Những năm tháng ở điền trang núi Ông Sầm, các cậu tôi (cậu ba Tài, cậu Năm Phùng, cậu Sáu Trí) thường tổ chức săn bắn. Nhà ngoại luôn có vài khẩu súng săn cùng những chú chó săn tinh khôn, các cậu thường tổ chức những cuộc săn heo rừng, nai, sơn dương… Cậu Năm kể, ngày xưa thú rừng ở vùng núi Ông Sầm nhiều vô kể, nhất là heo rừng, nên ngoài nguồn thực phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú rừng đã cung cấp một lượng thức ăn tươi khá lớn cho gia đình. Cậu nhớ, bấy giờ nhà ngoại có một con chó săn rất thiện nghệ, cả nhà ai cũng quý. Dường như ngày nào khi ra khỏi nhà nó cũng bắt được chồn hay cheo tha về. Cuộc săn nào mà nó “xuất chinh” đều đem lại thắng lợi. Thời gian ở “chiến khu” tuy ngắn ngủi, nhưng qua câu chuyện của các cậu và dì, tôi nghĩ nó đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong cuộc đời của mỗi người.
|
Khu vực núi Ông Sầm hôm nay. Ảnh: B.Q.V |
Trong một tài liệu lịch sử của huyện Núi Thành (giai đoạn 1930 - 1945) có nhắc đến các tổ chức chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở địa phương. Lúc bấy giờ, trước yêu cầu của phong trào cách mạng, ngày 15.8.1933 Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam quyết định thành lập Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ tại rừng Định Phước (Tam Nghĩa) và cử đồng chí Phan Truy (tức Phan Châu, ông ngoại tôi) làm Bí thư. Sau đó vài năm chuyển giao chức Bí thư cho đồng chí Nguyễn Phùng (sau bị địch bắt và hy sinh trong nhà tù thực dân, được truy phong liệt sĩ). Qua nhiều thế hệ khác, đến tháng 11.1939 đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công) làm Bí thư… Trong trí nhớ của các cậu tôi, lúc bấy giờ ông ngoại tôi thường có quan hệ và hoạt động cùng với ông Nguyễn Phùng và Võ Toàn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông ngoại tôi được cử giữ chức Chủ tịch tổng Đào Hoa, phủ Tam Kỳ, quản lý 7 xã với gần vạn dân. Phong trào kháng chiến ở địa phương những năm đầu phát triển khá mạnh; các đội vũ trang được huấn luyện chu đáo, luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Ông ngoại tôi cử người con đầu là cậu hai Kính, giỏi võ thuật, bổ sung vào lãnh đạo thanh niên địa phương và chuyên đi huấn luyện cho đội du kích các xã về kỹ thuật sử dụng vũ khí tự tạo như đao, kiếm, côn quyền… Các đội du kích này một thời đã khiến kẻ thù phải e ngại.
Khi Pháp trở lại Đông Dương lần thứ hai, chúng đã thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng và những người yêu nước ở Việt Nam. Nhiều nhà hoạt động cách mạng và các chiến sĩ cộng sản lần lượt rơi vào tay địch, bị chúng bắt cầm tù, trong đó có ông ngoại tôi. Ra tù chưa được bao lâu thì gia đình ông ngoại bị vạ lây bởi cơn lốc cải cách ruộng đất sai lầm, bị quy thành phần địa chủ nên mọi quyền lợi bị tước đoạt khiến ông lao đao một thời. Khi Đảng ta chủ trương sửa sai trong cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi trở về làng Vân Trai làm thuốc cứu người, không màng đến thế sự nữa.
May mắn thay, khi tôi đi học tiểu học, ông ngoại vẫn còn sống. Năm ấy ông tôi độ ngoài sáu mươi; bấy giờ dì bảy Loan đến cậu Tám, dì út Chinh đều chưa lập gia đình. Những ngày giỗ kỵ hay ngày hè tôi hay đòi mẹ cho về thăm ngoại. Hình ảnh ông ngoại trong tôi là một người hiền lành, ít nói, thương yêu con cháu. Mỗi sáng sớm, ông thường dậy sớm đun nước pha trà, ngồi nghiên cứu sách thuốc. Hồi nhỏ tôi hay đau ốm; mỗi lần sốt li bì mẹ tôi thường nhắn lời mời ông ngoại lên thăm bệnh. Nằm trong nhà khi nghe tiếng xe đạp của ông vừa đến là lòng tôi mừng rơn, cảm thấy người nhẹ đi phần nào vì ông là thầy thuốc có uy tín, chữa bệnh có tiếng ở địa phương. Khi thì ông châm cứu, khi bắt mạch kê toa để mẹ đi cắt thuốc và lần nào tôi cũng nhớ, chỉ cần uống vài thang thuốc của ông là khỏi hẳn, có thể chạy nhảy, đánh đáo, bắn bi cùng lũ bạn hàng xóm. Mỗi lần về ngoại, tôi hay đùa nghịch nhưng chưa bị ông la rầy bao giờ. Các cậu, dì dù người có gia đình hay còn độc thân, tôi thấy ai cũng kính trọng và có vẻ sợ “cái oai” ngoại dù ông chưa to tiếng bao giờ. Khi ông ngã bệnh, lúc này tôi đã có chút trí khôn, mẹ tôi thường xuyên đưa về thăm ông. Mẹ tôi nói, ông bị khối u trong não khó qua khỏi. Cả nhà lo chạy chữa cho ông hết đông y rồi tây y nhưng đành bất lực, ngồi nhìn bệnh tình ông ngày thêm trầm trọng. Tôi nhớ, bấy giờ quân đội Mỹ đã có mặt ở miền Nam Việt Nam. Sau đó ít lâu, ông hôn mê sâu và ra đi trong sự xót thương của con cháu gia đình và bà con thôn xóm.
Đời người như “bóng câu qua cửa sổ”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông ngoại tôi dường như cả vùng Tam Hiệp - Núi Thành hiện nay không mấy ai còn nhớ. Thế hệ của ông giờ đã thành người thiên cổ. Có chăng cũng chỉ còn lại đôi dòng trong những cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương như những hạt bụi thời gian còn sót lại. Thậm chí cái tên Phan Truy mà ông tôi lấy làm bí danh để hoạt động, nhiều người đương thời vẫn không biết được đó là ai. Ngay cả, người thân trong gia đình cũng chỉ biết đó là tên tộc người cha của ông ngoại tôi. Sau này, ông bà Phan Thêm - Trần Thị Nguyên đều là cán bộ lão thành cách mạng (ông Phan Thêm, nguyên Đặc phái viên Xứ ủy Trung Kỳ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Gia Lai, trước đây có tên là Phan Khắc, có mối quan hệ anh em chú bác và hoạt động cách mạng sau ông ngoại tôi), trong giấy xác nhận cán bộ tiền khởi nghĩa cũng chỉ nhớ được rằng: sau khi ra tù, đồng chí Phan Châu (giáo Kính) cùng vợ chồng tôi rủ nhau bán ruộng lên núi Ông Sầm vỡ đất làm vườn, trồng cây, lấy cớ đi làm ăn để tiếp tục hoạt động cách mạng…
Con về thắp nén hương vái ngoại mà nghe lòng đắng chát. Điều gì có thể làm cho ông, con cháu đã làm với tất cả lòng thành kính. Và con, trong buổi sáng mưa dầm trên chiến khu xưa, viết vội câu thơ để nhớ về ông ngoại: “Con về thăm chiến khu xưa/ Núi non mờ khuất trong mưa xuân tàn/ Bóng người ẩn hiện lên ngàn/ Ngựa phi trong gió lá vàng cuốn chân/ Người đi không chút bâng khuâng/ Không đeo công trạng tuần du cõi hiền/ Cuộc đời như gió qua hiên/ Mới hay người khuất không phiền thế nhân”.
BÙI QUANG VINH