Tháng 7 đọc lại nhật ký “Tây Tiến viễn chinh”

TRẦN TRUNG SÁNG 25/07/2021 06:00

“Tây Tiến viễn chinh” là Nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến được NXB Hội Nhà văn ấn hành, ngay sau đó, từng trở thành một sự kiện xuất bản và văn hóa của Đà Nẵng năm 2006, và là tác phẩm duy nhất viết về chiến trường Campuchia của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”...

 

Trần Duy Chiến sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, Điện Bàn. Xuyên suốt cuốn nhật ký của Trần Duy Chiến là nỗi nhớ quê hương da diết. Sau mấy tháng ở đơn vị huấn luyện tân binh, từ Tây Nguyên đến khi thật sự rời xa Tổ quốc, sống trong những khu rừng biên giới của Campuchia, nỗi nhớ ấy càng nhân lên đến xót xa.

Sáng sớm ngày 20.7.1980, trên đường đi truy quét tàn quân Pôn-pốt tại vùng biên giới phía tây Campuchia, tiểu đội của Trần Duy Chiến đã không may sa vào ổ phục kích của địch. Một quả mìn địch gài trên đường bất ngờ phát nổ đã khiến một đồng đội đi sau Chiến bị thương vào đầu, còn anh bị trọng thương, nát chân phải, không cứu chữa được.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng cho biết: “Như một cơ duyên, tháng 10.2005, anh Trần Duy Dũng (em ruột Trần Duy Chiến) tại TP.Đà Nẵng đã chủ động liên hệ với tôi, với nguyện vọng nhờ tổ chức bản thảo cuốn sổ tay di vật của liệt sĩ Trần Duy Chiến thành một tác phẩm độc lập. Sau khi tiếp cận tư liệu gốc, tôi đã nhận lời biên soạn, viết giới thiệu và mời nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) viết lời bạt”.

Ngày  1.5.2007, Quận ủy quận Sơn Trà đã phối hợp với gia đình, Sư đoàn Bộ binh 309 đã đưa hài cốt của liệt sĩ Trần Duy Chiến từ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương về nghĩa trang liệt sĩ TP.Đà Nẵng. Hiện nay, tại Đà Nẵng có một con đường mang tên Trần Duy Chiến.

Có thể thấy, nội dung những trang nhật ký Trần Duy Chiến phần lớn viết về mẹ - nơi anh muốn chia sẻ những cảm xúc thật của lòng mình nhiều nhất: “Mẹ ơi! Con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá thắm mà con đang mặc. Nó là cái gì làm ngăn cách giữa con và mẹ? Nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc. Con sợ nó lắm mẹ ơi! Con muốn cởi trả nó lại cho đất nước để được về gần bên mẹ.

Lúc mẹ ốm đau có đứa con trai bên mình cơm cháo thuốc thang, để chiều mưa không làm con ướt, để chiếc ba lô và khẩu súng không đè nặng mãi hồn con và lẽo đẽo theo con suốt cả tháng trời hành quân. Để đêm đêm con được yên lành trong giấc ngủ, để cánh rừng rậm không phủ kín được ước mơ của con...”.

Với chúng tôi, những người lính từng có mặt tại Campuchia cùng thời điểm với Trần Duy Chiến (1978-1980), đọc lại những trang viết của anh càng mang nhiều ý nghĩa. Tháng 7 này cũng là dịp ngày giỗ, sau hơn 30 năm ngày liệt sĩ Trần Duy Chiến hy sinh. Trần Duy Dũng em trai của anh, nói rằng do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên gia đình không tiện tổ chức gặp gỡ những người bạn, chiến hữu thân thương của anh. Tôi viết bài này như một nén hương để tưởng nhớ đến Trần Duy Chiến cũng như những chiến hữu cùng thế hệ mãi mãi tuổi 20 vì hòa bình.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng 7 đọc lại nhật ký “Tây Tiến viễn chinh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO