Thăng Bình: Hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị bỏ hoang (clip)

PHAN VINH - GIANG BIÊN - VĂN TOÀN 16/07/2018 15:40

(QNO) - Những năm gần đây, tình trạng bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Thăng Bình tiếp tục gia tăng, tập trung chủ yếu ở các xã vùng đông. 

Tại các xã Bình Dương, Bình Đào, Bình Hải đã có gần 160ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Ảnh: V.B.T
Tại các xã Bình Dương, Bình Đào, Bình Hải đã có gần 160ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Ảnh: V.B.T

Bỏ đất đi làm công nhân

Đứng cách cánh đồng khô cằn đang bỏ hoang để cho trâu, bò đứng gặm cỏ không xa, ông Võ Văn Mười (thôn 1, xã Bình Dương) tỏ ra tiếc nuối. Không tiếc sao được khi có đến 1 mẫu ruộng của gia đình ông phải bỏ hoang trong vụ hè thu năm nay do thiếu nước. Đất ruộng bỏ hoang, ông chỉ còn cách đi làm công nhân cho các công trình đang xây dựng ở địa phương để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, khi đã có được thu nhập từ nghề mới này thì ông không còn mặn mà với nghề nông nữa.

“Đi làm công nhân thì một tháng chí ít cũng tầm 6 triệu, còn làm nông cả năm trời lãi khoảng 10 triệu, tính ra đi làm công trình sướng hơn” - ông Mười nói.

Một số người lớn tuổi, không đủ điều kiện để đi làm công nhân thì bám víu lấy đổng ruộng. Ảnh: V.B.T
Một số người lớn tuổi, không đủ điều kiện để đi làm công nhân thì bám víu lấy đổng ruộng. Ảnh: V.B.T

Ở tuổi ngoài 60, bà Lê Thị Tám (thôn 1, xã Bình Dương) chỉ còn biết trông chờ vào 3 sào đất màu trồng cây khoai lang. Còn 4 sào đất sản xuất lúa ở vụ này cũng bị bỏ hoang do thiếu nước sản xuất. Bà Tám cho hay, nếu bơm nước từ mương lên thì tốn nhiều tiền dầu. Mà đối với cây lúa, đâu phải chạy nước lên tưới 1 lần là xong, mà phải túc trực từ khi xuống giống cho đến lúc lúa trổ. Nhiều người ở đây tính toán quy ra tiền đầu tư cho cây lúa nhiều, do vậy họ bỏ đất, chỉ sạ vụ đông xuân để kiếm lúa ăn cả năm.

“Chẳng qua bây giờ tuổi đã cao nên tôi mới bám trụ trên mấy sào khoai lang, chứ nếu còn trẻ thì tôi cũng xin đi làm ở các công trình hoặc khu nghỉ dưỡng mới mọc lên, vì làm ở đó thu nhập khá cao, so với làm nông thì hơn hẳn” - bà Tám nói.

Mời bạn đọc xem video clip:

.

Theo thống kê của xã Bình Dương, vụ hè thu năm nay toàn xã có đến 100ha diện tích sản xuất lúa và cây màu bị bỏ hoang. Ngoài ra, tại các xã Bình Đào và Bình Hải cũng có gần 60ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang tương tự. Và con số này tiếp tục có chiều hướng gia tăng theo từng vụ nên ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác.

Tìm hướng giải quyết

Ông Nguyễn Thanh Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, những vụ trước, tình trạng người dân bỏ hoang đất cũng có xảy ra. Tuy nhiên, chưa bao giờ, tình trạng này lại xảy ra nhiều như vụ hè thu năm nay. Ông Vinh lý giải, vụ hè thu, người nông dân sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Mặc dù địa phương đã đầu tư nhiều giếng bơm ở các cánh đồng nhưng cũng không có nước.

“Một nguyên nhân khác, người dân so sánh thu nhập giữa việc làm lúa và làm công nhân ở các công trình. Hiện nay, nếu mỗi tháng 1 người làm ở công nhân thu nhập trên 6 triệu đồng thì đủ để chi phí, trang trải gia đình, mà có khi mua lúa lại ăn vẫn đủ. Còn làm lúa thì bấp bênh. Do đó, người dân cũng không mặn mà với đồng ruộng” - ông Vinh nói.

Chi phí mua nhiên liệu để bơm nước lên ruộng khá nhiều nên thu nhập từ nông nghiệp rất thấp. Ảnh: V.B.T
Chi phí mua nhiên liệu để bơm nước lên ruộng khá nhiều nên thu nhập từ nông nghiệp rất thấp. Ảnh: V.B.T

Cũng theo ông Vinh, hiện nay, địa phương đang tính đến chuyện xin quy hoạch thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất. Bởi đây là phương pháp duy nhất để duy trì việc sản xuất. Đối với phương án tích tụ tập trung ruộng đất, nếu người nông dân không sản xuất thì có thể giao đất cho hợp tác xã (HTX) hoặc đơn vị nào đó thực hiện việc khoán ruộng. Phương án này, người nông dân sẽ không bị mất đất. Mà đất đai cũng không bị bỏ hoang phí như hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện phương án tích tụ tập trung ruộng đất thì phải củng cố lại HTX. Điều này cũng là một vấn đề khó ở địa phương.

Đồng quan điểm trên, ông Hồ Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho rằng, đối với diện tích đất bị bỏ hoang, địa phương sẽ củng cố lại HTX để tiến hành phương án tích tụ, tập trung ruộng đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào các loại cây hoa màu như đậu phụng, dưa gang, ớt…  

Mời bạn đọc xem video clip:

.

“Đến nay, diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn xã khoảng 30ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Hiệp Hưng, Kỳ Trân và Đồng Trì. Trên địa bàn đang có 4 ao đìa, mỗi ao có khả năng tưới từ 25 - 30ha đất sản xuất, tuy nhiên, kinh phí để tu sửa nạo vét là quá lớn -  khoảng 1 tỉ đồng/ao, trong khi nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp” - ông Chung lý giải.

Tại Hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, hiện nay, người dân nhiều địa phương bỏ ruộng là do thiếu lao động và hiệu quả sản xuất thấp. Đây lại là điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất tuy nhiên gặp vướng về Luật Đất đai khi doanh nghiệp ngoài địa phương vào thuê đất. Bởi vậy, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND huyện tháo gỡ khó khăn trong thời gian đến.

Còn ông Nguyễn Tấn Thu - Chủ tịch UBND xã Bình Đào, với khoảng 26ha đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn xã như hiện nay thì địa phương đang gặp nhiều trở ngại trong việc khôi phục sản xuất.

“Địa phương đang vận động nhân dân cho cho thuê lại diện tích đất bỏ hoang để tái sản xuất những cây trồng phù hợp. Nhưng phương án tích tụ ruộng đất sẽ rất khó thực hiện, bởi nếu đơn vị nào muốn đầu tư sản xuất họ sẽ chọn những khu đất có điều kiện thuận lợi, trong khi đất bỏ hoang nhiều năm cải tạo sẽ tốn nhiều chi phí” - ông Thu nói.

PHAN VINH - GIANG BIÊN - VĂN TOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình: Hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị bỏ hoang (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO