Thắm tình hữu nghị - Bài cuối: Vang khúc sa-ma-khi

ALĂNG NGƯỚC 10/05/2018 10:36

Tin liên quan

  • Thắm tình hữu nghị - Bài 2: Vun đắp và giữ gìn
  • Thắm tình hữu nghị - Bài 1: Tấm lòng vùng biên

Ngày tết Bunpimay, rộn ràng theo khúc hát sa-ma-khi (đoàn kết) là những điệu múa lăm vông truyền thống của đất nước Lào được đồng bào ở hai bên biên giới thể hiện đầy quyến rũ, nhịp nhàng trong niềm vui kết đoàn. Tình anh em cứ thế vang mãi…

Đại diện BĐBP tỉnh Quảng Nam bàn giao nhà hữu nghị cho gia đình ông Bun Thọt Chăn Thạ Phon ở bản Đắc Tà Oọc Nọi, huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đại diện BĐBP tỉnh Quảng Nam bàn giao nhà hữu nghị cho gia đình ông Bun Thọt Chăn Thạ Phon ở bản Đắc Tà Oọc Nọi, huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Biết ơn Việt Nam lắm!”

Dưới ánh nắng của Trường Sơn, bản Đắc Tà Oọc Nọi (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông) trở nên vui nhộn đón những người anh em Việt Nam sang bàn giao căn nhà hữu nghị cho gia đình ông Bun Thọt Chăn Thạ Phon. Bên căn nhà mới vừa được xây dựng, vợ chồng ông Phon không giấu được niềm vui, quây quần bên những người hàng xóm và các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam. Bởi với vợ chồng ông, ngôi nhà mới này hệt như một giấc mơ, sau hàng chục năm sinh sống ở căn nhà ẩm thấp, chật hẹp được dân bản giúp dựng lên từ khi mới lập gia đình. “Từ nay vợ chồng tôi không còn lo những ngày mưa gió nữa. Xin cảm ơn tấm lòng sẻ chia của các bạn dành cho những người khó khăn như chúng tôi!” - ông Phon bộc bạch, rồi bịn rịn nắm thật chặt từng bàn tay của các chiến sĩ biên phòng.

Căn nhà của ông Phon là một trong số nhiều căn nhà hữu nghị khác được BĐBP Quảng Nam hỗ trợ xây dựng theo chương trình phát động của Bộ Tư lệnh BĐPB giúp những hộ dân ở các cụm bản Lào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, được triển khai từ năm 2015. Mỗi căn nhà có trị giá hơn 160 triệu đồng, được trích một phần từ ngân sách của Bộ Tư lệnh BĐBP, BĐBP tỉnh và nguồn kêu gọi hỗ trợ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang từ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Song song với hoạt động này, BĐBP tỉnh triển khai nhiều chương trình ý nghĩa đối với đồng bào đang sinh sống dọc tuyến biên giới, thông qua các đợt tổ chức hỗ trợ gạo, nhận nuôi đỡ đầu học sinh theo mô hình “Nâng bước em đến trường”, cùng hàng chục đợt tình nguyện thăm khám sức khỏe, trao quà tết,… đến nhân dân các cụm bản Lào. Từ đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị và chung sức bảo vệ đường biên, giữ vững quốc phòng - an ninh hai bên tuyến biên giới.

Năm 2017, chia sẻ trước những khó khăn của bà con các bộ tộc Lào trong mùa giáp hạt, lực lượng BĐBP tỉnh đã kịp thời xin chủ trương, hỗ trợ khẩn cấp hàng chục hộ dân ở bản Abưl (huyện Kà Lừm) - giáp ranh với huyện Tây Giang 14 tấn gạo. Ông Alăng Bhưi - Phó Trưởng bản Abưl tâm sự, đây không phải là lần đầu tiên người dân ở bản nhận gạo hỗ trợ của BĐBP và chính quyền huyện Tây Giang trong mùa giáp hạt. Nhiều năm qua, do ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều cánh rẫy của bà con luôn bị mất mùa, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu ăn. Hàng năm, bên cạnh số gạo hỗ trợ, người làng Abưl cũng nhiều lần tìm đến bà con ở các xã biên giới của Tây Giang nhận sắn, gạo, muối ăn do người dân chia sẻ. “Chúng tôi biết ơn các bạn Việt Nam nhiều lắm!” - ông Bhưi nói. Lời bài hát “Tấm lòng Lào - Việt” vang theo bước chân của họ, khuất dần sau những ngọn núi Trường Sơn xanh thẳm: “Lào - Việt Nam đoàn kết, cùng chiến đấu chung một chiến hào/ Đuổi đánh xâm lăng, dựng xây đời mới/ Khổ đau sẻ chia bao tháng ngày ta luôn có nhau…/ Tình nghĩa sắt son mãi thắm tình đoàn kết vững bền/ Ôi sao đẹp thế, như sắc màu hoa chăm pa/ Việt - Lào anh em tình nghĩa sâu như Cửu Long/ Lào - Việt Nam tình sắt son như dãy Trường Sơn...”.

