Cuộc thi sáng tác thơ về đất và người Quảng Nam nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh tuy là một cuộc thi ngắn mà tình thơ, tình đất, tình người ắp đầy.
Trao giải cuộc thi thơ cho các tác giả trong đêm thơ Nguyên tiêu Đinh Dậu diễn ra vào tối 9.2 tại Tam Kỳ. Ảnh: C.T.V |
“Nhớ ai mà Hòn Kẽm/Đợi ai mà Đá Dừng/Ngõ chiều thắt đáy lưng ong ý thơ mật quả/ Đại Bường em đôi mươi tóc thơm da nuột/ Cỏ non bò gặm nắng/Sông sâu cá mơ trăng”. Đây là một đoạn trong bài thơ “Hát với Thu Bồn” (Nguyễn Giúp) - tác phẩm đoạt giải A cuộc thi thơ về đất và người Quảng Nam do Hội VHNT tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 - năm 2017. Ở cả 2 vòng sơ khảo và chung khảo, bài thơ này đều nhận được điểm số cao nhất của các thành viên Ban Giám khảo, bởi cấu tứ vừa mạch lạc, tươi mới vừa thắm thiết, sâu đằm. Đặc biệt, không cần kể lể dài dòng hay thống kê địa danh, chiến tích như thường thấy ở kiểu thơ “tả quê” thiên về ngợi ca, bài thơ này vẫn có đầy đủ hồn cốt, linh khí và vóc dáng oai thiêng, hào hùng mà lãng mạn của một Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và thơ ca... Cũng vậy, bằng cái tình quê chất ngất chảy miên man trong huyết quản, một tác giả khác là Huỳnh Minh Tâm đã có được những câu thơ thấm đẫm tình quê, tình đất. “Quê hương của mẹ/ Trên những vùng trung du, bên bờ biển/ Mở lồng ngực anh tiếng hót loài chim chào mào/ Thanh thoát nguồn dãy Trường Sơn/ Cho anh tầm nhìn/ Nối từ vũ điệu apsara/Đến khúc dân ca của mùa thu, mùa xuân/ Rượu Hồng đào, nhà gươl, Thủ Thiệm...” (Quê hương của mẹ). Huỳnh Minh Tâm gửi tới cuộc thi một chùm thơ 3 bài và cả 3 đều được trao giải A.
Từ 134 bài thơ của gần 100 tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về dự thi, Ban tổ chức cuộc thi sáng tác thơ về đất và người Quảng Nam nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh đã chấm chọn và quyết định trao 2 giải A, 4 giải B và 6 giải C cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Trong đó, 2 giải A thuộc về tác giả Nguyễn Giúp với bài thơ “Hát với Thu Bồn” và Huỳnh Minh Tâm với chùm thơ “Quê hương của mẹ”, “Tráng ca cho một dòng sông” và “Quê hương, những trang sách và người lính”. Lễ trao giải đã được tổ chức trong đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra vào tối ngày 9.2 tại Tam Kỳ. |
Chỉ diễn ra trong vòng một tháng (6.1 - 5.2.2017) nhưng đề tài thì rất rộng, lại kèm theo yêu cầu phải là sáng tác mới chưa từng công bố ở bất cứ đâu, nên cứ tưởng Cuộc thi sáng tác thơ về đất và người Quảng Nam lần đầu tiên tổ chức kể từ 20 năm nay sẽ có không nhiều tác giả/tác phẩm dự thi. Ấy vậy mà đã có tới 134 bài thơ - trong đó có nhiều bài dài ngót 3 trang, của gần 100 tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về dự thi. Đặc biệt, hầu hết tác phẩm thơ dự thi đều bám rất sát “đề bài”: tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp chân phác, mặn mà, thủy chung, tình nghĩa của đất và người xứ Quảng; cùng với đó là sự ghi nhận, tự hào, cảm phục trước những thành tựu nổi bật, “thần kỳ” trên mảnh đất “chưa mưa đà thấm” sau 20 năm tái lập... Có rất nhiều những câu thơ đọc lên là nhận ra ngay bóng dáng xứ Quảng, bạo liệt, thủy chung và đầy ắp tin yêu: “Chèo chống... chèo chống.../ Hố khoan hố hợi... đu ghềnh đội sóng/ Nước mắt nụ cười à ơi lớn ròng/ Máu xương đã thấm/ Ngày dạt dào xô-nát đất đai/ Cây xứ sở trổ niềm tin hoa trái...” (Nghe thổi tò he - Đỗ Thượng Thế). Có rất nhiều những câu thơ lãng đãng mà phấn khích, tự hào của những người Quảng đang sống và làm việc ở Quảng Nam, như: “Ta bỗng lạc giữa ngày mông mênh/ câu thơ tháng giêng vàng trăng xanh lá/ Giao Thủy, Câu Lâu giấc mơ dài bồng bềnh qua sóng cả/ cổ độ đùn lên những nhịp hợp long” (Những giấc mơ dài - Mộc Nhân). Có những câu thơ đầy nhớ nhung, yêu thương và kỳ vọng của những người Quảng xa quê, như: “Lại về đây với biển trời sông núi/ Sóng Thu Bồn - Cửa Đại ánh khơi xa/ Hai mươi năm khởi sắc một quê nhà/ Đất Quảng mới đã nên trang rạng rỡ” (Tháng ba lại về thăm quê - Kim Thạch, TP.Hồ Chí Minh). Cả những người không phải là người Quảng và chưa từng một ngày sống ở xứ Quảng vẫn có những câu thơ rất đẹp, ấm áp tình quê tình đất tình người dành riêng cho xứ Quảng, như: “Em về thăm xứ Quảng quê anh/ Cả nông thôn như thay màu áo mới/ Phố mọc thêm những ngôi nhà cao vợi/ Điện lung linh thắp sáng những cung đường/ Đã bao lần em bỗng thấy vấn vương/ Yêu tình đất và tình người xứ Quảng...” (Về thăm xứ Quảng - Nguyễn Thị Mai Trâm, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Quả là một cuộc thi ngắn mà tình thơ, tình đất, tình người ắp đầy, dào dạt, như trong câu thơ “họa bút” tự hào, mời gọi của Lê Thị Điểm: “Núi sông họa bút thơ reo/Ai về xứ Quảng thì theo em về...” (Bước chân xứ Quảng).
BẢO ANH