Hàng loạt công cụ pháp lý đưa ra cũng như các địa phương dành nguồn lực không nhỏ cho công tác bảo vệ, truy quét đối tượng xâm hại tài nguyên nhưng nhiều nơi tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn tái diễn.
Khai thác vàng cày nát sông suối, rừng tự nhiên ở địa bàn Nam Giang trước đây. Ảnh: TRẦN HỮU |
Lơ là với giới thổ phỉ
Ở miền núi, nơi được tăm vàng (vừa thăm dò vừa khai thác) nhiều nhất thường nằm ở vùng giáp ranh. Nhiều năm nay, lực lượng chức năng địa phương gần như không khó khi xác định địa chỉ “vàng tặc” đóng quân. Gần đây, nổi lên điểm nóng giáp ranh giữa xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My) với xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước). Lần nào ra quân truy quét, Tổ kiểm tra liên ngành của huyện Bắc Trà My cũng đều tháo dỡ, phá hủy máy móc, dụng cụ phục vụ cho khai thác vàng. Vào đầu tháng 7.2018, Tổ kiểm tra liên ngành huyện phối hợp với UBND các xã Trà Giáp, Trà Ka bất ngờ phục kích đối tượng tăm vàng tại khu vực bãi vàng Chóp Nón (thôn 2, xã Trà Giác). Tại đây, có 1 điểm khai thác khoáng sản vàng gốc trái phép với 3 lán trại, 2 máy nổ và máy xay đá, 500m dây dẫn nước và một số dụng cụ khác dùng vào mục đích rửa, tuyển quặng vàng. Theo nhận định của Tổ công tác liên ngành, hiện trường cho thấy đối tượng chỉ mới vận chuyển máy móc vào khu vực trên, chưa tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác thì đã bị phát hiện.
Khai thác vàng để lại nhiều hệ lụy Khai thác vàng được xem là hoạt động nguy hiểm nhất trong nghề khai thác mỏ. Theo thống kê, 5 năm gần đây tại các hầm vàng ở Quảng Nam có 27 người chết, nhưng đây chỉ là con số bề nổi. Thực tế có bao nhiêu người chết thì khó thống kê được bởi sự việc xảy ra trong rừng sâu núi thẳm, nhiều khi chủ hầm vàng thương lượng giải quyết với gia đình. Không chỉ vậy, hoạt động khai thác vàng còn để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Các bãi vàng gốc được cấp phép cũng như không phép có một điểm giống nhau là sử dụng hóa chất kịch độc cyanua, thủy ngân để lắng vàng. Điều này khiến những con sông, dòng suối đầu nguồn nước ô nhiễm trầm trọng, đe dọa đến sức khỏe người dân. Theo Sở TN&MT, đến tháng 8.2018, trên địa bàn tỉnh có 144 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó có 7 giấy phép do Bộ TN&MT cấp; 137 giấy phép do UBND tỉnh cấp (chủ yếu khoáng sản vàng gốc, đất sét, đất san lấp, đá, cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Đến nay, chỉ có huyện Phước Sơn, Nam Trà My và Thăng Bình tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản đá và đất san lấp ở 3 khu vực. |
“Đại bản doanh” vàng tặc suốt thời gian qua nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, đoạn qua khu vực Đắc Pring, Đắc Pre, Khe Lào (huyện Nam Giang). Nóng nhất là khu vực vành đai biên giới thuộc 2 xã Chà Vàl và La Êê (Nam Giang) giáp với Lào. Vì lơ là trong quản lý mà nhiều cán bộ xã nơi đây bị kỷ luật. Cuối tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang đã thống nhất kỷ luật Đảng đối với nhiều cán bộ của 2 xã Chà Vàl và xã La Êê do để xảy ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép và mất rừng. Cụ thể, kỷ luật bằng hình thức khiển trách về mặt Đảng đối với ông A Viết Sơn - Bí thư Đảng ủy xã La Êê; ông Đặng Đình Xuân Huấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã La Êê. Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Zơ Râm Huấn - Chủ tịch UBND xã La Êê, do thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, để xảy ra tận thu vàng trái phép. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang cũng thống nhất kỷ luật ông Hiên Dơnh - Bí thư Đảng ủy xã Chà Vàl, ông Blup Nghê - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chà Vàl bằng các hình thức khiển trách về mặt Đảng. Điều đáng nói, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh ban hành ít nhất 5 công văn yêu cầu chính quyền cấp huyện, xã nghiêm cấm nạn khai thác vàng trái phép nhưng thực tế một số nơi núi rừng vẫn chưa một ngày bình yên.
Có nên cấp phép trong rừng tự nhiên?
Ngoài khu vực khoáng sản nằm tập trung, trữ lượng lớn thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT, thì với khoáng sản phân tán nhỏ lẻ thuộc quyền quản lý của tỉnh. Trước nạn khai thác trái phép hoành hành, gây thất thoát tài nguyên, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp tăm vàng. Đầu năm nay, UBND tỉnh ký 3 quyết định cho phép Công ty TNHH MTV Phước Hưng và Công ty TNHH Phước Minh khai thác vàng tại nhiều khu vực ở Phước Sơn. Cụ thể, cho phép Công ty TNHH MTV Phước Hưng khai thác vàng gốc và thu hồi đất, cho thuê đất tại khu vực khe 39 (xã Phước Hòa) với diện tích 6,6ha, thời gian thuê đất 7 năm. Công ty này cũng được phép khai thác vàng gốc và thu hồi đất, cho thuê đất tại bãi 45 (thôn 4, xã Phước Đức). Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Phước Hưng được phép khai thác vàng bằng phương pháp hầm lò và thuê 7,89ha đất. “Mẫu số chung” của các khu vực cấp phép trên là trước đây nổi tiếng bởi tình trạng khai thác trái phép, tranh giành lãnh địa.
Khó giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép ở Tam Lãnh (Phú Ninh). |
Theo thống kê của Sở TN&MT, đến nay có ít nhất 20 khu vực được phê duyệt thăm dò, khai thác khoáng sản nằm trong rừng tự nhiên, do Bộ TN&MT và UBND tỉnh cấp. Đáng chú ý, hàng chục ki lô mét vuông có trạng thái rừng tự nhiên được phê duyệt dưới danh nghĩa lập đề án điều tra đánh giá khoáng sản. Chẳng hạn, năm 2017, Bộ TN&MT đã phê duyệt và đồng ý cho Công ty CP Vật liệu xây dựng đường bộ 668 góp vốn đề án điều tra, thăm dò khoáng sản với diện tích hơn 45km2 tại các khu vực xã Phước Năng, Phước Xuân, Phước Hòa, thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), xã Đắc Pring (Nam Giang), khu vực xã Trà Leng, Trà Dơn (Nam Trà My) và các xã Trà Giác, Trà Bui (Bắc Trà My). Tương tự, tại khu 1, mỏ than Sườn Giữa (xã Đại Hưng, Đại Lộc), Bộ TN&MT đã cho phép Công ty CP Tập đoàn Thái Group thăm dò khoảng sản trên diện tích hơn 323ha từ năm 2016 đến nay. Tương tự, hàng chục ki lô mét vuông được Bộ TN&MT chấp thuận cho các doanh nghiệp thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng, than đá, đá vôi, các loại khoáng sản khác tại các huyện miền núi. Hầu hết giấy phép khai thác, thăm dò trữ lượng đều ít nhiều “đụng” đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Theo Sở TN&MT, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lập hồ sơ, thủ tục, điều tra thăm dò. Sở này cũng đề nghị, UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét cho phép một số đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng và diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, phòng hộ, rừng đặc dụng sang khai thác khoáng sản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù Bộ TN&MT lẫn UBND tỉnh đồng ý cho phép các đơn vị thăm dò, điều tra trữ lượng khoáng sản với diện tích rất lớn nhưng thực tế có nơi mới chỉ nằm trên hồ sơ giấy tờ, chưa triển khai trên thực địa. Quan điểm nhất quán của HĐND tỉnh và UBND tỉnh nhiều năm qua là tuyệt đối không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích kinh tế. Điều này là hoàn toàn phù hợp với Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó lưu ý không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).
TRẦN HỮU