Thăm gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm

LÊ VĂN CHƯƠNG 25/02/2022 07:20

Ngôi nhà của gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nằm trong một ngõ hẻm của phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP.Hà Nội. Gặp 2 người em gái của chị là Kim Trâm và Phương Trâm, tôi ngạc nhiên khi nghe các chị nói, có những trang nhật ký vẫn chưa dám đọc hết, “vì thương chị Hai”.

Chị Kim Trâm và Phương Trâm, em gái của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Chị Kim Trâm và Phương Trâm, em gái của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

1. Tôi đến thăm gia đình của bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào một buổi sáng trời se lạnh. Căn hộ nằm trong một hẻm sâu treo bảng Công ty CP Phát triển Thiên Nhiên Xanh là nhà của gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Mẹ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là bà Doãn Ngọc Trâm, người quê gốc Quảng Nam. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) thường đến thăm gia đình bà. Ngôi nhà của bà còn đón những vị khách một thời còn là người đứng bên kia chiến tuyến của con gái bà, trong đó có ông Frederic Whitehurst, một cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ.

Ngày 22.6.1970, trong một chuyến tập kích vào rừng núi Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, gần nơi đặt sân bay Gò Hội, sĩ quan quân báo Hoa Kỳ - Fredric Whitehurst Fredric tìm thấy một cuốn sổ tay được bọc bằng vải và định châm lửa đốt nhưng người thông dịch của ông là Nguyễn Trung Hiếu đã có linh cảm về số phận kỳ lạ của cuốn sổ này nên đã có lời ngăn cản: “Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!”.

Năm 1966, bác sĩ Đặng Thùy Trâm (SN 1942) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội đã được điều động vào chiến trường miền Nam, phụ trách Trạm xá Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 22.6.1970 bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh và cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được công bố sau 35 lưu lạc ở Mỹ, sau đó được dịch ra 20 thứ tiếng.

Ba mươi lăm năm sau (năm 2005), khi cuốn nhật ký được công bố và trở thành hiện tượng thu hút giới trẻ hiểu hơn về lý tưởng của thế hệ đi trước, đó cũng là lúc Fredric trở thành thành viên trong ngôi nhà này.

Bà mẹ già Doãn Ngọc Trâm đồng ý gọi ông bằng con. Là một người quê gốc Quảng Nam, bà quá thấu hiểu nỗi đau của hàng chục nghìn bà mẹ trên mảnh đất trung dũng kiên cường. Nhưng bà cũng trút được lòng mình khi nghe người lính từng đứng bên kia chiến tuyến là Frederic nói về nỗi sầu muộn trong tâm tư của những người lính từng trực tiếp sang Việt Nam tham chiến và cứ đeo đẳng theo họ hết cuộc đời còn lại.

2. Trong ngôi nhà của gia đình chị Trâm toát ra không khí ấm cúng và đầy sắc màu của một gia đình có cuộc sống lạc quan, tâm hồn thanh bạch. Ngay bàn tiếp khách là 4 bức tranh sơn dầu do chính người em của chị Trâm vẽ phác họa hình hoa sen. Một bức tranh với hoa sen hồng vươn lên rực rỡ giữa đầm sen tràn ánh mặt trời, một bức tranh với đóa sen trắng thấp thoáng dưới ánh hoàng hôn, hai bức tranh vẽ cảnh sen tàn, nhưng được phối màu tươi sáng.

Chị Phương Trâm nói về triết lý của sen, giống như cuộc đời của người mẹ, chị Hai, cả đời sống và tỏa sáng cho thế hệ mai sau tiếp bước. Tất cả tường nhà được treo những bức tranh sơn dầu, nhưng màu sắc chủ đạo vẫn là sự tươi sáng, như lý tưởng và những gì chị Thùy Trâm gửi gắm qua cuốn nhật ký.

Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh tư liệu
Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh tư liệu

Trong cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm có đoạn viết, 6.1.1970: “Hãy rèn giũa phẩm chất của một người Đảng viên nghe Th. (tức Đặng Thùy Trâm tự nhủ lòng). Cuộc đời Th. là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ. Xin Th. hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng. Hãy hứa trước tòa án lương tâm đi Th. nhé. Th. sẽ giữ trọn tất cả những gì cao quý của một người Đảng viên, một người trí thức…”.

Hai người em của chị Trâm nói, nhà báo nào đến đây cũng đều hỏi chung một câu là “chị suy nghĩ như thế nào khi cầm cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm?”. Tôi thì hỏi chị viện dẫn lý tưởng của chị Đặng Thùy Trâm để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay. Chị Phương Trâm nói giọng ngập ngừng: “Sự thật là riêng chị có những trang chưa dám đọc hết, chỉ đọc tới đoạn gần chỗ gay cấn thì dừng lại và để đó vì nhói đau đến mức không dám đọc tiếp nữa”.

Chị Phương Trâm cho biết, khi đọc cuốn này, chị mong muốn mọi người, cán bộ, đảng viên hãy nhớ đến điều mà chị Trâm chia sẻ, đó là hãy yêu thương nhau, đoàn kết gắn bó chứ đừng để khi đã đi qua rồi, khi đã hy sinh thì không còn cơ hội tiếc nuối.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăm gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO