Thầm lặng nghề bác sĩ pháp y

LÊ PHƯỚC LAN NHI 02/03/2018 13:24

Với đặc thù của công việc, bác sĩ pháp y (BSPY) không chỉ đối mặt với những tử thi mà còn phải làm việc tận tâm, chính xác để phục vụ công tác điều tra phá án.

Bác sĩ Trung tâm Pháp y Quảng Nam trao đổi chuyên môn trước khi tham gia một vụ án mạng. Ảnh: L.P.L.N
Bác sĩ Trung tâm Pháp y Quảng Nam trao đổi chuyên môn trước khi tham gia một vụ án mạng. Ảnh: L.P.L.N

Cách đây 2 năm, tại huyện Tiên Phước có một phụ nữ tử vong để lại những đứa con thơ. Người được cho là gây ra cái chết không bình thường ấy lại chính là chồng của nạn nhân, đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố. Gia đình hai bên mâu thuẫn nhau, nỗi hoài nghi quanh vụ án, BSPY đã vào cuộc và phát hiện sự thật không như nhận định ban đầu. Họ âm thầm trả lại công lý, niềm vui cho gia đình bị hàm oan. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Dương Thuận - Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh, cho biết: “Trước hết, phải nói đến người làm nghề pháp y là đạo đức nghề nghiệp, vì không chỉ liên quan đến chuyên môn mà còn là tính mạng và sức khỏe của người khác, kể cả nạn nhân và những người gây án. Mình phải làm sao cho sáng tỏ vụ việc, không làm oan cho người bị xâm hại tính mạng và sức khỏe, đồng thời không làm oan cho những người gây ra, tức làm làm rõ những tổn thương mà họ gây ra để giúp cơ quan điều tra, truy tố, xét xử định ra khung hình phạt, định tội chính xác”.

Trung tâm Giám định pháp y tỉnh có 14 cán bộ, nhân viên, trong đó, có 5 giám định viên. Hàng năm, giải quyết đưa ra ánh sáng khoảng 600 trường hợp, chủ yếu là giám định tử thi, thương tích, sinh dục, tình trạng sức khỏe... Khó khăn nhất là giám định tử thi, bởi BSPY phải giải mã được vì sao chết, chết trong hoàn cảnh nào? Bất kể đêm hôm, mưa gió... có việc là đi là chuyện thường nhật của BSPY. Bởi họ chưa có mặt, địa phương vất vả bảo vệ hiện trường, bảo vệ tử thi. Nếu là tai nạn giao thông thì yêu cầu giải phóng đường là không thể chậm trễ, tất nhiên yêu cầu này vẫn phải xếp hàng sau yêu cầu điều tra, giám định... Bác sĩ Lâm Thị Hải Loan - Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh chia sẻ: “Làm nghề pháp y, nhất là nữ, gặp nhiều khó khăn hơn nam. Nhưng tôi rất thích làm những nghề mang tính khoa học và khám phá. Càng làm mình càng khám phá ra những điều rất hay, học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Có những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nhưng qua làm việc, mình cơ bản nắm được những tình tiết của những vụ án đó”.

Công việc của BSPY vừa khó, vừa quá vất vả, lại không được coi là người “làm phúc” như bác sĩ thường nên việc tuyển dụng BSPY cho ngành rất khó. Cạnh đó, việc thiếu đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác điều tra, giám định cũng là rào cản lớn. Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Dương Thuận, năm rồi có một bác sĩ đang công tác tại Trung tâm Pháp y tỉnh đã rời bỏ trung tâm vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế. Dù tỉnh có chính sách thu hút bác sĩ nhưng cũng không có ai chịu về làm nghề pháp y. “Chúng tôi muốn đề xuất, nếu không thu hút được thì phải có chế độ gì đó để giữ chân những người làm nghề pháp y, cụ thể là cần có phụ cấp đặc thù cho BSPY” - bác sĩ Thuận nói.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thầm lặng nghề bác sĩ pháp y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO