Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều qua 13.11, Quốc hội thảo luận về kết quả rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện. Theo báo cáo của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6, sau khi rà soát, Chính phủ đã loại bỏ khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án và tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 24.334MW; đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, cả nước đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792ha. Đến nay diện tích rừng trồng thay thế được 735ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Trần Xuân Vinh tham gia thảo luận tại hội trường. Ảnh: NHO TUẤN |
Tham gia thảo luận tại hội trường về kết quả rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện, đại biểu Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam cho rằng, việc xây dựng, phát triển các công trình thủy điện phải đảm bảo được 3 yêu cầu về kinh tế - môi trường - xã hội, nhưng thời gian qua các chủ đầu tư thủy điện quá chú trọng đến lợi ích kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường và xã hội. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước lại quá dễ dãi trong công tác phê duyệt, thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện. Dẫn chứng cho sự dễ dãi này, đại biểu Trần Xuân Vinh chỉ ra rằng: dung tích phòng lũ của các công trình thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn chỉ bằng 1/10 so với quy hoạch được duyệt, hay như các báo cáo đánh giá tác động môi trường có biểu hiện sao chép… nhưng vẫn được thẩm định, phê duyệt đầu tư. Do vậy, đại biểu Vinh đề nghị bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thẩm định, phê duyệt các công trình thủy điện.
NHO TUẤN