(QNO) - Đầu tuần này, Chính phủ Thái Lan chính thức thông qua việc cấm sử dụng ba loại hóa chất nông nghiệp độc hại từng gây nhiều tranh cãi.
Sau khi thuê người hàng xóm phun hóa chất cực mạnh để trừ sâu trên cánh đồng lúa của mình, ông Somkid Sukchai (70 tuổi) ở tỉnh Nong Bua Lamphu thuộc miền đông bắc Thái Lan tiếp tục tiến hành hoàn tất các công việc của mình ở đó.
Somkid Sukchai bắt đầu phát hiện những vết nứt nhỏ trên đôi chân của mình, rất đau rát. Ngay sau đó, ông bị sốt cao trong khi đôi chân sừng vù. Somkid Sukchai kể lại: “Ngày đi khám bác sĩ, tôi đã nôn ra rất nhiều máu”.
Các bác sĩ cho biết, Somkid Sukchai bị nhiễm trùng nặng và được cho đã tiếp xúc với paraquat, một trong những loại thuốc diệt cỏ nông nghiệp độc hại nhưng được nông dân khắp Thái Lan sử dụng từ rất nhiều năm qua. Các bác sĩ đang phải chiến đấu để cứu đôi chân của ông Somkid Sukchai khỏi bị viêm nhiễm mà họ gọi là một loại bệnh ăn thịt.
Với việc sử dụng hóa chất nông nghiệp ngày càng tăng, không những tác động nhanh đến môi trường khi chúng thấm vào đất, nguồn nước mà các vấn đề sức khỏe thực sự đã xảy ra khi tiếp xúc với hóa chất hoặc liên quan đến chất lượng thực phẩm.
Tại Thái Lan, ngoài lúa thì những người trồng ngô, mía, cao su và sắn phụ thuộc nhiều nhất vào hóa chất nông nghiệp như thuốc diệt cỏ để hỗ trợ sản xuất của họ.
Tiến sĩ Puangrat Kajitvichyanukul - giáo sư kỹ thuật hóa học tại Đại học Naresuan (Thái Lan) đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về sự tích tụ hóa chất trong môi trường. Tại tỉnh Nong Bua Lamphu năm 2018, nồng độ paraquat trong các hồ chứa và các nguồn cung cấp nước khác được phát hiện là cực kỳ nguy hiểm. Nước máy ở 25 cộng đồng khác nhau đã bị phát hiện nhiễm paraquat.
Puangrat Kajitvichyanukul nói: “Chúng tôi tìm thấy nồng độ hóa chất rất lớn trên sông ở hầu hết mọi nơi trong Nong Bua Lamphu. Điều đó đã làm ô nhiễm đất và cả rau, củ. Chúng tôi cũng tìm thấy nồng độ cao của paraquat trong cá… Nếu mọi người tiếp xúc với nước, họ sẽ bị bỏng da và nhiều vấn đề sức khỏe khác”.
Theo Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan, hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp đã khiến ít nhất 1.715 người chết trong ba năm qua, 600 trong số đó được cho là trực tiếp do thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và thuốc diệt cỏ. Ngoài ra, khoảng 5.000 người cần điều trị tại bệnh viện.
Paraquat đã bị cấm ở 53 quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Việt Nam.
Sau nhiều tranh cãi, Chính phủ Thái Lan đang tiến hành các thủ tục và cam kết sẽ chính thức cấm 3 loại hóa chất nông nghiệp độc hại bao gồm hai loại thuốc diệt cỏ paraquat và glyphosate; chlorpyrifos (được nông dân sử dụng để diệt các loài gây hại như côn trùng, ve và sâu) từ ngày 1.12 năm nay vì đã có bằng chứng khoa học cho thấy ba loại hóa chất này nhiễm vào nông sản Thái Lan ở các mức độ không an toàn.
Kể từ mốc thời gian trên, việc sở hữu, bán, nhập khẩu hoặc sản xuất ba loạt hóa chất trên sẽ là bất hợp pháp tại quốc gia Đông Nam Á này.