện các biện pháp thích ứng “chưa từng có" để ngăn nước biển dâng cao nuốt chửng các khu vực đông dân cư nhất của họ.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc vào tháng 8 vừa qua nêu rõ, thế giới đã ấm hơn khoảng 1,2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ nên duy trì ở mức dưới 1,5 độ - ngưỡng quan trọng để tránh những tác động nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Climate Central khẳng định, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu bắt đầu giảm xuống hôm nay và giảm xuống 0 ròng vào năm 2050, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ đạt đỉnh trên ngưỡng 1,5 độ C trước khi giảm xuống.

Còn trong các kịch bản kém lạc quan hơn, khi lượng khí thải tiếp tục tăng cao hơn năm 2050, hành tinh có thể đạt tới 3 độ C sớm nhất là vào những năm 2060 hoặc 2070 và mực nước ở các đại dương sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thập kỷ sau đó trước khi đạt đến mức đỉnh.

Giám đốc điều hành Climate Central, ông Benjamin Strauss nói: “Những lựa chọn hôm nay sẽ định hướng con đường của chúng ta".

Báo cáo cho biết các quốc đảo nhỏ có nguy cơ "gần như mất toàn bộ" vùng đất và 8 trong số 10 khu vực hàng đầu chịu tác động nước biển dâng là ở châu Á, với khoảng 600 triệu người bị ngập lụt theo kịch bản ấm lên 3 độ C.

Khi đó trên toàn cầu, dòng triều cường có thể xâm lấn vùng đất nơi có hơn 800 triệu người sinh sống. Ngay cả khi nhiệt độ trái đất được giới hạn ở mức 1,5 độ C, mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến vùng đất có 510 triệu người hiện nay.

Theo phân tích của Climate Central, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia nằm trong top 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng trong dài hạn.

Nhiều thành phố sẽ chìm dưới nước nếu Trái đất nóng lên 3°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. (Ảnh: Climate Central)
Nhiều thành phố sẽ chìm dưới nước nếu trái đất nóng lên 3°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Ảnh: Climate Central

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển tốn kém chi phí. Các quốc gia giàu có như Mỹ và Vương quốc Anh có thể chi trả các biện pháp này, nhưng các quốc gia thu nhập thấp có thể bị bỏ lại phía sau.

Trong khi nhiều quốc đảo nhỏ được bao quanh bởi rừng ngập mặn và rạn san hô có thể bảo vệ vùng đất của họ khỏi nước biển dâng, nhiệt độ ấm lên đang gây ra axít hóa đại dương và các hình thức hủy hoại môi trường khác đe dọa các biện pháp phòng vệ như vậy.

Ngày 13.10, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, ADB tham vọng nâng mức tài trợ cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của các thành viên là quốc gia đang phát triển lên tới 100 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2030. Theo đó, các dự án tài trợ của ADB bao gồm: lưu trữ năng lượng, tiết kiệm năng lượng và giao thông phát thải thấp, mở rộng quy mô các dự án thích ứng có điều chỉnh, gia tăng tài trợ khí hậu trong các hoạt động ở khu vực tư nhân của ADB, hỗ trợ công cuộc phục hồi xanh, thích ứng và bao trùm sau đại dịch Covid-19...
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thách thức từ nước biển dâng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO