(QNO) - Ròng rã hơn một tháng nay, các lực lượng chức năng và đội xung kích túc trực nơi vùng cao Phước Sơn để giúp tái thiết cuộc sống cho người dân. Trên vùng đất bị thiên tai tàn phá này, cuộc sống mới như đang bắt đầu...
Đội xung kích giúp dân
Nghe tin vùng cao Phước Lộc, Phước Thành (Phước Sơn) bị cô lập do sạt lở, một đội thanh niên xung kích tình nguyện được thành lập ngay tại thị trấn Khâm Đức. Thành viên đủ ngành nghề, đủ lứa tuổi, song cùng chung một tinh thần thiện nguyện.
Ban đầu, thành viên của đội đi quyên góp từ những nhà hảo tâm, đứng ra vận động để mua thêm nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi gửi vào cho bà con vùng cô lập. Những ngày sau đó, họ trở thành người trung chuyển, bất cứ hàng hóa nào của các nhà hảo tâm gửi cho bà con nhưng do đường sá cách trở không đưa đến được, anh em dùng xe máy chở vào điểm tập kết cuối cùng rồi bàn giao cho dân quân xã để gùi cõng vào cho người dân.
Có mặt trong những ngày đầu vùng cao Phước Thành, Phước Lộc bị cô lập, chúng tôi được đồng hành với đội xung kích trong một chuyến vận chuyển thực phẩm, nước uống vào tặng đội dân quân. Những chiếc xe Win chất đầy hàng hóa gầm lên, lướt qua cung đường nham nhở đá sỏi, bùn lầy. Đường chưa thông tuyến, chỉ có xe máy vào được, nhưng cũng phải là những “tay lái lụa” mới đủ sức băng qua cung đường vào Phước Thành sau bão. Đến trưa, đoàn mới tiếp cận được đồi Chim, điểm cuối của cung đường vừa được khai thông, nơi lực lượng dân quân hai xã Phước Thành, Phước Lộc còn trú tạm trong căn lều để tiếp nhận hàng. Những bao tải, gạo, mì tôm, rau xanh, nước uống… được tháo xuống.
Anh Lê Minh Phong (nhân viên của Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Phước Sơn) cẩn thận vác từng bao hàng vào lán. Anh Phong là đội phó đội xung kích, đã đồng hành cùng lực lượng tại chỗ giúp dân Phước Thành, Phước Lộc vượt qua cơn khốn khó suốt nhiều tuần vùng cao bị cô lập.
Những ngày này, nghe tin tuyến đường bị sạt lở trở lại, đội xung kích lại rục rịch chuẩn bị xe cộ, nạp xăng, có khi làm nhiệm vụ dẫn đường cho các đoàn từ thiện, có khi đích thân chở hàng vào tiếp tục tiếp sức cho người dân. “Là người dân địa phương, thấu hiểu những vất vả, khó khăn của bà con, chúng tôi đều muốn góp một chút sức lực để giúp đỡ họ. Những ngày vào tham gia chở hàng, chứng kiến anh em dân quân ở tạm trong lều bạt, suốt ngày đêm cõng hàng tiếp tế trong khi bữa ăn chỉ tạm bợ cơm trắng, cá khô, anh em đã huy động các nhà hảo tâm mua thức ăn tươi rồi chở vào tặng lực lượng này để anh em có sức tiếp tục giúp dân. Đường sá vùng cao liên tục sạt lở, do đó tranh thủ bất cứ thời gian rảnh nào, hễ nơi nào có nhu cầu giúp đỡ, chúng tôi đều sẵn sàng lên đường” - anh Phong chia sẻ.
Anh Hồ Văn Sơn - Trung đội trưởng dân quân cơ động xã Phước Thành tâm sự, đội xung kích giúp dân đã đồng hành cùng lực lượng dân quân suốt từ khi bão số 9 xảy ra đến nay, giúp đỡ bà con và cả lực lượng dân quân rất nhiều. Đó cũng chính là ân tình của những người dân miền núi, xuất phát từ tấm lòng thấu hiểu và tình cảm sẻ chia giản đơn mà chân thành của anh em trong đội xung kích.
Mở đường cứu nạn
Suốt hơn một tháng qua, lực lượng mở đường cứu nạn đã thầm lặng “chiến đấu” với hàng trăm điểm sạt lở, trong đó có những đoạn địa hình vô cùng phức tạp. Dầm trong mưa gió, trực chiến ở những điểm có nguy cơ sạt lở trở lại, các phương tiện và nhân lực vẫn làm việc không mệt mỏi để thông tuyến, mở đường cứu nạn giúp dân.
Anh Trần Văn Dũng (quê huyện Đại Lộc) là công nhân lái máy công trình với hơn 10 năm kinh nghiệm ở Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam. Nhận được tin điều động làm nhiệm vụ mở đường, anh Dũng tâm sự chính anh cũng không hình dung nổi mức độ kinh hoàng do bão lũ gây ra ở tuyến đường này. Vợ và con nhỏ được anh gửi sang nhà ông bà, để mặc căn nhà của mình cũng bị tốc mái do bão, anh tức tốc chạy xe máy vào hiện trường sạt lở. Suốt hơn một tháng, anh bám trụ cùng nhiều nhân công, phương tiện khác, đánh vật với từng điểm sạt lở. Có những đoạn đứt đường hoàn toàn, nhiều vị trí taluy âm bị sạt cuốn trôi toàn bộ mặt đường, ăn sâu vào vách núi; có nơi vừa khơi thông, hôm sau mưa lớn lại tiếp tục gây sạt lở, vùi lấp trở lại, chính công nhân cũng rơi vào thế cô lập. Chính sự tận tụy của anh Dũng và rất nhiều nhân công khác của tỉnh, huyện đã giúp tuyến đường khơi thông, hàng hóa vào thẳng Phước Thành, sau đó là Phước Lộc, giúp bà con ổn định cuộc sống và bắt tay vào công cuộc tái thiết.
Sau khi đường thông tuyến, ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã vào động viên anh em. Anh Trần Văn Dũng được Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Giao thông vận tải tặng giấy khen.
Ông Văn Anh Tuấn cho hay, dù điều kiện làm việc nguy hiểm, đầy khó khăn, song lực lượng mở đường đã bám trụ, vượt qua rất nhiều trở ngại để thông tuyến và duy trì việc thông tuyến vào Phước Thành, Phước Lộc đến tận ngày hôm nay.
“Với kinh nghiệm khắc phục các sự cố đặc biệt phức tạp, chúng tôi đã huy động phương tiện, máy móc, nhân lực tăng cường cho tuyến này. Việc thông tuyến vào các xã đã cơ bản đảm bảo sau hơn 3 tuần. Điều này đã đáp ứng mong mỏi của người dân lẫn chính quyền địa phương, mở đường là điều kiện tiên quyết để tiếp tục công tác khắc phục hậu quả thiên tai, giúp bà con ổn định cuộc sống. Ngành giao thông vận tải cùng đội ngũ nhân công đã làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, nỗ lực giúp dân trong hoạn nạn” - ông Tuấn nói.