Thắm đỏ niềm tri ân

THÀNH CÔNG 12/07/2021 05:59

Quê hương vẫn luôn là nơi an trú bình yên nhất đối với họ - những người đã trao gửi tất cả tuổi trẻ, niềm tin và cả máu xương cho cách mạng. Dưới màu xanh cây trái, bên những cánh đồng ngút ngát hương sen của xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) những người của hôm qua đã và sẽ ấm lòng hơn, khi bao thế hệ hôm nay vẫn luôn tiếp nối niềm tri ân, bằng cả tấm lòng.

Ông Mai Trí đến thăm cựu binh Lương Thanh Nghị (phải). Ông Nghị vừa là thương binh, vừa là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày. Ảnh: T.C
Ông Mai Trí đến thăm cựu binh Lương Thanh Nghị (phải). Ông Nghị vừa là thương binh, vừa là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày. Ảnh: T.C

Những đóng góp máu xương

Một nửa cánh tay của cựu binh Phan Văn Sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi góc rừng thôn 6 (nay là thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây), khi ông còn hoạt động tại đơn vị V20 Huyện đội Nam Tam Kỳ vào năm 1972. Sau nhiều năm an dưỡng, ông trở lại quê hương từ năm 1980, bắt đầu cuộc mưu sinh với ruộng vườn.

Có một “ngày đặc biệt” ở Tam Mỹ Tây, là ngày 27.7, khi nhiều gia đình cùng làm “giỗ chung” cho các anh hùng liệt sĩ. Đó là sự bái vọng tâm linh không chỉ cho người thân của mình, mà tâm nguyện của bà con còn dành niềm tri ân những liệt sĩ từ nơi khác đã ngã xuống đâu đó trên mảnh đất Tam Mỹ Tây.

“Hồi mới về, được xã, thôn quan tâm lắm. Xã cấp cho một miếng đất để làm rẫy, rồi vợ chồng cũng cặm cụi khai hoang, vừa trồng lúa, vừa làm vườn cây, ao cá. Tôi giờ là thương binh, người thân trong gia đình cũng là người có công, đều một lòng theo cách mạng.

Chế độ chính sách thì đầy đủ hết, lễ, tết cũng có quà, nhưng hay nhất là ngày 30.4 hàng năm xã đều có hỗ trợ thêm để anh em cựu binh như chúng tôi có một buổi gặp mặt nhau, ôn lại những ký ức một thời chung chiến hào. Nho nhỏ như vậy thôi, nhưng ấm lòng, tiếc là năm ni không thể tổ chức được do dịch bệnh Covid-19 phức tạp quá” - ông Sỹ nói, rồi đưa chúng tôi đi thăm vườn.

Vị cựu binh đã ngoài tuổi 60, chỉ còn một cánh tay lành lặn nhưng vẫn miệt mài chăm bón cho vườn cây trái đã trĩu quả, có cả ao cá, rẫy keo. Ông cười, nói vui rằng chính mình là điển hình “tàn nhưng không phế”, vì làm được hết, làm mới thấy cái đầu nó nhẹ, thấy người khỏe hơn, vẫn ngày ngày lấy chăm cây, chăm cá làm thú vui lúc tuổi già.

Một góc bình yên ở làng quê Tam Mỹ Tây. Ảnh: T.C
Một góc bình yên ở làng quê Tam Mỹ Tây. Ảnh: T.C

Về hưu năm 2005, cựu binh Lương Thanh Nghị (thương binh, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) vẫn tiếp tục gắn bó với công tác hội ở thôn Tịnh Sơn. Ông nói đầy tự hào, rằng hiếm có nơi mô như Tịnh Sơn, cả thôn có tới hơn 90% là gia đình cách mạng.

Từ trong kháng chiến, cả thôn đã một lòng theo Đảng, theo cách mạng, dù chiến sự có ác liệt đến cỡ mấy, dù gian khó đủ bề, vẫn tuyệt đối trung thành. Niềm tin đó theo suốt bao nhiêu thế hệ, nên mọi chủ trương, chính sách sau này đều được phổ biến, quán triệt dễ dàng hơn.

“Hồi trước, việc chăm lo cho người có công, giải quyết các chế độ chính sách còn nhiều thiếu sót, do thất lạc hồ sơ sổ sách, giấy tờ thì thủ công, việc tra tìm cũng mất rất nhiều thời gian. Giờ thì đỡ hơn rồi, chủ trương chính sách cũng đầy đủ hơn, rõ ràng là những gia đình người có công như tôi thấy yên tâm hơn nhiều.

Cả nhà tôi đều đóng góp cho cách mạng, có Mẹ Việt Nam anh hùng, có liệt sĩ, vợ tôi cũng là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Chế độ chính sách đầy đủ là một chuyện, mà cách ứng xử, sự trân trọng của các cấp ngành, đoàn thể, của địa phương với gia đình người có công là chuyện khác.

Chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã được đóng góp cho cách mạng. Tôi tuổi cao, nhưng vẫn không nề hà công tác ở cơ sở, vẫn đảm nhiệm nhiều việc kiểu “vác tù và hàng tổng”, nhưng còn sức thì còn làm, coi như đóng góp trọn vẹn đời mình” - cựu chiến binh Lương Thanh Nghị nói.

Tri ân bằng cả tấm lòng

Dân số của Tam Mỹ Tây có khi chỉ bằng 1/3 so với các xã phía đông của huyện Núi Thành, nhưng con số đối tượng chính sách vẫn luôn nằm ở tốp đầu của huyện, với 262 liệt sĩ, 73 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm thương bệnh binh, người có công cách mạng, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, gần 1.000 người có công cách mạng hưởng trợ cấp một lần.

Cựu binh Phan Văn Sỹ vẫn miệt mài chăm bón cho vườn cây trái trong nhà, sau nhiều năm trở về quê hương. Ảnh: T.C
Cựu binh Phan Văn Sỹ vẫn miệt mài chăm bón cho vườn cây trái trong nhà, sau nhiều năm trở về quê hương. Ảnh: T.C

Đỏ thắm trong những trang sử của Đảng bộ xã, là đóng góp máu xương của biết bao thế hệ. Cũng chính vì thế, mà chế độ, chính sách cho người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền xã Tam Mỹ Tây chú trọng suốt nhiều nhiệm kỳ.

Được đánh giá là xây dựng và thực hiện khá toàn diện chế độ cho người có công, ngoài các khoản trợ cấp, rất nhiều hoạt động được triển khai như chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, GD-ĐT, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, chế độ ưu đãi đối với con của người có công đang theo học ở nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân…

Cùng với chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng, chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp về kinh tế - xã hội đã góp phần nâng cao mức sống người có công, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ trong ưu đãi xã hội. Rất nhiều hồ sơ con thương binh theo học tại các trường được giải quyết nhanh chóng, nhiều hồ sơ được hoàn thiện, kịp thời bổ sung đối tượng hưởng chính sách người có công…

Sau hơn 10 năm gắn bó với công việc ở công an xã, sau khi sắp xếp điều chuyển, ông Mai Trí đề xuất được chuyển sang đảm nhiệm công việc ở mảng LĐ-TB&XH của xã Tam Mỹ Tây.

Trưởng thành từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Trí nói, mình hiểu những mất mát, trân quý đóng góp của bao thế hệ đi trước và càng muốn gắn bó với công việc này để tiếp nối sự chăm lo của Đảng, chính quyền với người có công, các đối tượng chính sách.

“Rất mừng vì hiện tại không còn hộ chính sách, người có công phải ở nhà tạm bợ, rất nhiều ngôi nhà được sửa chữa, xây mới từ nguồn hỗ trợ kinh phí đối với người có công. Dù xã nhà còn nhiều khó khăn, nguồn vận động không nhiều do dịch bệnh tác động đến đời sống kinh tế của nhiều hộ, song cùng với việc xã hội hóa, kêu gọi từ nhiều nguồn quỹ, chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để tổ chức những hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công. Với công việc hiện tại, tôi có thêm điều kiện để kiểm tra, giám sát việc tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, như một nghĩa cử biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho mảnh đất này” - ông Mai Trí tâm sự.

Có một “ngày đặc biệt” ở Tam Mỹ Tây, là ngày 27.7, khi nhiều gia đình cùng làm “giỗ chung” cho các anh hùng liệt sĩ. Đó là sự bái vọng tâm linh không chỉ cho người thân của mình, mà tâm nguyện của bà con còn dành niềm tri ân những liệt sĩ từ nơi khác đã ngã xuống đâu đó trên mảnh đất Tam Mỹ Tây.

Ông Phan Đình Dung - Chủ tịch UBND xã cho hay, đó là một nét đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của bà con địa phương. Chăm lo cho người có công cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ, đầy đủ và sát đúng tất cả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Càng thiết thực, gần gũi, xuất phát từ tấm lòng, càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Các gia đình chính sách, người có công cũng cảm thấy được động viên, thêm tin tưởng vào Đảng, vào chính quyền. Cũng nhờ đó mà những chủ trương lớn được triển khai thuận lợi hơn, hưởng ứng mạnh mẽ hơn từ phía các gia đình chính sách, người có công.

“Năm 2019, xã Tam Mỹ Tây được công nhận xã nông thôn mới, thôn Tịnh Sơn cũng đã xây dựng thành công khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, có sự đóng góp không nhỏ của người có công. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng duy trì, làm tốt hơn các chế độ chính sách, phân công người quản trang nghĩa trang liệt sĩ, đầu tư nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ khang trang hơn. Các hội đoàn thể cũng sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh, lan tỏa nghĩa cử tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn trong cộng đồng” - ông Dung cho hay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắm đỏ niềm tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO