(QNO) - Ngày mai 1.11, trung tâm chống tin giả (fake news) của Thái Lan chính thức đi vào hoạt động.
Tin tức giả mạo hiện lan truyền nhanh chóng với tính chất nguy hiểm trên internet, đặc biệt từ các mạng xã hội có quy mô toàn cầu.
Bộ trưởng Kinh tế số và xã hội của Thái Lan Buddhipongse Punnakanta nói: “Mỗi quốc gia phải đối mặt với vấn đề tin tức giả, đặc biệt là tại Thái - nơi gần 80% tin, bài viết đăng trên mạng xã hội hoặc trực tuyến là sai hoặc gây hiểu lầm”.
Cũng theo Bộ trưởng Buddhipongse Punnakanta, ngày nay, ai cũng có thể trở thành nhà báo. Bất kỳ thứ gì cũng được đăng tải lên và chia sẻ, người Thái cũng thích chia sẻ thông tin. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề tin giả, tác động và hệ lụy xã hội mà nó tạo ra.
Trong khi đó, bất kỳ ai cũng có thể truy cập thông tin một cách dễ dàng trong thời đại truyền thông xã hội, nhưng không phải ai cũng kiểm tra cẩn thận các nguồn thông tin họ nhận được trên internet có đáng tin cậy hay không.
Đến nay, Thái Lan là một trong những quốc gia mạnh tay trong cuộc chiến chống tin giả. Trung tâm chống tin giả đầu tiên của Thái Lan được thành lập và đi vào hoạt động, trụ sở tại Băng Cốc nhằm xác minh những thông tin các bài viết lan truyền trên mạng xã hội, trực tuyến.
Theo đó, nhân viên của bộ, nhân viên các doanh nghiệp nhà nước, các nhóm dân sự, trường đại học và Hội Nhà báo Thái Lan sẽ cùng quản lý trung tâm chống tin giả này. Các nhân viên sẽ khoanh vùng các thông tin nghi là giả, sau đó kiểm chứng và công bố thông tin đúng cho công chúng thông qua một trang web mới và trên các ứng dụng trực tuyến như mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện Line.
Tại Thái Lan, các tin giả mạo chủ yếu tập trung các bài viết về các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, hàng hóa buôn bán lậu đến chính sách của chính phủ, thảm họa thiên tai, kinh tế kỹ thuật số và trật tự xã hội. Nếu như bị phát hiện phát tán tin giả, gây hoang mang dư luận, thủ phạm sẽ đối mặt với 5 năm tù giam.
Theo Reuters, Thái Lan mới đây cũng đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm chống tin giả tại 10 quốc gia thành viên ASEAN và đã được Hội đồng các nhà quản lý viễn thông ASEAN chấp nhận. Các hướng dẫn thực hiện đề xuất có thể được chính thức đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 tại Thái Lan.
Vấn đề tin tức giả đã trở thành mối quan tâm lớn ở một số quốc gia Đông Nam Á. Luật chống tin giả ở Singapore bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2.10 vừa qua. Theo đó, các công ty truyền thông trực tuyến phải gỡ bỏ hoặc đính chính nội dung mà nhà chức trách xác định là bịa đặt, sai trái. Những cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000USD) hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai. Mức phạt đối với doanh nghiệp có thể lên tới 1 triệu SGD.