Một lối bài trí bên ngoài phổ biến của nhà cổ ở Cần Thơ. |
Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà là ông Dương Văn Hiển, hậu duệ đời thứ 6 của nhà họ Dương. Ngôi nhà nằm ngay sát bên dòng sông Bình Thủy, hướng đông - tây, trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành, thuận tiện đi lại. Ông Hiển cho rằng, các tiền bối gồm cụ Dương Văn Vị, Dương Chấn Kỷ đã nghiên cứu kỹ khi chọn hướng cho ngôi nhà, phải chăng vì lẽ đó mà ngôi nhà trải qua bao biến cố vẫn tồn tại cho đến hôm nay… Căn nhà rộng 5 gian 2 chái, ngang 22m, sâu 16m, bao quanh là hàng rào có cổng kiên cố theo kiểu dinh thự Pháp. Bước qua cánh cổng sắt đồ sộ sẽ bắt gặp ngay một cổng phụ với lối kiến trúc đậm bản sắc Á Đông, nằm hơi chếch về phía trái so với từ đường, đường nét chạm trổ trên cổng hết sức tinh xảo. Ngay trước sân là hòn non bộ sừng sững vừa mang ý nghĩa trang trí vừa là bình phong che chắn cho ngôi nhà chính, xung quanh có khá nhiều cây cảnh. Nhà cổ này còn có tên gọi khác: vườn lan Bình Thủy. Hậu duệ đời thứ 5, ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng. Vào thập niên 60 thế kỷ trước, ông đã sưu tầm được nhiều giống lan quý rồi tổ chức các hội chơi lan, đến những năm 1980 kết hợp mở tuyến du lịch tham quan ngôi nhà để những người cùng sở thích trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng hoa. Nhiều cuộc đàm luận thơ của các thi nhân xứ sở Cầm Thi đã diễn tại đây nên nơi này còn được gọi là Tao đàn Năm Ngôn hay Tao đàn ông Ngôn.
Lối vào nhà được dẫn bởi 4 cầu thang hình cánh cung có bao lơn, hai cầu thang vào nhà theo lối trước, hai cầu thang vào nhà theo lối sau. Căn nhà có 6 hàng cột gồm tổng cộng 24 cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30cm. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Nhà trước được bài trí theo phong cách châu Âu, thường là nơi để tiếp khách, tổ chức tiệc tùng. Điều rất lấy làm ngạc nhiên là những bức tường, trần nhà được sơn màu xanh thanh nhã, êm dịu; những hoa văn, hình vẽ trên trần nhà vẫn còn nét sắc sảo, không phai mờ mấy dù đã hơn 100 năm trôi qua, mà chủ nhân các đời sau chưa sơn lại lần nào.
Khác với cách bài trí ở nhà trước, hệ thống bao lam và phần ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa được tạo tác bằng gỗ với những quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ phương Đông, gần gũi với đời sống dân dã của người dân Nam Bộ. Gian giữa quan trọng nhất, làm nơi thờ cúng, đặt bàn thờ tổ tiên ông bà. Khám thờ được sơn son thếp vàng uy nghi; tủ chè, sạp gụ, liễn đối đều bằng gỗ quý cẩn ốc xà cừ với nghệ thuật tinh xảo. Năm 1983, quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ một lần đến đây đã ghi lại trong sổ lưu niệm những dòng tâm huyết: “Hiện vật lưu tại đây nói lên một phần nghệ thuật cổ truyền độc đáo của Việt Nam, mong rằng những tác phẩm này được giữ gìn thật tốt để bảo tồn tài sản văn hóa quý báu của dân tộc...”.
Những thế hệ là chủ nhân ngôi nhà thờ cổ họ Dương chính là chứng nhân gìn giữ những giá trị văn hóa phong lưu một thời, vốn không chỉ là báu vật của riêng gia đình, dòng họ mà còn là niềm kiêu hãnh của những con người trên vùng đất Tây Đô. Khi rời quân ngũ về tiếp quản ngôi nhà đã bị chiến tranh tàn phá, ông Hiển và các anh em tìm mọi cách phục dựng trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, thiếu thốn. “Quyết tâm chúng tôi lớn lắm, nếu không, lúc đó mà bán đi cũng được nhiều tiền!” - ông Hiển nhớ lại. Nhờ quyết tâm ấy, hôm nay du khách được chứng kiến nhiều cổ vật. Như 2 bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch vân xanh đường kính 1.5m, dày hơn 6cm; mặt bàn bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis XV cũng làm bằng đá cẩm thạch sắc xanh. Rồi chùm đèn bạch đăng, tách chén nậm trà rượu đời Minh - Thanh gồm một bộ trà Tùng Đình, một bộ Ngũ Liễu, chén Tuyên Đức có niên đại cách đây 572 năm. Chưa kể 2 cái lục cao 0,2 tấc đời Thành Hóa 1465...
Nội thất trong nhà cổ Bình Thủy. |
Những ai từng xem phim Việt như “Người đẹp Tây Đô”, “Những nẻo đường phù sa”, “Nợ đời”... sẽ hứng thú hơn khi biết rằng chính không gian của nhà cổ Bình Thủy này là bối cảnh chính của phim. Đạo diễn người Pháp J.J.Annaud cũng đã thực hiện nhiều cảnh quay bộ phim “Người tình” ở đây. Sau khi về Pháp, J.J.Annaud đã thú nhận choáng ngợp trước vẻ tráng lệ của ngôi nhà và mong muốn mọi người yêu nghệ thuật thế giới biết đến nhà cổ Bình Thủy này.
Khác với vẻ bề thế của nhà cổ Bình Thủy, nhà cổ của ông Nguyễn Văn Thi (còn gọi là Mười Rơm) lại nổi bật với kiến trúc đậm chất Á Đông. Đó là ngôi nhà rường độc đáo vào bậc nhất của miền Tây Nam Bộ, xây theo kiểu chữ “đinh”, có gian thảo bạt phía trước nay vẫn còn nguyên vẹn. Mặt trước thảo bạt là hàng song gỗ được lắp suốt mặt tiền ngôi nhà, vừa để hạn chế tầm nhìn từ bên ngoài vào gian thờ vừa tạo không khí thoáng mát cho cả ngôi nhà, và có thể tháo ráp dễ dàng khi có tiệc tùng. Nội thất nhà ông Mười Rơm chia 3 phần: thảo bạt, nhà trên và nhà dưới. Thảo bạt là nơi tiếp khách, được bài trí bộ tràng kỷ truyền thống và vài bộ bàn ghế chân quỳ bằng gỗ quý. Nhà trên là nơi thờ cúng tổ tiên, ba gian giữa đặt ba tủ thờ gỗ chạm, hai chái hai bên dùng làm đường đi vào nhà dưới - là nơi sinh hoạt của gia đình. Những vật dụng quý như tranh thờ, liễn đối, khám thờ còn được lưu giữ cẩn thận. Những mảng bao lam, vách ngăn không chỉ được chạm trổ công phu mà đường nét còn cực kỳ sống động, tinh xảo về cỏ cây, hoa lá, chim muông không xa lạ trong đời sống người dân đất phương Nam.
Ông Mười Rơm kể rằng, ông nội ông đã dựng căn nhà này hàng chục năm trời bởi các thợ nổi tiếng từ Bắc kỳ, Nam kỳ. Nhiều thế hệ thợ mộc đã lập nghiệp luôn tại vùng cù lao Tân Lập này… Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cũng đã trải qua những giờ phút khó khăn mới giữ được căn nhà, nhất là giai đoạn bị trưng dụng làm nơi đóng quân của chế độ cũ. Trước khi rút đi, những người phía bên kia muốn tiêu hủy ngôi nhà để sau này đối phương không sử dụng được nó nữa...
Kiến trúc sư Trần Kiều Định nhận xét, khi chiêm ngưỡng nhà cổ vùng Tây Đô hay bất kỳ vùng đất nào trên vùng đồng bằng sông Cửu Long, đều thấy phong cách con người Nam Bộ hiện lên rất rõ. Gian thờ cúng luôn ở vị trí quan trọng nhất, bài trí cầu kỳ nhất thể hiện lòng tôn kính tiền nhân. Cạnh đó, việc dành không gian đáng kể, rộng rãi, trang trọng nhất trong ngôi nhà để tiếp khách thể hiện lòng hiếu khách của người Nam Bộ. Được xây dựng trong bối cảnh Pháp thuộc, và kiến trúc phương Tây khá thịnh hành lúc bấy giờ, nhưng ngôi nhà của cụ Mười Rơm được xây dựng theo kiến trúc phương Đông. Phải chăng chủ nhân căn nhà cổ này đã tìm thấy những nét ưu việt mà kiến trúc phương Tây khó thể sánh được, hay là vì muốn giữ lại nét đẹp, tinh hoa của dân tộc trong bối cảnh kiến trúc Pháp đang rất thịnh hành và trở thành thị hiếu phổ biến của giới nhà giàu, có thế lực lúc bấy giờ? “Muốn sửa chữa, thay đổi chút gì trong nhà này, tôi đều tìm đúng thầy, đúng thợ mới tin tưởng giao việc cho họ, không làm ẩu được. Sau này, tôi cũng sẽ chọn con cháu biết quý trọng, giữ gìn tài sản cha ông mới giao gia sản cho chúng nó” - ông Mười Rơm tâm sự.
Doãn Hoàng