Thai Xuyên Trần Quý Cáp lên kịch...

LÊ QUÂN – NGỌC KẾT 03/09/2016 09:12

Được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung biểu diễn tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, vở dân ca kịch Thai Xuyên Trần Quý Cáp của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã đi một bước dài để đến với nghệ thuật đỉnh cao…

Lần đầu dựng vở lịch sử

Ông Huỳnh Ngọc Lệ, Trưởng đoàn Ca kịch tỉnh chia sẻ, để có được một vở diễn lịch sử, công phu từ bối cảnh, phục trang cho đến những tình tiết nhỏ nhất, đoàn đã phải tập trung luyện tập cao độ nhất có thể. Với lịch sử, nhất là những nhân vật vang danh sử sách như Trần Quý Cáp, đòi hỏi phải có độ chính xác nhất định. Và những kỹ càng từ tiểu tiết đã mang lại thành công cho một vở diễn dày dặn cả về nội dung lẫn nghệ thuật.

Vở dân ca kịch “Thai Xuyên Trần Quý Cáp”. Ảnh: L.Q
Vở dân ca kịch “Thai Xuyên Trần Quý Cáp”. Ảnh: L.Q

Xây dựng vở kịch theo tuyến tính thời gian, sự khẳng khái của một cốt cách Quảng Nam Trần Quý Cáp trước nợ nước và tình nhà được xây dựng trên sân khấu đã phần nào làm sống lại một thời đầy oanh liệt của những con người Quảng Nam nghĩa khí. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu, chấp nhận hy sinh vì độc lập dân tộc. “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” - xoay quanh năm nhân vật chính: Trần Quý Cáp (Quang Việt đóng), mẹ Trần Quý Cáp (Thu Hiến) và vợ (Thu Uyên), Án sát Khánh Hòa Phạm Ngọc Quát (Hùng Nhật) và quan công sứ Pháp Breda với những tình tiết bám sát theo dòng chảy lịch sử cũng như số phận nhân vật. Cùng với tuyến nhân vật chính xuyên suốt, vở diễn thành công bởi có sự kết hợp ăn ý từ các vai diễn quần chúng, các lớp diễn phụ phủ thêm nhiều màu sắc cho một vở chính kịch.

Với khai từ là cảnh pháp trường bên bờ sông cùng tiếng chiêng, trống vọng lại đầy mãnh lực. Hai hàng lính tay cầm giáo dài trấn giữ pháp trường. Án sát Khánh Hòa - Phạm Ngọc Quát bước lên giữa sân khấu. Phía sau Quát là Công sứ Brêđa... Trần Quý Cáp, cổ mang gông lớn, đứng trên đài “Thọ hình”. Và với ánh mắt sắc lẹm nhìn thẳng trời xanh, Trần Quý Cáp đọc vang 4 câu thơ như một lời nhắn nhủ: “Ai mà sợ chết, chết như chơi/ Trung hiếu với dân – nước một đời / Thà được chết trong hơn sống đục/ Nghĩa tình gửi lại luống đầy vơi”. Trong tiếng trống dồn, tên đao phủ múa khai đao. Một ánh chớp loé lên khi đao phủ lia lưỡi đao qua thắt lưng Trần Quý Cáp trong tiếng thét của chúng dân…  Đao phủ chống thanh đao, quỳ sụp dưới chân Trần Quý Cáp... Bóng Trần Quý Cáp lồng lộng, uy nghi trên nền trời giữa niềm tiếc thương thành kính.

Một số cảnh trong vở diễn.
Một số cảnh trong vở diễn.

Và câu chuyện, từ đây mới ngược dòng kể lại lớp lang. Vì sao Trần Quý Cáp bị hành quyết? Phải chăng, từ cái chết này, một lời hiệu triệu yêu nước trước bao nhiêu ách lầm than mới bắt đầu khởi lên? Và hãy xem, biên kịch lẫn đạo diễn sẽ dẫn dắt người xem quay ngược lại không gian lịch sử để cùng nhận chân về một khí phách Quảng Nam. Những dụng ý nghệ thuật được phô diễn, nhằm làm bật lên một tinh thần yêu nước bất diệt, một tính cách Quảng chưa từng biết đến sự khuất phục. Một vở chính kịch bao hàm đủ đầy các yếu tố để làm nên một vở diễn hay, có hùng tráng, có sự lãng mạn dầu chỉ vài xen (scence - cảnh, phông trên sân khấu) để diễn tả cho nghĩa tình vợ chồng, hay có những đau đáu tồn vong của một người thanh niên lo cho vận nước nhà, có giọt nước mắt khi chưa vẹn chữ hiếu…

Chỉn chu từ tiểu tiết

Lần đầu tiên mạnh dạn chọn một vở diễn về một nhân vật lịch sử nổi tiếng và “liều lĩnh” giao trọng trách cho lớp diễn viên trẻ thể hiện, Đoàn ca kịch Quảng Nam đã bắt đầu biết cách làm mới hình ảnh mình với người xem. Không chỉ cứ “kép chánh” là Từ Minh Hiệp, Ngọc Thủy… Bây giờ, người xem được nghe, được nhìn những gương mặt mới, thanh sắc tươi tắn hơn nhưng lớp diễn vẫn đảm bảo sự dày công. Là Quang Việt được tin tưởng giao vai diễn Trần Quý Cáp, với những khó khăn từ việc tìm hiểu nhân vật qua tài liệu sách vở và phim ảnh cũng như luyện tập hành động, tuyến diễn, lời thoại, lời hát… trên sân khấu sao cho tới độ đĩnh đạc của một phong thái Trần Quý Cáp - một con người xứ Quảng hiên ngang trước bạo tàn mà cũng đong đầy tình yêu thương với gia đình, đồng môn, học trò và bao kiếp người phải sống trong cảnh một cổ hai tròng. Hùng Nhật - một diễn viên khá hợp và có duyên với các vai phản diện trong bộ áo quan án sát Phạm Ngọc Quát, hay với Thu Uyên trong vai vợ Trần Quý Cáp - một mẫu người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến chịu thương, chịu khó hết mực yêu chồng, thương con chăm lo gia đình… Và còn nhiều lớp diễn khác đã được bày ra trước người xem bằng một cách dàn dựng có dụng ý và đầy tính hình tượng…

Bên cạnh đó, chọn lựa những tinh túy của vùng đất đã được xác lập tự trong lịch sử để giới thiệu với công chúng cả nước ở một cuộc thi chuyên nghiệp, là bước đi khá vững vàng để khẳng định chính mình. Bởi lẽ, tự trong bản thân câu chuyện đã có thể kéo khán giả đến rạp. Huống gì, đây là một vở diễn được đầu tư và xử lý công phu, trong tất cả mọi khâu. Ông Huỳnh Ngọc Lệ nói, lần đầu tiên làm vở về lịch sử của giai đoạn đấu tranh của thời kỳ đầu, đồng thời lại chỉ tập trung vào một nhân vật có tiếng tăm, đòi hỏi cần phải có sự đầu tư chỉn chu. Kịch bản từ nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức, trên nền những dữ liệu lịch sử đã có, làm sao để chuyển tải từ những thông tin này sang dân ca kịch bài chòi, buộc phải khắt khe đến từng con chữ trong mỗi giai điệu, mỗi lời thoại.  “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” là kịch bản sân khấu tôi dành nhiều tâm huyết để xây dựng, với mong muốn bày tỏ tấm lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc với tiền nhân và cũng là muốn gửi đến người xem một thông điệp về lòng yêu nước, về ý chí quật cường của người Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào” - nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ.

Và một người đạo diễn “mát tay” với các vở sân khấu mang đậm tính lịch sử, Triệu Trung Kiên được Đoàn Ca kịch Quảng Nam mời về dàn dựng vở. Để chuyển tải đến người xem thời gian và không gian lịch sử của vở diễn cũng như những hoạt động, lề lối cuộc sống của con người thời bấy giờ… đạo diễn Triệu Trung Kiên đã phải tốn rất nhiều công sức để tái hiện trên sân khấu bằng trang phục, đạo cụ, bằng cách ứng xử qua lời ăn, tiếng nói của các nhân vật. Từ những đầu tư kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ, “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” được khán giả cũng như Hội đồng nghệ thuật tại Cuộc thi nghệ thuật  sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc đánh giá rất cao. Câu chuyện lịch sử gắn liền với vùng đất Quảng Nam nhưng cũng là một tên tuổi quen với người dân khắp cả nước, nên việc khán giả đón nhận Thai Xuyên Trần Quý Cáp như một vở diễn “ruột rà” là điều dễ hiểu. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng, Thai Xuyên Trần Quý Cáp là một trong những vở về chủ đề lịch sử được đầu tư khá kỹ từ khâu kịch bản, đạo diễn, âm thanh, trang phục, diễn xuất… để xứng đáng là vở diễn sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao.

Một tượng đài nghệ thuật được dựng nên từ lịch sử với tên tuổi và một cốt cách như chí sĩ Trần Quý Cáp, hy vọng sẽ là bước đi đầu tiên để nghệ thuật truyền thống ở Quảng Nam, cụ thể là dân ca kịch, có đủ niềm tin để đi những bước dài hơi trong việc dựng lại và tôn vinh các nhân vật lịch sử, bằng chính loại hình nghệ thuật của mình.

LÊ QUÂN – NGỌC KẾT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thai Xuyên Trần Quý Cáp lên kịch...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO