Cho trẻ uống thuốc kháng sinh mỗi khi bị bệnh là một thói quen của các bậc phụ huynh, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng cho đúng và hiệu quả.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, hiện nay có nhiều bậc phụ huynh, thậm chí cả bác sĩ, người bán thuốc chưa hiểu rõ việc dùng thuốc kháng sinh thế nào cho hợp lý, đúng cách. “Mọi người đều nghĩ bệnh nào cũng cho kháng sinh là khỏi nên các bậc phụ huynh thấy con ốm là phải có kháng sinh mà không biết rằng ở trẻ nhỏ các bệnh sốt, viêm hô hấp, chảy nước mũi chủ yếu là do vi rút. Nếu do vi rút thì bệnh thường có cơ chế tự khỏi nếu dùng kháng sinh mà không thể điều trị được thì vô tình làm cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Đến khi mắc bệnh do vi khuẩn thông thường cũng không điều trị kháng sinh được vì nó đã lờn với kháng sinh”- bác sĩ Thoại nói.
Sử dụng thuốc có nhiều kháng sinh sai cách, không đúng loại có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, gây nguy hiểm ở trẻ em. |
Trẻ em đặc biệt thường hay gặp những bệnh về hô hấp, sốt hay ho, sổ mũi vào những khi thời tiết bước vào giai đoạn giao mùa. Trừ những trường hợp am hiểu về thuốc thì sẽ tìm được loại thuốc phù hợp cho con để trị dứt bệnh, còn lại đa số vẫn phải nhờ vào các bác sĩ, đặc biệt là ở các phòng khám tư nhân. Gặp chúng tôi khi đang đưa con đi điều trị tại một phòng khám tư trên đường Phan Bội Châu, chị Trần Thị L., trú ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh cho biết, mỗi khi con ho, sốt hay sổ mũi kéo dài, chị thường đưa con đến các phòng khám tư nhân để khám và mua thuốc. “Bác sĩ khám, cho thuốc nên mình theo đó mà cho con uống. Trẻ con dăm bữa nửa tháng thì đau, cùng mấy triệu chứng quen thuộc là ho, sổ mũi, khò khè, và lại phải đến bác sĩ ”- chị L. nói. Đây cũng chính là một trong những thói quen mà nhiều phụ huynh gặp phải: cứ thấy con hết đau là ngưng uống thuốc. “Thuốc kháng sinh nếu không uống đủ liều sẽ phản tác dụng. Thông thường, các loại kháng sinh phải uống từ 5 đến 7 ngày, cho dù trẻ có ngưng bệnh thì vẫn phải cho uống đủ, đúng với chỉ định của bác sĩ. Nhiều phụ huynh thấy con bớt đau là dừng, không cho uống nữa là sử dụng không đúng thuốc kháng sinh” - bác sĩ Thoại khuyến cáo.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; trong đó có nội dung kiểm tra việc kê đơn thuốc kháng sinh trong cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kê đơn thuốc và sử dụng kháng sinh trong các cơ sở khám chữa bệnh. Có biện pháp giám sát hiệu quả việc chấp hành các quy định này và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài nguyên và môi trường tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Có giải pháp thực hiện hiệu quả kế hoạch này. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các nhà thuốc về việc chấp hành các quy định về bán thuốc kê đơn và có biện pháp quyết liệt để quản lý hiệu quả việc thực hiện các quy định này, trước tiên tập trung vào nhóm thuốc kháng sinh. |
Sử dụng thuốc kháng sinh sai cách sẽ dẫn đến việc bị lờn thuốc. Khi đó, dù mắc bệnh bình thường nhưng vi rút đã kháng với tất cả loại thuốc kháng sinh sẽ trở nên nguy hiểm cho trẻ. Trường hợp mà chúng tôi ghi nhận được tại một phòng khám nhi ở đường Nguyễn Thái Học, nhiều phụ huynh của trẻ em yêu cầu bác sĩ bán cho mình 3 - 4 ngày thuốc với lý giải: con khó uống thuốc, uống chừng đó đủ rồi. “Thông thường khi kê thuốc trị bệnh cho trẻ, tôi đều cho từ 5 ngày thuốc trở lên. Nhưng có nhiều người không chịu, vì nhiều lý do nên đành bán theo yêu cầu của họ thôi” - một bác sĩ phòng khám tư (xin được giấu tên) bộc bạch.
Có nhiều người dày công nghiên cứu các loại thuốc, nhưng lại quên tra cứu cách uống thuốc, sử dụng thuốc thế nào cho hợp lý. Bác sĩ Thoại nói: “Không phải cứ loại kháng sinh mới, đắt tiền nào cũng tốt cả. Bởi mỗi loại kháng sinh có một chức năng, đặc trị riêng. Đối với thuốc kháng sinh, không có định nghĩa rõ ràng là mạnh hay yếu mà sử dụng phải đúng. Nhiều người quan niệm rằng, kháng sinh nào đắt nhất, mới nhất thì hiệu quả cao mà quên đi rằng có nhiều bệnh dùng những loại kháng sinh cũ, phù hợp để chữa được bệnh chứ không phải cứ kháng sinh thế hệ mới là hết bệnh”. Bác sĩ Thoại cũng cho biết thêm, để thay đổi tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan, sai cách như hiện nay, các phụ huynh cần tìm hiểu rõ các loại thuốc để khi sử dụng cho đúng cách và phù hợp để tránh việc bị kháng thuốc ở trẻ em. Đối với những người bán thuốc cũng cần có trách nhiệm hơn đối với người bệnh khi kê đơn, bốc thuốc. Phải giải thích cặn kẽ, khuyến cáo sử dụng thuốc thế nào là hợp lý cho người nhà bệnh nhân thì mới hạn chế được tình trạng như hiện nay.
NGUYỄN DƯƠNG