Mùa mưa năm 2020 đang diễn ra rất phức tạp, lượng mưa đo được tại lưu vực các hồ chứa nước Phước Hà, Đông Tiển và Cao Ngạn của huyện Thăng Bình đến thời điểm này trung bình là 1.400mm. Hiện tại các hồ chứa đã tích đủ 100% dung tích thiết kế, nước đã qua tràn tự do. Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình đang triển khai lực lượng trực 24/24h để thường xuyên kiểm tra, quan trắc an toàn đập.
Sau nhiều đợt mưa kéo dài, hiện nay tại hồ chứa nước Phước Hà (xã Bình Phú), nước đã qua tràn tự do. Theo thiết kế, lưu lượng lớn nhất qua tràn tự do của hồ chứa này là 193m3 /s. Bên cạnh đó, cả 3 hồ chứa thủy lợi tại Thăng Bình đều không có tràn xả sâu, do đó để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó cho từng hồ chứa.
Theo ông Bùi Văn Hải - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình, hiện nay các cửa điều tiết nước về đập Châu Lâm (xã Bình Trị), đập Châu Long (xã Bình Phú) đã được tháo dỡ vật cản nằm trên các lòng suối để không làm cản trở khả năng thoát nước lũ về hồ chứa.
“Các địa phương phải thường xuyên thông báo cho nhân dân vùng hạ du các hồ chứa có biện pháp phòng tránh lũ, bảo vệ con người, tài sản, cây cối, hoa màu, vật nuôi... Chi nhánh thủy lợi huyện cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không đi lại, vớt củi, đánh bắt cá tại các suối, khu vực nguy hiểm, thấp trũng, ngập sâu, nước chảy xiết phía hạ du các hồ chứa nói trên” - ông Hải nói.
Không chỉ riêng hồ Phước Hà, mà cả 2 hồ còn lại của huyện Thăng Bình đều không có tràn xả sâu, đến thời điểm này cả 3 hồ đã tích đầy nước. Đối với hồ Đông Tiển, lưu lượng qua tràn lớn nhất là 106m3/s; hồ Cao Ngạn đạt 93m3/s. Ngoài phương án của Chi nhánh Thủy lợi huyện đã xây dựng để ứng phó, các xã Bình Phú, Bình Định Nam, Bình Trị và Bình Lãnh là những địa phương nằm ở vùng hạ du chịu ảnh hưởng trực tiếp nước lũ về từ các hồ chứa phải phổ biến rõ nội dung các phương án để người dân biết, chủ động ứng phó khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nhiệm vụ quan trọng của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện là cung cấp nước tưới cho cây trồng trong mùa nắng và đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi nước tại các hồ đều đã qua tràn tự do thì địa phương liên tục kiểm tra thực tế tại các hồ này.
“Bên cạnh đó, huyện Thăng Bình cũng yêu cầu Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình phải xây dựng các phương án với nhiều kịch bản xảy ra, trong đó có cả những tình huống về mất an toàn hồ đập để có thể chủ động ứng phó. Đặc biệt, chúng tôi cũng tuyên truyền đến người dân ở xung quanh các hồ thủy lợi, người dân ở phía hạ du để sẵn sàng sơ tán khi có tình huống nguy hiểm xảy ra” - ông Vũ nói.
Đảm bảo an toàn hồ đập và điều tiết nước tưới cho vùng hạ du là 2 nhiệm vụ song song mà Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình đã và đang thực hiện. Ở thời điểm hiện tại, việc đảm bảo vận hành để bảo vệ an toàn hồ chứa là vấn đề tiên quyết và là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thủy lợi và các địa phương có hồ chứa khi thời tiết đang diễn biến bất lợi như hiện nay.