Ấm áp nghĩa tình

Trên những ngôi nhà nhỏ dọc khu vực biên giới, ánh điện đã bắt đầu rực sáng khi chiều buông. Người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở Lào hướng về đồng bào mình phía bên kia dãy Trường Sơn hùng vĩ. Và trong từng mái gươl ở bản, câu chuyện về những ân tình giữa đồng bào hai bên biên giới được các trưởng bản kể cho con cháu nghe. Khúc sa-ma-khi truyền thống lại vang giữa rừng.

Thiếu tá Đỗ Xuân Trinh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang chia sẻ, cứ sau mỗi chuyến đi tình nguyện, đến thăm và trao quà cho bà con các bộ tộc Lào, ấn tượng đọng lại trong mỗi thành viên của đoàn chính là tình cảm và sự yêu mến của bà con dành cho đoàn tình nguyện. Là đơn vị đứng chân nơi biên giới Việt - Lào, nhiều năm qua Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang đã phối hợp tổ chức rất nhiều đợt tình nguyện sang huyện bạn Đắc Chưng, thông qua các hoạt động thăm khám sức khỏe, trao quà tết và hỗ trợ sinh kế cho bà con các bộ tộc khó khăn ở cụm bản,… “Những năm trước đây, hoạt động tình nguyện chỉ được thực hiện tập trung tại trung tâm hành chính huyện nên việc người dân tiếp cận rất hạn chế, do điều kiện đi lại khó khăn. Rút kinh nghiệm, mới đây chúng tôi đã thực hiện hoạt động thiện nguyện về tận từng bản, cụm bản của đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng ở Đắc Chưng. Nhờ vậy, hầu hết người dân địa phương đã được tư vấn, thăm khám sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội. Bà con vui lắm!” - Thiếu tá Đỗ Xuân Trinh chia sẻ.

Nghĩa tình như sông, như núi Trường Sơn
Ngày Tết cổ truyền Bunpimay - Phật lịch 2561, tôi ngồi với ông Khăm May Đuông Căn Nha - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Sê Kông. Ông nói tiếng Việt khá sõi và cho biết đã nhiều lần sang thăm Quảng Nam thông qua các chương trình hợp tác, hữu nghị giữa hai địa phương. Ông Khăm May Đuông Căn Nha đánh giá rất cao những tình cảm, sự hỗ trợ ý nghĩa của Quảng Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của tỉnh Sê Kông trong thời gian qua. Đồng thời cho biết, chính nhờ các chương trình hỗ trợ đặc biệt của chính quyền Quảng Nam, các đơn vị và địa phương giáp ranh biên giới như Tây Giang, Nam Giang đã tạo điều kiện giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các cụm bản của tỉnh Sê Kông. “Truyền thống đoàn kết hữu nghị và quá trình hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào nói chung và Quảng Nam - Sê Kông nói riêng đã được xây dựng và vun đắp từ rất lâu đời. Mối quan hệ đặc biệt đó khẳng định tình cảm quý báu, thiêng liêng giữa hai quốc gia, hai dân tộc sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như sông, như núi Trường Sơn” - ông Khăm May Đuông Căn Nha nói.

Là địa phương có chung đường biên giới với huyện Kà Lừm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Arất Blúi cho hay, bên cạnh phối hợp hỗ trợ đầu tư mặt bằng dân cư, nước sinh hoạt cho bà con Cơ Tu ở cụm bản Tà Vàng, những năm gần đây địa phương còn trực tiếp vận động quỹ “Nghĩa tình biên giới” để tạo nguồn lực chia sẻ khó khăn với nhân dân huyện Kà Lừm. Đến nay, quỹ đã tiếp nhận hơn 5 tỷ đồng từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài huyện. Hàng năm, từ số tiền này, địa phương trích hỗ trợ nhân dân Kà Lừm hàng chục tấn gạo, hàng nghìn cây trồng, con vật nuôi; thường xuyên tổ chức đoàn đến thăm khám, điều trị cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà tết bà con các bản giáp ranh. Ngoài ra, Tây Giang còn giúp đỡ huyện Kà Lừm san ủi mặt bằng, xây dựng công trình nước sinh hoạt, mở đường giao thông, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng bản Tà Vàng - nơi có đông người Cơ Tu sinh sống. “Tùy theo điều kiện của địa phương, cũng như nhu cầu và nguyện vọng từ phía bạn Lào, sắp tới đây Tây Giang sẽ có thêm những hoạt động nghĩa tình biên giới phù hợp với các nội dung trong chương trình hợp tác hữu nghị đã được ký kết giữa hai địa phương” - ông Blúi cho hay.

Biên giới mùa này nóng hầm hập theo từng cơn gió Lào. Trên những ngôi nhà nhỏ dọc khu vực biên giới, ánh điện đã bắt đầu rực sáng khi chiều buông. Người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở Lào hướng về đồng bào mình phía bên kia dãy Trường Sơn hùng vĩ. Và trong từng mái gươl ở bản, câu chuyện về những ân tình giữa đồng bào hai bên biên giới được các trưởng bản kể cho con cháu nghe. Khúc sa-ma-khi truyền thống lại vang giữa rừng.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắm tình hữu nghị - Bài cuối: Vang khúc sa-ma-khi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO