Quảng Nam hiện đứng vị thứ trung bình trong cả nước về tỷ lệ đô thị hóa. Tuy nhiên với tầm nhìn quy hoạch không xa nữa, tốc độ đô thị hóa sẽ tiến triển nhanh, nhất là vùng Đông sẽ hình thành nhiều đô thị mới.
Thêm nữa, các đô thị hiện hữu cũng có nhu cầu mở rộng. Chẳng hạn với Tam Kỳ, trong chuyến làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây tỉnh đã “đề nghị Trung ương cho chủ trương thực hiện sáp nhập một số đơn vị cấp huyện liên vùng với thành phố Tam Kỳ để xây dựng đô thị Tam Kỳ đảm bảo tiêu chí theo quy định”.
Các chuyên gia dự báo đến năm 2030, Việt Nam có 50 triệu người sống ở đô thị, tỷ lệ đô thị hóa sẽ chiếm 50%. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, đồng nghĩa là sẽ thu hẹp dần diện tích đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp.
Không riêng Quảng Nam mà nhiều nơi trong nước cũng sẽ giải quyết bài toán này. Nghĩa là phải giải đáp câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu ra: “Đất đai ngày càng hạn hẹp, vậy 5 năm nữa ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa vào cái gì?”.
Về nhận thức chung, nhiều người đã thấy rằng nông nghiệp muốn tăng trưởng phải dựa trên nền tảng nâng cao giá trị thông qua chuyển đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Nhưng cụ thể mô hình phát triển như thế nào sẽ khó bàn trong một bài báo. Vậy nên ở đây chỉ đề cập việc tham chiếu mô hình nông nghiệp đô thị gắn với vấn đề đã nêu.
Các tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa cao hẳn sẽ phải làm nông nghiệp đô thị. Mô hình được nhiều người đồng tình là nên áp dụng theo cách làm nông nghiệp đô thị như các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).
Đặc điểm của mô hình này là nông thôn thành thị vẫn còn khoảng cách nhưng khó phân biệt rạch ròi, nông trại khoảng 2 - 10ha, hiện đại hóa ở mức cao. Ở đó, lực lượng tổ chức sản xuất thương mại chủ yếu là tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Muốn phát triển nông nghiệp đô thị phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại. Trong đó, về canh tác, ngoài phương thức truyền thống là thổ canh, cần nghiên cứu các cách thức mới như khí canh, thủy canh, canh tác thẳng đứng, canh tác treo, canh tác mật độ cao, trang trại thành phố, vườn sinh thái cộng đồng, công viên rừng, sản xuất giống sạch bệnh, không hạt, vi ghép, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng…
Những loại hình canh tác mới ít chiếm diện tích đất, cũng không phải đùa rằng “sản xuất nông nghiệp không cần đất” mà đó là cách làm thật với việc ứng dụng công nghệ mới.
Trong khi vùng Tây Quảng Nam còn khá lớn diện tích để phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp dược liệu, các trang trại vườn rừng, thì vùng Đông với các đô thị đã và sẽ hình thành cần sớm nghiên cứu mô hình nông nghiệp đô thị.
Ở các đô thị cũng phải tổ chức các trung tâm mạng lưới dịch vụ để tiêu thụ nông sản, với chuỗi cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản (kể cả sàn thương mại điện tử nữa).
Và Quảng Nam cần phát triển cho tương xứng với bối cảnh các đô thị Việt Nam đang phát triển. Bởi hiện nay, cả nước có khoảng 1.000 siêu thị, gần 200 trung tâm thương mại các loại và hàng chục nghìn chợ đầu mối, làm đầu tàu tiêu thụ hàng hóa.
Việc xuất khẩu nông sản chủ yếu chuyển qua đô thị, cảng, trung tâm thương mại để chế biến, đóng gói, kiểm soát chất lượng, xếp dỡ container, kho bãi, logistics… Và Quảng Nam có lợi thế khi những năm gần đây cảng Chu Lai - Trường Hải đã bước đầu đảm nhận vai trò đầu tàu xuất khẩu nông sản cho một số doanh nghiệp.
Càng sớm tham chiếu mô hình phát triển nông nghiệp đô thị càng tận dụng được lợi thế “vùng đất mở”.