Tháng 8, về làng Khương Mỹ

ĐẶNG TRƯƠNG 06/08/2022 09:23

(QNO) - Làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) nhìn từ trên cao tựa một bức tranh đẹp với những khu dân cư xanh tươi cây lá đan xen ruộng đồng nép mình bên sông Tam Kỳ hiền hòa. Trên con đường về Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, thế hệ hậu sinh như chúng tôi không khỏi xúc động khi nghĩ về cuộc dấn thân làm cách mạng đầy gian khổ, mất mác nhưng rất đỗi tự hào từ làng Khương Mỹ, của bậc anh tài đất Quảng - Võ Chí Công.

Di tích lịch sử cơ sở cách mạng nhà ông Võ Tâm và bà Nguyễn Thị Thơ
Di tích lịch sử cơ sở cách mạng nhà ông Võ Tâm và bà Nguyễn Thị Thơ

1. Làng Khương Mỹ (Tam Xuân 1) là nơi dựng nghiệp của dòng họ Võ. Vào đời vua Minh Mạng, ông tổ của dòng họ Võ Khương Mỹ là Võ Quang Trạch từ Thanh Hóa vào vùng đất bán sơn địa Hà Nha, huyện Đại Lộc sinh cơ lập nghiệp. Sau đó, ông Võ Quang Trạch cho người cháu đích tôn của mình là Võ Nhạn di chuyển vào bờ nam sông Tam Kỳ, tức xã Tam Xuân 1 ngày nay để lập nên dòng tộc Võ làng Khương Mỹ như bây giờ.

Cùng với những dòng tộc khác, tộc Võ đã chung tay, góp sức để tạo lập nên một ngôi làng khá đẹp bên bờ nam sông Tam Kỳ. Ông Lê Văn Tấn, cháu bên ngoại dòng họ Võ hiện là người trông coi nhà lưu niệm và lo việc lễ lộc của dòng họ Võ, bởi sau chiến tranh, những người con trai dòng tộc này còn lại rất ít, một phần đang sinh sống ở xa.

Theo chân ông Lê Văn Tấn, chúng tôi trở lại xóm Bộng Dầu, sát bến sông Tam Kỳ -nơi đây là nền nhà cũ, gắn liền với câu chuyện sinh cơ, lập nghiệp của dòng họ Võ từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời gian đã xóa mòn đi tất cả, nhưng ký ức về một đại gia đình thì vẫn còn đó trong những câu chuyện kể của người làng Khương Mỹ.

Đó là câu chuyện về cuộc dấn thân tham gia chính biến Trung Kỳ tại Phủ đường Tam Kỳ trong khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 của hai cha con ông Võ Dương và Võ Tâm - là cha và chú ruột của đồng chí Võ Chí Công. Dường như, ý chí đấu tranh, khát vọng thoát khỏi cảnh đời nô lệ đã được hun đúc từ rất lâu bởi những con người đã từng mang tư tưởng thoát khỏi chế độ phong kiến hà khắc mà từ Thanh Hóa quyết vào phương Nam như ông tổ dòng tộc Võ Quang Trạch.

Người dân đến thắp hương tại khu vực nhà thờ Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
Người dân đến thắp hương tại khu vực nhà thờ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công

Đó còn là câu chuyện mang ý nghĩa lịch sử, cách mạng cao cả khi vào năm 1935 cụ Võ Dương cùng với hai người con trai lớn là Võ Nghiệm (Võ Oanh) và Võ Nghiễm (Võ Toàn, Võ Chí Công) gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Ba cha con ông Võ Dương được cấp trên cho thành lập Chi bộ Tam Mỹ, sau đó kết nạp thêm đồng chí Nguyễn Hoàn người làng Danh Sơn, cách xa làng Tam Mỹ 15 cây số đường núi, từ đó đổi tên thành Chi bộ Mỹ Sơn.

Và, đó còn là những câu chuyện đẹp về sự hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ là con, là dâu dòng tộc Võ. Những người phụ nữ là bà nội, mẹ, người vợ của gia tộc họ Võ có chồng hoạt động cách mạng hay đi tập kết phải chấp nhận cuộc sống trong những khu dồn luôn ngột ngạt bởi ách kìm kẹp, bố ráp, o ép cùng những âm mưu vô cùng thâm độc của kẻ địch.

Chuyện trò với chúng tôi, ông Lê Văn Tấn luôn nhắc nhớ về hình ảnh bà Thơ, mẹ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Ngọc Hải, là một nông dân nhưng rất lanh lẹ, thông minh, luôn có những kế hoạch đối phó với địch trong mọi tình huống gay go, nguy hiểm.

Những phụ nữ của gia tộc Võ dù rất muốn “nhảy núi” thoát ly nhưng nhiệm vụ là phải ở lại để giữ lấy đứa cháu đích tôn, đứa con trai duy nhất còn lại của gia tộc họ Võ là cậu bé Hoàng (Vũ Ngọc Hoàng ) mới mấy tuổi và những đứa cháu nội gái chị em chú bác ruột với Hoàng. Đặc biệt vào giai đoạn Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm ra đời, địch càng tìm mọi cách theo dõi gia đình bà Thơ hơn bao giờ hết, cuộc sống trăm bề khốn khó và nguy hiểm trong lòng địch…

Đường vào Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công
Đường vào Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công

2. Làng Khương Mỹ bây giờ không chỉ xanh ngát ruộng vườn mà còn có những con đường bê tông nông thôn thông thoáng chạy dọc ngang xóm làng. Đi dưới hàng sung, bằng lăng tỏa bóng trên con đường thảm nhựa lối vào nhà lưu niệm,  một bầu không khí thanh bình đến xao xuyến tâm hồn. Con đường này thửa xưa đã từng in dấu chân của những người con dòng tộc Võ, hăng hái, mưu mẹo và gan dạ trên hành trình làm cách mạng, điển hình là nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công.

Làng Khương Mỹ hôm nay nhìn từ trên cao
Làng Khương Mỹ hôm nay nhìn từ trên cao

Những kỷ vật, hình ảnh còn lưu lại nơi ngôi nhà thờ gợi lên cảm giác bình dị, chân chất của những con người dường như sinh ra là để dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhà văn Phạm Thông, với tâm niệm viết một cuốn sách để ghi lại hành trình gian lao mà cao đẹp của dòng tộc Võ với đất nước, đã cất công lặn lội về làng Khương Mỹ, đi khắp hang cùng ngõ hẻm hơn 5 năm trời để tập hợp tư liệu, viết nên tập truyện ký “Đất nước và Gia tộc” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022).

Đất nước và gia tộc là câu chuyện mà mối quan hệ gia tộc và tổ quốc gắn bó như "máu thịt". Với nỗi lòng thao thiết về ký ức chiến tranh trên quê hương, Phạm Thông không chỉ muốn lật lại những ký sử dưới lớp bụi thời gian mà xa hơn là khát khao, nung nấu viết về gia tộc họ Võ ở Khương Mỹ với tất cả sự ngưỡng vọng của một nhà văn đối với vùng đất mà ông từng nặng nợ, gắn bó. Nhà văn như muốn đào sâu để hiển lộ những con người mà vì nhiều lý do chưa được nhận diện giá trị một cách đích thực…

Nhà văn Hồ Sĩ Bình, khi đọc “Đất nước và Gia tộc” đã viết: “Đất nước, nhân dân đã sinh ra những dòng họ, sinh ra những anh hùng, thông qua câu chuyện về gia tộc của họ Võ ở Khương Mỹ, qua mỗi trang sách tác giả đã cho thấy hình ảnh của miền quê và con người xứ Quảng đã sống và chiến đấu trong một giai đoạn chiến tranh giữ nước thật khốc liệt bi hùng nhưng rất đổi tự hào…”.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
Khuôn viên Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nhìn từ trên cao

Tháng 8 về. Làng Khương Mỹ không chỉ đẹp như bức tranh quê yên bình, mà còn tràn ngập niềm vui, niềm tri ân của hàng chục lượt du khách gần xa tìm về, thắp nhang bái vọng người con ưu tú dòng tộc Võ - Cố Chủ tịch Nước Võ Chí Công. Khu nhà lưu niệm bác Năm Công giờ đây được xây dựng khá khang trang với nhiều hạng mục, công trình, kỷ vật lưu dấu những kỷ niệm, hình ảnh một thời cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc của đồng chí Võ Chí Công.

Khương Mỹ cũng như bao ngôi làng khác trên mảnh đất Quảng Nam, là nơi sinh cơ lập nghiệp của biết bao dòng họ, nhưng ngôi làng nép bên dòng sông Tam Kỳ ấy mang vẻ đẹp lấp lánh của giá trị lịch sử bởi đã sản sinh ra những người con ưu tú làm rạng rỡ quê hương, đất nước.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng 8, về làng Khương Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO