Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, trong tháng 1/2023 đơn vị đã huy động vào ngân sách nhà nước hơn 2.489 tỷ đồng, bằng 12,5% dự toán Tổng cục Thuế giao, bằng 11,9% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả khả quan khởi đầu cho một năm thu ngân sách được dự báo khó khăn.
Theo đó, tại cơ quan Cục Thuế thu được hơn 2.268 tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán năm. Trong đó, các doanh nghiệp trọng điểm có đóng góp chủ lực cho ngân sách vẫn giữ đà tăng trưởng ổn định, điển hình như các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trường Hải chỉ trong tháng 1/2023 đã đóng góp cho ngân sách nội địa tại Quảng Nam 1.546 tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 93 tỷ đồng).
Thu từ các doanh nghiệp thủy điện vẫn giữ nhịp, đạt hơn 184 tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán năm, tăng 38,5% so với cùng kỳ 2022, đóng góp nỗ lực vào lĩnh vực này, phải nói đến Công ty CP Thủy điện A Vương (45,9 tỷ đồng), tiếp đến là Công ty CP Thủy điện Đắk Mi (32 tỷ đồng).
Hoạt động sản xuất của Nhà máy bia Heineken Việt Nam chi nhánh Quảng Nam sau một thời gian sụt giảm nay đã có dấu hiệu khởi sắc và trong tháng 1/2023 đã đóng góp cho ngân sách Quảng Nam 157 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước, bằng 28% dự toán giao. Đây là tín hiệu khả quan, nếu tiếp tục duy trì và ổn định thì đây sẽ là nguồn thu quan trọng sau Trường Hải và cùng với các doanh nghiệp thủy điện sẽ là ba trụ cột chính cho ngân sách Quảng Nam.
Tuy nhiên, Cục Thuế Quảng Nam cũng cho biết thêm, một số nguồn thu sắc thuế khác có dấu hiệu chững lại hoặc đạt thấp hơn so với cùng kỳ, như: thuế thu nhập cá nhân trong tháng 1/2023 chỉ thu được 63 tỷ đồng (đạt 9% dự toán) chủ yếu thu từ tiền công, tiền lương và từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân; còn thu đối với chuyển nhượng bất động sản đạt khá thấp (chỉ bằng 37,7% so với cùng kỳ năm 2022) vì thị trường bất động sản trong thời gian gần như “đóng băng”.
Hay như, thu thuế bảo vệ môi trường cũng đạt thấp tương tự, trong tháng chỉ thu 16,5 tỷ đồng, đạt 3% dự toán, bằng 32,4% so cùng kỳ, nguyên nhân giảm thu do tác động của việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XV) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Đối với số thu do các chi cục thuế trực tiếp quản lý thực hiện, trong tháng 1/2023 đã thu được 221,5 tỷ đồng, đạt 8,8% dự toán năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chia theo địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có 7/18 đơn vị có kết quả thu trong tháng 1/2023 đạt trên 10%, gồm: Duy Xuyên thu hơn 31 tỷ đồng, đạt 19,3% dự toán; Đại Lộc thu hơn 19 tỷ đồng, đạt 18,8%; Nông Sơn thu 2,2 tỷ đồng, đạt 18,6%; Phước Sơn thu 3 tỷ đồng, đạt 13,4%; Núi Thành thu 23,5 tỷ đồng, đạt 12,8%; Thăng Bình thu 21,6 tỷ đồng, đạt 12,3% dự toán; Nam Trà My thu 2,5 tỷ đồng, đạt 10,5 dự toán.
Theo nhận định của Cục Thuế Quảng Nam, mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước trong 1/2023 vượt cao hơn mong đợi, nhưng đều tập trung vào một số nguồn thu, lĩnh vực trọng điểm có truyền thống như ô tô, thủy điện, bia. Chưa có năng lực mới phát sinh, trong khi đó dự báo năm nay tình hình thu ngân sách đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Vì thế, ngay từ đầu năm Cục Thuế đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc khai thác nguồn thu mới, kinh doanh trên nền tảng số, chống nợ đọng ngay từ đầu năm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong kỳ quyết toán thuế sắp đến và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; triển khai kịp thời các chính sách, giảm, giãn thời gian nộp thuế.