Tháng 9, dọc sông Lam

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 19/09/2015 16:28

Sa Nam là tên cũ của huyện Nam Đàn (Nghệ An) ngày nay, chỉ cách thành phố Vinh chưa đầy 10 cây số về phía tây. Ngày nay còn lại cái tên chợ Sa Nam bên sông Lam nổi tiếng với món bánh đúc chấm tương… Hoa Viên cũng là tên một vùng đất cũ ở tả ngạn dòng sông này, từng được nhắc đến trong các trận chiến giữa quân Trịnh - Nguyễn từ thế kỷ 17 với những đền thờ các vua Lê và những vùng đất mang tên Triều khẩu, Lam thành…

Trên đê tả ngạn sông Lam. Ảnh: T.Đ.T
Trên đê tả ngạn sông Lam. Ảnh: T.Đ.T

1. Dọc bờ tả ngạn sông Lam từ Bến Thủy đến Nam Đàn là vùng đất dày đặc dấu ấn trong lịch sử - văn hóa xứ Nghệ. Những dịp đến Kim Liên, Hoàng Trù viếng quê hương của cụ Hồ, tôi cũng đã đến thăm lăng mộ của vua Mai Hắc Đế trên núi Thiên Nhẫn và mẹ ông ở Rú Dẻ, thăm nơi yên nghỉ của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp mà danh tiếng gắn liền với Trung đô thời Tây Sơn…

Đến Sa Nam cũng là dịp viếng khu lưu niệm  nhà cách mạng - văn hóa Phan Bội Châu và các ngôi đình cổ Hoành Sơn, Trung Cần nổi tiếng với những điêu khắc, chạm trổ dân gian độc đáo của vùng Bắc Trung Bộ.

Đình cổ Hoành Sơn được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ thời hậu Lê ( 2.1763) bên sông Lam thơ mộng với chất liệu chủ yếu là gạch ngói và gỗ lim. Theo lời kể của một lão nông, nhiều toán thợ có tay nghề cao trong vùng đã được giao thi công, chạm khắc từng gian đình riêng. Nhờ vậy các nét chạm trổ và nghệ thuật trang trí ngôi đình lại đa màu sắc đến thế. Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, làm tri châu Nghệ An năm 1041 được thờ như thành hoàng của đình làng. Ông đã có nhiều đóng góp việc phát triển và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt. Ngoài ra đình còn thờ “Tứ vị Thánh nương” và Phật. Toàn bộ bái đình Hoành Sơn có 8 vì, 7 gian với  32 cột gỗ lim tròn, cao 4 - 5 mét, đường kình 0,5m, trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoành và 42 đường xà với những nét chạm trổ tinh xảo từ những đề tài gần gũi với đời sống đương thời.

Cách đình Hoành Sơn không xa, ở xã Nam Trung  còn có đình làng Trung Cần, tuy có kích thước nhỏ hơn và xây dựng vào năm 1781, nhưng là nơi ghi dấu ấn của làng với 3 người thuộc họ Nguyễn đỗ tiến sĩ vào năm đó. Đình thờ Tam Tòa Đại Vương, Tứ Vị Đại Vương, Cao Sơn, Cao Các và danh tướng Tống Tất Thắng, đỗ tiến sĩ năm 1505, từng có công đánh giặc mở cõi về phương Nam. Đình có 5 gian, dài 24m, có 6 bộ vì kèo với 24 cột gỗ lim, Theo các chuyên gia, nghệ thuật kiến trúc ở đình Trung Cần đạt đến trình độ tinh xảo.  Mỗi góc xà, đường hạ… đều được chạm trổ hình long, lân, quy, phượng, cổ tích và những bản khắc gỗ dân gian sinh động như cảnh đồng quê, thầy đồ dạy học, nông dân đi cày, trai gái đang giã gạo, mẹ đang sàng gạo vừa cho con bú rất gần gũi…

Rời những công trình cổ tồn tại gần 400 năm với những nét nghệ thuật dân gian, chúng tôi về lại thị trấn Sa Nam để viếng nơi nhà cách mạng Phan Bội Châu từng trải qua những ngày niên thiếu. Khu lưu niệm Phan Bội Châu là các ngôi nhà tranh hai mái, hai chái bằng gỗ, tranh, tre nối nhau theo hình chữ L. Từ ngõ đi vào sân là hàng giậu bằng chè tàu xanh mượt, cạnh đó là những khóm chuối, cây ăn quả xanh tươi, thấm đẫm một không gian cư trú của vùng nông thôn bắc trung bộ đặc trưng cách đây hơn một thế kỷ. Chiếc cối giã gạo bằng đá, chày bằng gỗ lim ở đầu hồi, bộ phản gỗ và yên thư ở gian ngoài của nhà lớn là nơi cụ Phan đàm đạo thơ văn, bàn việc nước với các sĩ phu trong vùng, là những hiện vật gây nhiều xúc động.

Bên cạnh đó là khu đất rộng với kiến trúc hiện đại làm nơi trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Phan. Ở đó, cả một phong trào Duy tân, Đông du từ đầu thế kỷ trước như sống lại, hiển hiện.    

Đến Sa Nam vào những ngày này, chúng ta còn có thể dự lễ dâng hương tưởng niệm ngày sinh và ngày mất của cụ Phan ngay tại quê hương của ông. Ở vùng này còn có món thịt me thui (bê non) Nam Nghĩa và bánh đúc Sa Nam nổi tiếng chấm với tương Nam Đàn được ca ngợi: Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn… từ xa xưa.

2. Từ Sa Nam đi về hướng đông, dọc con đê ở tả ngạn sông Lam để tìm lại vùng đất “cố quận” Hoa Viên mà tổ tiên tôi còn ghi lại trong gia phả, tôi đã mất đến nhiều năm mới xác định được, bởi tên Hoa Viên dường như đã mất dấu trong các văn bản hành chính. Dù được giúp đỡ để biết đó chính là vùng đất thuộc huyện Hưng Nguyên ngày nay, nhưng đích xác là đâu thì không ai biết.

Hoan Châu ký, một tiểu thuyết viết bằng Hán Nôm của Nguyễn Cảnh thị mô tả quân nhà Nguyễn sau khi đẩy lui quân Trịnh đã vượt sông Lam và nghỉ chân ở chợ Hoa Viên. Một người bạn dẫn tôi tìm đến vùng làng Văn Viên thuộc xã Hưng Khánh. Văn Viên chính là Hoa Viên, vì trùng tên với vợ vua Thiệu Trị đã phải đổi Hoa thành Văn. Đến đây, tôi có dịp viếng đền thờ các vua Lê, tượng gỗ quý tạc chân dung danh tướng Lê Khôi, Lam Thành thời nhà Lê chống quân Minh xâm lược. Trong lúc điền dã, chúng tôi đã đến thăm đền Bạch Đế (hay đền Hai Voi) và tìm thấy địa danh Hoa Viên còn lại trong những sắc phong từ các triều đại nhà Lê, Tây Sơn và Nguyễn.

Đền xây dựng bên bờ sông Lam đã hơn 600 năm với kiến trúc trầm mặc, có tượng hai voi đá chầu hầu phía trước. Tương tuyền khi vua Lê Thánh Tông đưa quân vào đánh Chiêm thành, gặp sóng to gió lớn đã quay về đây trú tránh. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, vua quay về xây đền để tạ ơn trời đất… Bên cạnh đền Bạch Đế, còn có đền thờ đức thánh Quốc sư Không Lộ Nguyễn Minh Không uy nghi, từng chữa bệnh cho các vua nhà Lý. Thiền sư Không Lộ Nguyễn Minh Không cũng là ông tổ nghề đúc đồng. Không Lộ Nguyễn Minh Không gắn liền với sự tích chùa Keo và các chùa ở đồng bằng sông Hồng. Có lẽ ở Hoa Viên bên bờ sông Lam, đây là đền thờ ông xa nhất về phía nam Đại Việt gắn liền với những huyền thoại của ông trong tín ngưỡng Phật giáo, văn minh lúa nước và nghề đánh cá… Trong đền có tượng thiền sư và bức hoành phi đề 4 chữ “Đại pháp thiền sư”. Sắc phong liên quan đến Thiền sư không còn. Chỉ thấy một số sắc mục nát của Chế Thắng phu nhân (tức nàng Nguyễn Thị Bích Châu, phi của vua Trần Duệ Tông)  được bảo quản ở đây…

Dọc bờ tả sông Lam, còn có nhiều di tích, địa danh như đền thờ ông Hoàng Mười, chợ Tràng, chợ Mí từng lưu danh trong lịch sử. Nhiều làng xã ven sông này, trải qua tang thương ngẫu lục và binh biến đã lở lấp không còn. Những tên làng tên xóm chỉ còn lại trong những di tích cổ. Con người cũng thiên di về nhiều nơi khác, mù tăm…

Nhiều dòng tộc ở Quảng Nam hiện nay đều có tổ tiên gốc ở Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào cách đây 16-20 thế hệ. Chúng tôi cũng ở trong số đó. Trong quá trình kết nối gian truân, tôi lại có dịp biết thêm về một vùng đất đầy dấu ấn của lịch sử, hiểu thêm về quá trình hình thành các làng xã ven sông Lam thơ mộng và bi tráng…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng 9, dọc sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO