Lo ngại gây ảnh hưởng lạm phát do giá thịt heo vẫn cao, Chính phủ sốt ruột đôn đốc hạ giá, tuy nhiên cho đến ngày 31.5 giá heo hơi vẫn treo ở mức 95 - 100 nghìn đồng/kg, chứ chưa thể xuống 70 nghìn đồng. Việc nhập khẩu thịt heo cũng xúc tiến, nhưng mặt khác muốn giá hạ thì phải lo tái đàn, song xem ra chưa thể thực hiện nhanh, bởi nhiều vùng thiếu giống, thiếu điều kiện đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, thậm chí dịch bệnh còn đe dọa.
Như ở Quảng Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại không nhỏ. Từ đàn heo có gần nửa triệu con, nay sụt giảm còn khoảng 250 nghìn con. Điều đáng nói hơn là việc dập dịch, phòng chống dịch vẫn còn những hạn chế nhất định, khiến dịch bệnh tái phát nhiều lần, nên việc tái đàn phải thận trọng. Theo báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT mới đây, trên địa bàn toàn tỉnh có 135 xã bị dịch qua 30 ngày tái phát dịch (1 - 4 lần), hiện còn 6 xã có bệnh dịch chưa qua 30 ngày. Trước tình hình đó, cùng với thực trạng chăn nuôi heo ở Quảng Nam chủ yếu theo mô hình nông hộ (chiếm khoảng 64%), chưa đảm bảo an toàn sinh học, vì vậy ngành nông nghiệp khuyến cáo “phải đặc biệt cẩn trọng” với kế hoạch tái đàn. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện tại chưa có vắc xin, chưa có thuốc trị bệnh dịch tả lợn châu Phi nên việc tăng đàn, tái đàn cần phải đảm bảo an toàn sinh học mà chỉ có các đơn vị chăn nuôi lớn làm tốt chứ nông hộ nhỏ lẻ thì khó khăn.
Ngoài vấn đề đảm bảo điều kiện chăn nuôi, thì khâu giống cũng hết sức quan trọng. Ở Quảng Nam thiệt hại là heo giống, heo nái sinh sản, heo nái hậu bị chết do dịch bệnh khá nhiều khiến nguồn giống để tái đàn bị hụt, thiếu trầm trọng. Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Quảng Nam, trước đây địa phương có gần 69.000 heo nái, nhưng từ giữa tháng 5.2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến hơn 50.000 con bị chết. Heo nái chết nhiều thì làm sao có heo con để tái đàn nhanh được (đàn heo nái hiện nay trên toàn tỉnh chỉ hơn 25.000 con, bằng gần 38% trước thời điểm có dịch). Thiếu thì mua được không? Có đấy, nhưng đắt quá, một số người đến chợ heo Bà Rén (chợ heo lớn nhất tỉnh) mua heo giống cho biết giá mỗi con heo giống có trọng lượng 4kg khoảng 1,2 triệu đồng.
Cũng như heo thịt, heo giống thiếu thì phải nhập khẩu. Đã có mấy chục doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu rồi nhưng khó đáp ứng nhanh được. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn giống trôi nổi cũng đặt ra. Giữa bối cảnh như vậy, người chăn nuôi còn phập phồng lo sợ dịch tái phát nên bỏ trống chuồng khá nhiều.
Dù khó khăn thế nào vẫn phải tính chuyện tái đàn heo. Trước hết cần có cuộc tổng rà soát điều kiện chăn nuôi, đảm bảo các yếu tố phòng ngừa dịch bệnh, như cách mà “thủ phủ nuôi heo” là tỉnh Đồng Nai đã làm, đó là người chăn nuôi và doanh nghiệp muốn tái đàn phải đăng ký với chính quyền và các ngành chức năng. Đồng thời để hỗ trợ người chăn nuôi, ngành thú y tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống bệnh dịch. Ngoài ra cần đúc kết các mô hình chăn nuôi heo an toàn để làm địa chỉ hướng dẫn, tham khảo. Có điều thú vị cũng nên học hỏi trong cách thức mà nhiều địa phương đã thực hiện là “cách ly” đàn heo của mình với bên ngoài, nhờ vậy nhiều nông hộ, trang trại vẫn bình chân như vại đi qua đại dịch và có heo xuất bán đều đều.
Thận trọng, không đồng nghĩa với việc lo sợ quá mà chậm chạp hay để tái đàn thế nào cũng được, bởi ngành chăn nuôi heo đem lại thu nhập không nhỏ cho nông dân, đồng thời tạo ra mặt hàng thực phẩm thiết yếu góp phần ổn định thị trường. Tái đàn cùng với tái cơ cấu chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học là chuyện cần làm bài bản chứ không nên để tự phát như lâu nay.