Tài chính - Thị trường

Thận trọng với chiêu trò vay tiền trực tuyến

THỤY BẤT NHI 02/02/2024 08:10

Kinh tế khó khăn, nhiều người lao động đang cần tiền để trang trải, đặc biệt là dịp tết. Đây là cơ hội béo bở để những đối tượng lừa đảo tăng cường hoạt động. Vì vậy người dân cần thận trọng với những chiêu trò cho vay tiền trực tuyến.

nh-4200.jpg
Ảnh minh họa

Đúng chiều rằm tháng Chạp, phóng viên nhận được điện thoại của người bạn ở quê. Người bạn là công nhân của một công ty may mặc, thời gian qua gặp khó khăn, đơn vị gần như giải thể, thất nghiệp phải đi bán hoa quả kiếm tiền nuôi con. Bất ngờ gọi điện, rõ ràng bạn cần việc gấp, nên phóng viên lập tức trả lời.

Đầu dây kia, người bạn ngập ngừng hồi lâu mới ngỏ lời, muốn vay tạm 5 triệu đồng chi tiêu tết. Năm triệu đồng không phải là con số lớn, nhưng tại sao lại ấp úng như vậy? Khi dò hỏi kỹ càng, phóng viên mới biết được hóa ra người bạn này mượn tiền không phải để chi tiêu tết mà để “đối ứng” cho một khoản vay trực tuyến.

Chuyện là, cận tết, thấy khó khăn quá, người bạn này mới lần mò trên mạng xã hội, thấy có đầu mối cho vay tiền tiêu dùng dịp năm mới, lãi suất không cao, lại bỏ qua dư nợ xấu, nên liên lạc thử. Đường dẫn trên mạng xã hội cho thấy thông tin một tổ chức tài chính dưới danh nghĩa “Ngân hàng HD”, và yêu cầu người có nhu cầu vay vốn liên lạc qua Zalo.

Sau khi kết nối với một người xưng là đại diện lập hồ sơ, người vay cần cung cấp các thông tin căn cước, số điện thoại, thu nhập, tài khoản… và chụp ảnh đủ các kiểu để hoàn tất đăng ký. Đại diện này lại đề nghị người vay liên lạc Zalo khác, là người sẽ thẩm định và duyệt hồ sơ.

Cứ thế qua ba lượt kết nối, người vay được báo là hồ sơ đã được duyệt, với hạn mức tự chọn đến 100 triệu đồng. Bước cuối cùng, một “cán bộ” hội sở tài chính sẽ yêu cầu người vay xác nhận lại số tài khoản sẽ nhận tiền vay và chờ trong 30 phút.

Có thể nói, trải qua những quy trình đó, người có nhu cầu vay tin tưởng đây là tổ chức tài chính nghiêm túc, nên càng hy vọng vay được tiền. Nhưng chờ qua vài giờ đồng hồ, tài khoản vẫn không nhận được tiền. Người vay liên lạc lại với “cán bộ”, và đây là bước quan trọng để xuất hiện sự việc lừa đảo.

Đó là, “cán bộ” sẽ yêu cầu người vay đăng nhập vào hệ thống theo hướng dẫn để kiểm tra vì sao chưa nhận được khoản vay. Kết quả, người vay sẽ phát hiện ra số tài khoản của mình bị sai một chữ số nào đó.

“Cán bộ” sẽ trách người vay bất cẩn và thông báo, do quy định tổ chức, hồ sơ vay có lỗi sẽ phải chứng minh tính hợp pháp của tài khoản xin vay, bằng cách chuyển vào tài khoản tổ chức từ 5 – 10 triệu đồng tùy khoản vay.

“Anh chị yên tâm, số tiền này để xác minh tài khoản của anh chị là đang hoạt động, và sau 30 phút tổ chức sẽ chuyển tiền lại cho anh chị, gồm số tiền xác minh và tiền vay” - “cán bộ tín dụng” này giải thích.

Đây là lý do người bạn liên lạc để mượn phóng viên 5 triệu đồng. Vì đang thật sự cần tiền, mà đã tìm được chỗ làm hồ sơ thuận lợi như vậy, người vay sẽ rất muốn xử lý sai sót, cố gắng vay mượn ai đó thêm tiền, nhằm có được khoản tiền vay. Điều đáng nói là thường số tiền đó chuyển đi xong, thì mọi sự liên lạc với tổ chức tín dụng đó sẽ chấm dứt.

Đây có thể nói là chiêu bài lừa đảo tinh vi, đánh trúng vào tâm lý người đang cần vay. Kể cả khi người vay nghi ngờ, “cán bộ” tín dụng sẽ điện thoại khuyên cố gắng, và đưa cho người vay xem căn cước, giấy phép lái xe… của mình làm tăng niềm tin “em đang giúp anh chị một cách chân thành”.

Chỉ cần người vay dao động, tin tưởng “cán bộ” có lòng tốt, là lập tức sa vào bẫy lừa đảo, bởi lẽ giấy tờ trưng ra chắc chắn lấy từ một người vay nào đó.

Nhận được tiền xác minh xong, là bọn lừa đảo khóa zalo, tắt điện thoại và biến mất.
Qua trao đổi với một số công nhân, người lao động, hiện tượng lừa đảo đến tận cùng này đang rất phổ biến trên mạng xã hội, qua ứng dụng Zalo và một số phần mềm chat khác.

Những báo cáo của người bị lừa với các trang mạng xã hội về các chiêu trò này đều vô hiệu vì “tất cả đều không vi phạm quy chế cộng đồng”, nên các trang thông tin tha hồ xuất hiện. Trong những ngày cuối năm này, hiện tượng lừa đảo lại càng phổ biến.

Cũng như lời khuyên đã đưa ra với người bạn ở quê, phóng viên mong mọi người tiêu dùng, với những ngày cuối năm tất bật và khó khăn này, phải hết sức tỉnh táo, cẩn thận để tránh sa vào những cái bẫy lừa đảo giao dịch trên không gian mạng. Hy vọng các cơ quan chức năng hết sức lưu tâm tình trạng này, có thể nhập cuộc làm rõ những hành vi lừa đảo tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thận trọng với chiêu trò vay tiền trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO