Thẳm sâu A Réc

TRUNG VIỆT 16/05/2015 09:03

A Réc là một thôn nhỏ được bọc quanh bởi núi ở xã A Vương (Tây Giang).

Tôi hơi lạ là bà con đổ ra đón khách, như là kiểu người ta làm du lịch ấy, không giống như những cái nhìn lạ lẫm khi có khách vào làng ở những bản nào đấy mà tôi đã gặp. Nhà thấp, lợp tôn nóng hầm hập. Nửa chiều rồi mà nắng như thiêu. Mấy cái đầu thò ra từ gươl: “Anh vào mà uống nước, nắng lắm”.  Người kéo đến chật nhà. Bắp, sắn, mía được dọn lên. Anh  Briu Quân, cán bộ huyện thuyết minh: “Tập tục đấy, đầu tiên phải mời khách uống nước và ăn nhẹ. Hôm nay các anh là khách đặc biệt của làng”.  Phần tiếp theo là mở rượu cần. Vẫn thói quen cố hữu trong suy nghĩ tôi là bắt đầu đây, hút, hết nước, lại hút. Không phải. Quân nói: “Muốn mở rượu cần phải xin phép Giàng, không tự tiện được đâu”. Không sai. Già  làng  Alăng Bình trịnh trọng cầm con gà đã được cắt tiết và lẩm nhẩm đọc. Nhang được đốt lên. Những người có liên quan được gọi tên. Một đồng nghiệp thay mặt anh em, già làng, bí thư và chủ tịch xã chụm tay vào và mở rượu. Bắt đầu uống. Thoáng qua trong tôi bao lần uống rượu cần kiểu… lấy thành tích, rồi rượu cần được đưa lên sân khấu… Nhưng chưa hết. Đó là uống phần thịt sống, phần con “hai chân”, nghi lễ tiếp theo mà mổ heo. Lại cúng tiếp. Lại uống. Nhưng uống với các món ẩm thực truyền thống người Cơ Tu được chế biến từ sắn và cá suối, xôi, bánh sừng trâu. Heo, gà vẫn chưa được dọn lên. Phần gà khi đưa lên, khá trịnh trọng với những tuyên bố, chỉ có “chức sắc” mới được thưởng thức trước. Phần heo, già làng lệnh thì nhà bếp mới đưa lên món gì. Đại khái là lớp lang từng phần. Thay mồi là thay chén đũa. Không ôm đồm, xô bồ, lộn xộn.

Muốn mở rượu cần, phải cúng Giàng.Ảnh: Trung Việt
Muốn mở rượu cần, phải cúng Giàng.Ảnh: Trung Việt

Tôi hỏi: “Sao có chuyện này?”. Già  làng Bình nói rằng, gươl làm đã hai năm, chúng tôi là những vị khách đầu tiên đến thăm gươl nên được hưởng những ân huệ đặc biệt đúng với quy định của người Cơ Tu. Tôi đi vòng ra bếp. Mấy bà mấy chị cười ầm lên khi thấy máy ảnh. Có lệnh của già làng, hôm nay có khách, nên ai không bận việc nhà thì đến, đàn ông nói chuyện với khách, làm heo, gà,  các bà lo nấu nướng, nhà ai có gì thì mang đến. Hôm sau ra về, bà con đứng dưới chân gươl tiễn đưa quyến luyến. Thực ra, những thủ tục đón và mời khách đó có hết trong sách vở về người Cơ Tu, nhưng nó rơi rụng, được giản tiện gần hết rồi. Ở đây người ta còn giữ được. Già Bình nói rằng, giữ được rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới dựng lại và ông tin rằng lớp thanh niên sau này của làng sẽ phải giữ điều đó như là bức ngăn bảo hộ sự xâm nhập của văn hóa bên ngoài. Tôi lội quanh làng. Bà con vẫn giữ thói quen phơi nông sản bằng nong nia, không như nơi khác là thay bằng bạt nhựa. Điểm đặc biệt là quần áo truyền thống được giữ lại khá nhiều, nhất là phụ nữ ăn mặc không khác gì ngày hội. Chuyện cưới xin theo phong tục truyền thống vẫn còn nguyên vẹn. “Như gươl này, có thể chưa đẹp chưa to, nhưng dứt khoát phải lợp lá rừng chứ không lợp tôn, bởi đó là kiểu nhà ông bà để lại, cho nên huyện chọn thôn này để đi thi văn nghệ toàn quốc tổ chức ở Nghệ An đấy”, ông Bình nói.

Trong cơn la đà của rượu, già Bình cùng một người nữa trổ tài hát lý. Một kiểu như hát giao duyên, tức là phải có người đối đáp, nhưng chúng tôi bó tay nên họ độc diễn. Ông Bình hát rằng làng mừng có khách, nên có gì dùng nấy, uống chung một ly rượu với làng, cảm ơn khách lần sau lại đến. Tôi quan sát đám người trong  làng tuyệt đối không dám gần ông khi chưa được đồng ý. Rượu mồi chỉ đưa lên khi ông  gật đầu. Bí thư xã nói rằng chiều  nay ông lệnh phải  có heo đãi khách nên cán bộ thôn phải vắt chân chạy xuống tới Đông Giang mua heo gà. Một sự thật vỡ ra rằng, ở đây, già làng vẫn là quyền uy tối thượng. Tôi hỏi ông: “Già  bắt cả thôn làm theo à?”. Ông gật gù rằng, cán bộ lo đường lối chủ trương, nhưng về làng, ở làng thì theo lệnh già làng, vì cái gì thuộc về phong tục tập quán là thuộc về làng, già làng, không thay được. Tôi nhớ một cán bộ huyện Tây Giang nói rằng cần phải xem lại việc bình bầu già làng, có nhiều vị thiếu kiến thức, uy tín, thậm chí lẩm cẩm nhưng vẫn được công nhận già làng từ việc vận động, bầu chọn không đúng. Nó sẽ tạo ra một hệ lụy không tốt là đường lối chính sách thông qua già làng xuống bà con sẽ giảm tính tích cực, thiếu linh hoạt, sự hưởng ứng sẽ không được như mong muốn. Nói thẳng ra là nhà nước đừng can thiệp chuyện của làng trong bầu chọn, bởi đây là việc đặc thù. Hãy để bà con bình chọn và từ đó nhà nước công nhận. Một số nơi,  già làng có đó nhưng cũng như không, từ đó dễ dàng hiểu vì sao nhiều bản làng tan nát vì tệ nạn xã hội, văn hóa truyền thống mất sạch, người trong làng, nhất là lớp trẻ coi người già không ra gì, hủ tục ùn ùn quay trở lại. Nhà nước công nhận mà làng không công nhận là vô nghĩa.  “Làng mình còn tảo hôn không, tức con trai con gái lấy chồng sớm?”. “”Còn, nhưng ít lắm, nhà nước quy định 18 tuổi mới được, nên mình khuyên bà con dạy con cái nên tuân theo”,  già Bình nói. “Nên chấm dứt”. “Ừ, phải vận động thôi, bây giờ thanh niên đi học nhiều, biết nhiều rồi mà”.

Bếp vẫn đỏ lửa. Những tiếng rì rầm vẫn còn đó. Thật khuya rồi. Khi chiều tôi ra suối tắm. Sâu thẳm và mát lạnh. Khói bếp, khói rẫy vướng vít cây rừng rồi biến thành mây trắng mênh mông ôm lấy làng.  Tôi nhớ Briu Quân nói rằng ở làng  bây giờ là thế, có ăn uống mới giữ được tình đoàn kết, đó cũng là cái dở mà cũng là điều hay. Tôi gật. Làng quê Việt là thế đó. “Miếng thịt làng hơn sàng thịt chợ”, “góc chiếu đình làng”. Nếp cố hữu đó chảy trong huyết quản người nông dân, truyền đời, làm ăn giàu có hay đói nghèo chi họ cũng giữ. Những cơn địa chấn cưỡng lại điều đó, hình như thất bại.  Nhưng, chỉ còn lại những bản làng xa, chia nhau miếng thịt để thắt chặt tình làng xóm là còn nguyên, chứ bây giờ xúm lại ăn nhậu rồi đánh nhau bể đầu sứt trán, xem ra phần nhiều. Thế mới biết cá nhân, thủ lĩnh thời nào, đời nào, ở đâu cũng là trung tâm của bao điều…

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thẳm sâu A Réc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO