(QNO) - Chiều 24/10, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức buổi tọa đàm tham vấn chuyên gia về tu bổ di tích Chùa Cầu.
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Văn phòng JICA tại Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) cùng các chuyên gia tu bổ di tích của Việt Nam và Nhật Bản.
Thông tin từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đến nay dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hoàn thành xây dựng nhà bao che phục vụ tu bổ, hoàn thành hạ giải mái ngói âm dương, hoàn thành hạ giải hệ khung gỗ, hoàn thành gia cổ hệ móng - mố - trụ.
Các công việc tiếp theo của dự án dự kiến gồm: tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan...
Các nội dung được đưa ra tham vấn tại tọa đàm gồm: tu bổ, phục hồi cấu kiện gỗ; tu bổ, phục hồi mái ngói và các chi tiết trang trí mái; tu bổ, phục hồi màu sắc hoàn thiện cho di tích Chùa Cầu.
Tại tọa đàm, các chuyên gia về di tích của Việt Nam và Nhật Bản đã đưa ra nhiều góp ý, đề xuất trên quan điểm bảo tồn tối đa yếu tố gốc; duy trì đồng thời giá trị và chức năng di tích; mọi sự can thiệp phải trên cơ sở khoa học, lịch sử và ổn định lâu dài.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng từ nguồn vốn 50% ngân sách tỉnh hỗ trợ và 50% ngân sách thành phố Hội An bố trí. Dự án khởi công ngày 28/12/2022 và dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023.
Theo lãnh đạo UBND TP.Hội An, Chùa Cầu không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt mà còn là biểu tượng của đô thị cổ Hội An cũng như người dân địa phương nên công tác tu bổ nhận được sự quan tâm của tất cả chủ thể, do đó công tác trùng tu đang diễn ra hết sức thận trọng và việc tham vấn ý kiến từ các chuyên gia tại tọa đàm lần này hết sức quan trọng, là cơ sở để cơ quan chức năng tiếp tục tiến trình tu bổ Chùa Cầu đạt được hiệu quả cao nhất.