Đưa công nghệ ứng dụng vào quá trình truy vết thông tin dịch tễ. Áp dụng ngay các giải pháp của công cuộc chuyển đổi số nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Quảng Nam đang dần tiệm cận với mục tiêu “công nghệ trở thành một mũi tấn công đại dịch”.
Chủ động, kịp thời
Chiều ngày 4.5, liên tục các thông tin dịch tễ được cập nhật từ những ca bệnh Covid-19 xuất phát từ Đà Nẵng. Khi ấy, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế bận rộn với hàng chục cuộc điện thoại lẫn những thông báo về tình hình truy vết hiện tại.
Ngày 2.5, khi các ca bệnh số 3220, 3404 và 3405 công bố tại Đà Nẵng (nhân viên marketing, nhân viên hành chính và tổng giám đốc, Thẩm mỹ viện Quốc tế AMIDA) có đi đến Hội An, thì sau đó chưa đến 1 ngày, Quảng Nam truy vết được 10 trường hợp F1 và đưa đi giám sát, cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.
Một trường hợp khác, liên quan đến ca bệnh là nhân viên spa ở Đà Nẵng. Ngày 8.5, người này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Đà Nẵng xét nghiệm cho kết quả dương tính và khai báo có về quê Núi Thành vào đợt nghỉ lễ 30.4 - 1.5 và dự đám hỏi, đám cưới cũng như sinh hoạt ở một số nơi đông người. CDC Đà Nẵng lập tức gửi thông tin dịch tễ về địa phương. Ngay trong đêm 8.5, lực lượng phòng chống dịch của huyện Núi Thành tiến hành truy vết thần tốc.
Ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành nhớ lại, cùng với phương pháp thủ công là điều tra từ dịch tễ, lực lượng y tế, công an đã làm việc xuyên đêm, vừa đối chiếu, so sánh với các dữ liệu trích xuất từ việc cài đặt Bluezone của người dân để “không bỏ sót F1”. Cho đến chiều ngày 9.5, Núi Thành đã tìm ra 20 F1 liên quan và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm...
Đơn cử vài câu chuyện truy vết thần tốc của Quảng Nam như vậy cho thấy, đợt dịch mới đây nhất tại Đà Nẵng và liên quan đến Quảng Nam, công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm của tỉnh đã nhanh hơn gấp nhiều lần so với các đợt bùng phát trước.
Ông Mai Văn Mười nói, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, huy động tổng lực để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm... là những hoạt động buộc phải triển khai gấp rút trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Liên thông tối đa
Cũng ở thời điểm đầu tháng 5, Quảng Nam ban hành hàng loạt văn bản và hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch. Khác với đợt dịch hồi tháng 8 năm ngoái, thay vì chỉ khuyến khích, chính quyền Quảng Nam từng bước chuyển sang chiều hướng buộc người dân phải tuân thủ trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19.
Những công điện khẩn với các hướng dẫn, yêu cầu cụ thể, thiết lập hệ thống giám sát, đồng thời ràng buộc trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở.
Tất cả sở, ban, ngành và địa phương được yêu cầu tổ chức nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. Đặc biệt, mọi người dân khi quay trở về sau đợt nghỉ lễ đều phải khai báo y tế trên “tokhaiyte.vn” hoặc khai báo y tế bằng QR Code.
Tại những địa điểm công cộng, buộc phải quét mã QR để ghi nhận nhằm khai báo y tế. Đây là cách lưu lại “mốc dịch tễ” của người dân để truy vết người nghi nhiễm Covid-19. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên smartphone.
Sở Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các đơn vị yêu cầu toàn bộ người lao động cài đặt Bluezone để quét mã QR và thống kê, theo dõi số lượng trên hệ thống nhằm phục vụ công tác truy vết khi cần.
Theo các chuyên gia, khi ứng dụng các giải pháp như Bluzone, NCoVi, mã QR có thể xác định chính xác những người tiếp xúc gần nhau. Việc ứng dụng công nghệ một cách triệt để, bằng nhiều mô hình khác nhau là một trong những lý do giúp nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam có thể khoanh vùng, tìm kiếm người có nguy cơ lây nhiễm, phát đi cảnh báo và kiểm soát được các làn sóng Covid-19. Tháng 8.2020, Bluezone đã cán mốc 20 triệu người dùng trong vòng 3 tuần. Hiệu quả truy vết được chứng minh, ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam dần được kiểm soát và khống chế.
Tại TP.Đà Nẵng, đợt dịch hồi đầu tháng 5 này, mỗi ngày có gần 1.000 lượt tải ứng dụng Bluezone để chung tay phòng chống dịch Covid-19. Tổng cài đặt ứng dụng Bluezone trên địa bàn TP.Đà Nẵng là 492.765 lượt (hơn 43,44% dân số cài đặt, cao nhất cả nước). Trong khi đó, Quảng Nam hiện mới chỉ có hơn 32,3% dân số cài đặt ứng dụng này.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Theo đó, để chống dịch bằng công nghệ, các địa phương cần thực hiện kết hợp nhiều giải pháp. Các giải pháp này bao gồm việc triển khai cài đặt, ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp.
Các smartphone được cài đặt ứng dụng này có thể ghi nhận nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao lâu, từ đó phục vụ truy vết ca nhiễm và các ca nghi nhiễm có tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19. Theo các chuyên gia, các giải pháp công nghệ như ứng dụng Bluezone chỉ có thể đạt hiệu quả cao nếu được hơn 60% dân số sử dụng...
Sở Y tế vừa có Kế hoạch về Chuyển đổi số, Phát triển Chính quyền số và Ứng dụng Công nghệ thông tin ngành Y tế Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, trong công tác phòng chống dịch bệnh, mục tiêu chuyển đổi số đặt mục tiêu tất cả người dân được định danh y tế; khoảng 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử; các trạm y tế đều triển khai những phần mềm quản lý có đầy đủ chức năng theo quy định của Bộ Y tế và một nửa trong số này có nền tảng tư vấn, triển khai khám chữa bệnh từ xa.