Cứ mỗi độ tháng ba đến, ở quê tôi, những hàng sầu đông ven đường bao giờ cũng giăng những chùm hoa phơn phớt tím. Ở đầu thôn và nơi bến sông, những cây gạo cũng bắt đầu lốm đốm những chùm hoa đỏ rực màu trông như những đốm lửa. Trong vườn, ổi, bưởi… cây nào cây nấy dần kết trái và tỏa ra mùi thơm dìu dịu. Ở mấy cái ao, nước cạn đi, gặp nắng nên hoa súng cũng thi nhau khoe sắc. Trên ngọn cây cốc cổ thụ tại sân đình đám chim sáo, cà cưỡng đến mùa đẻ trứng đua nhau đi tha cỏ về làm tổ… Cũng chính vào thời điểm ấy mùa gặt bắt đầu.
Mới mấy tháng trước đó, ruộng thấp, ruộng cao, ruộng trên, ruộng dưới, đám nào cũng phủ kín một màu xanh thắm thì giờ đây tất cả đã chuyển thành màu vàng với những bông lúa trĩu hạt, lao xao, lao xao từng đợt trong gió tạo nên những âm thanh, mới nghe tưởng chừng như tiếng sóng. Vào những ngày này, khắp các xóm, nhà nào cũng rộn ràng vào mùa gặt hái, vì dưới cái nắng tháng ba, lúa khô rất nhanh, không thu hoạch kịp rất dễ rụng hạt. Thời xưa, ở các vùng quê chưa có máy cắt lúa như bây giờ, do vậy, sắp vào ngày mùa, cha mẹ tôi bao giờ cũng sắm những chiếc liềm thật sắc cũng như chuẩn bị thúng, gióng để đưa lúa về nhà.
Ngày mùa. Ảnh: HỨA THẠNH |
Đối với người dân quê, có gì vui hơn khi lúa được mùa. Ở khắp cánh đồng, mặc dù phải làm việc dưới cái nắng chói chang nhưng chỗ nào cũng vang lên tiếng cười, tiếng nói. Ở những con đường nhỏ dẫn vào làng, người rẽ hướng này, người đi hướng kia, trên vai gánh lúa rung theo nhịp chân bước.
Hồi chúng tôi còn bé, ngày mùa đến, có rất nhiều niềm vui. Trên những mảnh ruộng gặt chưa hết, châu chấu tụ lại rất đông, con nào cũng mập tròn, và khi thả trâu ăn, chúng tôi xúm lại, tha hồ vây bắt. Châu chấu mang về rang lên ăn, béo ngậy. Còn nữa, ở những mảnh ruộng thấp, đám lươn lên đồng sinh sống từ mùa mưa, khi nước khô, chưa kịp thoát đi, nên phải chui vào những cái hang ẩm ướt trong lòng đất ven bờ. Chẳng ngại bùn lấm, cứ thế, chúng tôi thi nhau đào để bắt những chú lươn vàng ươm mang về cho mẹ.
Mùa gặt đến, ở quê tôi, ấy là mùa no đủ. Trong làng, có nhà nào đó dù nghèo đến mấy, trong năm nồi cơm phải độn nhiều khoai, nhiều sắn, thì giờ đây ít ra cũng được ăn vài ngày cơm trắng. Những nồi cơm lúa mới bao giờ cũng thơm, cũng quyến rũ, dù ăn với thứ gì cũng thấy ngon miệng. Chưa kể, có gạo mới, ai cũng muốn thưởng cho mình, nhà này xay bột đổ bánh xèo, bánh bèo, nhà kia làm bánh đúc. Con gà, con vịt, con ngỗng trông cũng mập mạp hơn, đi lại trong sân ngó bộ cũng thư thái, ung dung hơn những ngày trước đó…
Có hình ảnh khó quên vào những mùa gặt tháng ba, ấy là rơm vàng. Rơm rơi vãi trên bờ ruộng, trên những lối đi. Rơm trải đầy trên những mảnh đất trống trong vườn. Cũng như nhiều nhà khác, vào những mùa gặt tháng ba, cha tôi thường phơi rơm rất kỹ, rồi chất thành một ụ thật cao, nện cho chặt lại, giống như một cái nấm khổng lồ, để dành, rút dần cho trâu, bò ăn trong những ngày mùa đông mưa bão.
Tháng ba lúa đã chín vàng
Nếu mình đồng ý ta sang giúp mình
Giúp đây giúp nghĩa giúp tình
Để hết mùa gặt bụng mình sình lên.
Người dân quê tôi vốn thích hài hước. Đó là một trong những câu ca dao có liên quan đến mùa gặt tháng ba. Trong cuộc sống, có lẽ chẳng có anh chàng nào có ý định đi giúp người khác lại lồng chuyện đòi “tang tình” lộ liễu đến vậy. Chẳng qua đó chỉ là cách nói cho vui, cho vơi đi mệt nhọc của những ngày lao động vất vả một nắng hai sương. Dẫu vậy, chúng tôi lớn lên, đi xa, mỗi khi nhớ về những mùa gặt tháng ba, cùng với bao hình ảnh thân thương, bất chợt lại nghĩ về câu ca: Tháng ba lúa đã chín vàng…
HOÀNG NHẬT TUYÊN