Du lịch cộng đồng, sinh thái dù là xu hướng nhưng không có nghĩa vùng quê nào cũng có thể xây dựng làng du lịch.
Phát triển du lịch nông thôn với các mô hình du lịch cộng đồng dù được xem là hướng đi phù hợp với xu hướng hiện nay nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế, rủi ro khi không gian cảnh quan bị tác động, mâu thuẫn cộng đồng phát sinh do lợi ích du lịch chia sẻ không đồng đều.
“Nỗi buồn” hậu dự án
Giữa tháng 6.2017, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) mở cửa đón khách. Đây được xem là mô hình làng du lịch cộng đồng “đạt chuẩn” nhất Quảng Nam tính đến thời điểm năm 2017. Sự kiện mang nhiều kỳ vọng cho địa phương và ngành du lịch sau khi vài mô hình làng du lịch cộng đồng chưa thành công trước đó.
Thời gian đầu “thương hiệu” Triêm Tây khá hút khách, dường như tuần nào cũng có khách đến tham quan, ăn uống tại làng (mặc dù phần nhiều trong số đó chủ yếu đến khu du lịch sinh thái Triêm Tây của KTS Bùi Kiến Quốc phía cuối làng).
Các dịch vụ như văn nghệ, ẩm thực, trình diễn dệt chiếu, tham quan di tích… trở thành sản phẩm phục vụ khách. Tuy nhiên, theo thời gian lượng khách đăng ký tour sụt giảm do năng lực quản lý, khai thác của HTX Nông nghiệp làng Triêm Tây (đơn vị đứng ra đón khách) hạn chế. Khách vẫn đến nhưng phần lớn đi tự do, nguồn thu không đủ chi trả các hoạt động.
Mâu thuẫn giữa các thành viên trong HTX, giữa thành viên HTX với người dân trong làng dần xuất hiện. Chỉ có đất đai Triêm Tây bỗng chốc tăng giá nhờ du lịch, một số gia đình đổi đời sau một đêm thức dậy. Ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà bê tông cao tầng được xây mới từ tiền bán đất, những hàng chè tàu mềm mại bị thay thế bằng hàng rào bê tông.
Năm 2021, cây cầu Cẩm Kim (bắc qua sông Thu Bồn khu vực bến cá Thanh Hà - Triêm Tây) hoàn thành cắt Triêm Tây thành hai phần tách biệt. Khung cảnh làng quê sinh thái, không khí trong lành, yên bình, điều làm nên giá trị Triêm Tây đang đối diện quá trình “đô thị hóa”.
Triêm Tây chỉ là “nỗi buồn” tiếp theo sau các mô hình làng du lịch Trà Nhiêu (Duy Vinh), Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên) khi phát triển du lịch mới chỉ chú trọng vào lợi thế cảnh quan và ý chí địa phương mà chưa xác định được sản phẩm đặc trưng, đặc biệt khoảng trống hậu dự án khi giao việc quản lý, điều hành, đón khách cho người dân (không có chuyên môn và nguồn khách ổn định).
Ông Trần Duy Năm - nguyên Trưởng ban Điều hành du lịch Trà Nhiêu từng chia sẻ, dù khách từ Hội An sang đông nhưng người dân không được hưởng lợi gì. “Khách qua đây chủ yếu đi tự do hoặc công ty đưa qua, họ đạp xe khắp làng nhưng mình chẳng thu được đồng nào. Nếu có ghé vào xem dệt chiếu, đan lưới thì được vài chục nghìn đồng, khách không đưa cũng chịu vì mình chưa có quy định” - ông Năm kể.
Tạo điểm nhấn khác biệt
Trước khi triển khai xây dựng làng du lịch cộng đồng, Triêm Tây và Trà Nhiêu được đánh giá có lợi thế khi nằm gần phố cổ Hội An. Tuy nhiên, đây lại chính là “thách thức” của hai làng du lịch.
Thực tế, hầu như đa số du khách quay về Hội An nghỉ ngơi sau khi tham quan làng bởi những nơi này thiếu điểm nhấn khác biệt và khoảng cách quá gần. Du lịch cộng đồng, sinh thái dù là xu hướng nhưng không có nghĩa vùng quê nào cũng có thể xây dựng làng du lịch.
Một con sông, một dòng suối, một bãi biền, một con đường rợp bóng cây xanh tuy thơ mộng, yên bình nhưng nếu thiếu điểm nhấn khác biệt và một kế hoạch đầu tư bài bản cũng chỉ là điểm check-in chốc lát, chưa thể là điểm đến du lịch lâu dài. Và điều này thì không mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Du lịch nông thôn không phải là sự xuề xòa đơn giản hay trình diễn giả tạo.
Thông thường, để xây dựng làng du lịch cộng đồng yếu tố đầu tiên chính là xác định tiềm năng, lợi thế làng (ẩm thực, ngành nghề truyền thống, có sông, có đồng, có biển, có di tích lịch sử gì…). Điều này vô tình dẫn đến sản phẩm du lịch các làng thường trùng lặp nhau. Chưa kể, không phải người dân nào cũng tham gia hoặc quan tâm đến du lịch của làng.
Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, một khi sản phẩm dịch vụ các làng du lịch cộng đồng vẫn na ná nhau không có sự khác biệt sẽ khó thu hút khách, nhất là với khách Việt, trừ trường hợp đối tượng khách đặc thù (sinh viên, học sinh, nhà nghiên cứu…).
“Nếu khách đến làng nào cũng trải nghiệm làm nông, nghe hát dân ca, ăn mỳ Quảng… sẽ thiếu sức hút. Tại vài nơi, môi trường trong làng và cách ứng xử của người dân quê không phải ai cũng thân thiện, văn minh nên cần thận trọng, cân nhắc khi phát triển du lịch làng, nếu không những ngôi làng truyền thống sẽ bị biến dạng khi du lịch xuất hiện” - ông Lực cảnh báo.
Tháng 4.2012, dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại xã Ta Bhing (Nam Giang) do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR- Nhật Bản) hỗ trợ bắt đầu triển khai đón khách. Một trong những quy định của dự án chính là tour chỉ đi về trong ngày với số lượng khách đăng ký ít nhất 6 người nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài vào môi trường, văn hóa cũng như đời sống của đồng bào, giúp người dân có thể giữ được cuộc sống yên bình.
Đây cũng là một gợi mở để bảo tồn các làng Quảng Nam khi tham gia hoạt động du lịch, dù rất khó. Đặc biệt, cần sự tham gia cam kết của doanh nghiệp lữ hành đưa khách về, nhất là cam kết về sẻ chia lợi ích với cộng đồng, tránh trường hợp lợi nhuận chỉ chảy vào túi doanh nghiệp khiến mục tiêu chia sẻ lợi ích từ du lịch không thành hiện thực dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, chệch hướng phát triển du lịch làng. Nếu không, hãy để làng bình yên.