Công bố từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chất lượng thịt heo, bò tại các chợ, thành phố trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế quản lý ATVSTP mặt hàng thịt vẫn còn khá rối.
Người tiêu dùng hy vọng được cung cấp thịt rõ nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Ảnh: C.T.A |
Trước đa chiều thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm, cụ thể là thịt siêu bẩn, nội tạng động vật thối, ngâm thịt bị bệnh hay phù phép để biến hóa những thực phẩm “siêu bẩn” với việc tẩy hay sử dụng hóa chất, sử dụng tăng trọng cho thịt bò… người tiêu dùng trở nên hoài nghi và thận trọng. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lê Hữu Hà, không ở đâu xa, tại một số lò mổ ở Duy Xuyên và Quế Sơn trong đợt thanh kiểm tra đột xuất dịp Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, chi cục đã phát hiện và lập biên bản hàng loạt trường hợp các chủ lò mổ bơm nước vào các con bò để tăng cân, tăng trọng lượng cho thịt bò. “Vì lợi nhuận người ta sẵn sàng nghĩ ra nhiều cách gian lận thương mại, quên đi quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Dù người tiêu dùng không phải ai xa lạ, có thể là bạn bè, họ hàng bà con trong thôn xóm, trong cùng một địa phương” - ông Lê Hữu Hà, chia sẻ.
Kết quả kiểm tra mới nhất của đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Thú y làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra các cơ sở giết mổ, quầy thịt tại các chợ ở 2 địa bàn huyện Duy Xuyên và Điện Bàn. Tại chợ Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn), có tổng cộng 26 quầy thịt hoạt động nhưng có tới 6 quầy thịt vi phạm. Lỗi vi phạm chủ yếu tại các quầy là thịt chưa được cấp tem vệ sinh thú y, chưa được lăn dấu kiểm soát giết mổ. Trong khi trước đó, đoàn liên ngành cũng đã tiến hành kiểm tra tại 39 quầy thịt tại chợ thị xã Vĩnh Điện, nhưng chỉ có hai quầy vi phạm lỗi tương tự. Các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, qua các đợt kiểm tra đột xuất, tiểu thương hoạt động tại các chợ nhỏ lẻ, xa trung tâm sẽ vi phạm cao hơn so với tiểu thương hoạt động tại chợ trung tâm. “Thậm chí, suy nghĩ mua thịt tại chợ quê sẽ an toàn hơn chợ thị xã, thành phố có thể đã không còn đúng. Bởi, một số tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Thanh Quýt có nhà tại Đà Nẵng nên sáng lấy thịt từ TP.Đà Nẵng đem vào chợ Thanh Quýt để buôn bán, kinh doanh. Thế nên thịt ở đâu có dấu xác nhận vệ sinh thú y thì mới có thể khẳng định an toàn hay không, vị trí của thịt được buôn bán không nói lên điều gì cả” - ông Phạm Tấn Tịnh, cán bộ Phòng Thanh tra - Pháp chế Chi cục Thú y tỉnh, nói.
Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn) cho biết: “Buổi sáng sớm cán bộ thú y xã đến các lò giết mổ tập trung để đóng dấu kiểm soát giết mổ lên heo, bò. Thường lúc đó lò mổ chỉ mổ một, hai con theo nhu cầu tiêu dùng thịt ổn định trước đó. Sau khi chợ họp, có thể do nhu cầu bên ngoài tăng, số lượng thịt đã được lăn dấu trước đó không đủ đáp ứng, các lò mổ lại mổ thêm một hai con heo, bò nữa mà không báo cáo với lực lượng chức năng nên xảy ra tình trạng thịt tại chợ Thanh Quýt không được lăn dấu”. Trong khi đó, ông Lê Hữu Hà cũng cho biết một thực tế, có trường hợp cán bộ thú y của xã giao hẳn con dấu cho các chủ lò mổ. “Cán bộ thú y xã hiện nay chưa phải là công chức nhà nước, là cán bộ bán chuyên trách với mức lương tối thiểu 1.0. Với mỗi con dấu được lăn trên heo, bò là 7.000 đồng/con dấu, thì cán bộ thú y sẽ được hưởng phần trăm theo con dấu đó. Tuy nhiên, các lò giết mổ tập trung tại các xã, phường số lượng heo, bò không nhiều mà mỗi sáng sớm phải thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng để thi hành công vụ nên có nơi, có chỗ xảy ra thực tế giao dấu cho lò mổ luôn” - ông Phạm Tấn Tịnh, nói.
Rõ ràng, với quy trình kiểm soát giết mổ như hiện nay, lại thêm sự tồn tại của các chợ nhỏ lẻ, manh mún, chợ cóc....thì chuyện quản lý chất lượng thịt an toàn vẫn còn là vấn đề khó kiểm soát. Đó là chưa kể đến quy trình chăn nuôi heo, bò. “Trước ngày 7.7.2011, cả tỉnh có khoảng 790 cơ sở giết mổ gia súc. Thực hiện Chỉ thị 23 của UBND tỉnh năm 2011, sau khi quy hoạch sắp xếp lại thì có 195 cơ sở giết mổ gia súc trên toàn địa bàn tỉnh. Vậy nhưng những hạn chế trong kiểm soát, quản lý an toàn vệ sinh lại tồn tại trong các loại thịt. Thế nên, theo phương án sắp xếp của các huyện sắp tới thì mỗi huyện, thành phố chỉ còn một cơ sở giết mổ để tiện quản lý” - ông Lê Hữu Hà, cho biết thêm. Trong khi đó, “người tiêu dùng vẫn không thể nào tin tưởng được chất lượng thịt trước thực tế nhiều cơ sở chăn nuôi từ lớn đến nhỏ đều sử dụng thức ăn tăng trọng... Để có một miếng thịt heo, thịt bò... chất lượng như cách đây vài năm đã trở thành điều xa vời, khó thực hiện” - bà Nguyễn Thị Thọ (đường Trần Nhật Duật, khu phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, Tam Kỳ), nói.
CHIÊU THỤC ANH