Tháng 7.2021 nóng kỷ lục trên thế giới

KIM OANH 06/08/2021 15:28

(QNO) - Ngày 5.8, các nhà khoa học đưa ra thông báo, tháng 7 vừa qua là một trong ba tháng 7 nóng kỷ lục trên thế giới, chỉ sau năm 2019 và 2016.

Nhiều người ở thủ đô Washington của Mỹ tìm cách giải nhiệt tại các hồ nước. Ảnh: AP
Nhiều người ở thủ đô Washington của Mỹ giải nhiệt tại các hồ nước. Ảnh: AP

Mùa hè nóng bức như đang thiêu đốt nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, nhiều quốc gia khu vực châu Âu gồng mình gánh chịu đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Nhiệt độ tăng cao gây ra các đám cháy rừng và lũ lụt chết người tại nhiều nơi.

Như Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận nhiệt độ lên hơn 49 độ C trong mùa hè này, Hy Lạp báo cáo nhiệt độ lên 48 độ C và thậm chí còn kéo dài trong những ngày tới... Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu là 48 độ C, cụ thể là ở Athens của Hy Lạp vào năm 1977.

Nhiệt độ cao bất thường ở các vùng từ Phần Lan đến Mỹ.

Tại Trung Quốc, Bỉ và Đức, lượng mưa lớn gây ra lũ lụt chết người. Nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và Canada, bắt đầu từ tháng 6 đến nay khiến hàng trăm người thiệt mạng, bên cạnh là các đám cháy rừng nghiêm trọng thiêu rụi phần lớn một số thị trấn.

Một số khu vực lạnh hơn một chút so với mức trung bình, bao gồm cả Đức và một số vùng của Nga.

Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp dẫn đến các hiện tượng thời thiết khắc nghiệt này.

Nhiều khu vực trải qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vào tháng trước, đúng như các nghiên cứu và cảnh báo của các nhà khoa học rằng sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng xảy ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, và một hành tinh nóng hơn sẽ dẫn đến lượng mưa lớn hơn..

Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Polar Portal, một công cụ mô hình hóa do các viện nghiên cứu Đan Mạch quản lý, kể từ ngày 28.7 vừa qua, mỏm băng bao phủ vùng đất rộng lớn ở Bắc Cực tan chảy với khối lượng khoảng 8 tỷ tấn mỗi ngày.

Các nhà khoa học thế giới chỉ dẫn, trên toàn cầu, tháng 7 vừa qua ấm hơn 0,33 độ C so với mức trung bình của tháng trong giai đoạn năm 1991-2020.

Freja Vamborg, nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) nói với hãng tin Reuters của Anh: “Khi chúng ta xem xét nhiệt độ toàn cầu, có sự thay đổi từ năm này sang năm khác hoặc thậm chí tháng này sang tháng khác. Nhưng cuối cùng, điều cơ bản mà chúng tôi thấy là xu hướng ấm lên trên toàn cầu và ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tháng 7.2021 là một trong 3 tháng 7 nóng kỷ lục trên thế giới được ghi nhận. Còn châu Âu đây thời gian nhiệt độ tăng bất thường, một kỷ lục được ghi nhận lần thứ hai, sau năm 2010”.

Nhiệt độ tăng cao bất thường đang thiêu đốt nhiều khu vực tại châu Âu. Ảnh: AP
Nhiệt độ tăng cao bất thường đang thiêu đốt nhiều khu vực tại châu Âu. Ảnh: AP

Hiệp định Paris 2015 đề ra mục tiêu kềm giữ mức tăng nhiệt độ trên trái đất dưới 2 độ C, và nếu được thì dưới 1,5 độ C, để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu như nóng bức, hạn hán, mực nước biển dâng cao...

Tuy nhiên, Liên hiệp quốc lo ngại bởi đến nay chỉ có hơn một nửa số quốc gia đệ trình các cam kết mới về chống biến đổi khí hậu. 

Trong khi đó, Liên hợp quốc gia hạn ngày 30.7.3021 là thời hạn chót đệ trình các cam kết quốc gia, qua đó có thể kịp đưa vào bản đánh giá toàn cầu sẽ được công bố trước Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Anh. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng 7.2021 nóng kỷ lục trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO